11:12, 18/12/2012

Tám đội bóng gây thất vọng nhất năm 2012

Điểm chung của những đội này là đều thừa mứa ngôi sao, nhưng kết quả đạt được thì kém xa kỳ vọng và không hề tương xứng với chất lượng đội ngũ họ có.

Điểm chung của những đội này là đều thừa mứa ngôi sao, nhưng kết quả đạt được thì kém xa kỳ vọng và không hề tương xứng với chất lượng đội ngũ họ có.

Paris Saint Germain - tiền chưa mua được thành công

Với Carlo Ancelotti - được bổ nhiệm trong ngày cuối cùng năm 2011, PSG có một trong những nhà cầm quân danh tiếng, dày dạn kinh nghiệm và giàu thành tích bậc nhất bóng đá châu Âu. Và để giúp HLV ăn lương 6 triệu euro mỗi mùa này cụ thể hóa những ý tưởng chiến thuật trên sân bóng, các ông chủ Ả-rập chi thêm 19 triệu euro nữa để tậu vệ Alex (Chelsea), Maxwell (Barca) và Thiago Motta, bổ sung vào dàn sao vốn đã dày dặc với những Pastore, Menez, Sissoko, Sirigu, Lugano, Matuidi... ngốn ngót nghét trăm triệu euro từ mùa hè. Nhưng bất chấp những khoản đầu tư không tiếc tay đó, PSG chỉ cán đích ở vị trí thứ nhì giải Ligue 1, kém nhà vô địch Montpellier ba điểm.


 

Thất bại càng làm PSG say máu và chi mạnh tay hơn trong phiên chợ mùa hè. 146 triệu euro nữa được ném vào thị trường chuyển nhượng biến sân Parc des Princes thực sự trở thành một dải ngân hà mới với sự đổ bộ dồn dập của Lavezzi, Thiago Silva, Veratti, Ibrahimovic, Van der Wiel và bản hợp đồng để dành Lucas Moura. Nhưng dù đang đứng đầu bảng xếp hạng Ligue 1, PSG vẫn chưa thể hiện được vị thế của một ông lớn đủ khả năng đàn áp phần còn lại, để thống trị giải đấu. Qua 18 vòng, thầy trò Ancelotti mới có cùng 35 điểm và chỉ đứng trên như hai đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Lyon và Marseille nhờ hơn hiệu số bàn thắng.

Sức mạnh tập thể của dàn sao danh tiếng cũng chưa được thể hiện rõ nét, khi PSG vẫn sống dựa vào hơi thở là những bàn thắng của Ibrahimovic. Chân sút người Thụy Điển là chủ nhân của 17 bàn, tức chiếm quá nửa trong số 33 bàn mà PSG đã ghi tại Ligue 1 từ đầu mùa.

Zenit St Petersburg - nhà giàu cũng khóc

Không phải là dạng trọc phú mới nổi như PSG, Zenit, từ nửa thập kỷ trở lại đây, luôn nổi tiếng mạnh vì gạo, bạo vì tiền trong làng bóng đá Nga nhờ nguồn sữa tài trợ từ người khổng lồ dấu khí Gazprom. Và họ cũng đã gặt hái thành công rực rỡ bằng chính sách đó mà đỉnh cao là chức vô địch Ngoại hạng Nga hai mùa gần nhất cùng cú đúp Cup UEFA - Siêu Cup châu Âu năm 2008.


 

Thành công đó là tiền đề để Zenit một lần nữa bạo chi với 80 triệu euro cho thương vụ kép mua về hai ngôi sao sáng giá nhất của giải vô địch Bồ Đào Nha Hulk (40 triệu, Porto) và Axel Witsel (40 triệu, Benfica) nhằm phục vụ tham vọng bành trướng ra châu Âu. Nhưng đội quân của HLV Luciano Spalletti chẳng những không thể thăng hoa nhờ hai tân binh hàng hiệu này, mà còn tụt lùi so với chính họ mùa trước.

Tại Champions League, dù lọt vào bảng đấu được cho là dễ thở, Zenit thậm chí còn không tái hiện được thành tích vượt qua vòng bảng mùa trước. Qua sáu trận, họ chỉ có bảy điểm, xếp thứ ba sau  Malaga, Milan, và ngậm ngùi xuống đá Europa League. Tại giải Ngoại hạng Nga, sau 19 trận, Zenit đứng thứ ba và bị đầu bảng CSKA Moscow bỏ xa tới 5 điểm.

Tệ hơn, đãi ngộ đặc biệt về lương thưởng mà CLB dành cho Hulk và Witsel còn khiến nhiều trụ cột cũ phật lòng ra mặt, gây mất đoàn kết nội bộ, trong khi hai tân binh mới này cũng mắc bệnh ngôi sao. Hulk còn cả gan to tiếng nạt nộ HLV Spalletti khi trong một trận đấu Champions League và thẳng thừng tuyên bố sẽ ra đi vì không chấp nhận cách làm việc với ông thầy người Italy.

Tuyển Đức - thiếu một cú rướn quyết định

Thành công của bóng đá Đức trong công cuộc trẻ hóa và mềm hóa lối chơi là điều được thừa nhận rộng rãi. Với một đội ngũ trẻ trung, có tính cạnh tranh và kế thừa rất cao cùng thứ bóng đá tấn công giàu tính cống hiến, tuyển Đức lần lượt gặt hái thành công qua hai lần liên tiếp về ba ở World Cup (2006, 2010) và vị trí á quân Euro 2008. Euro 2012 vì thế được chờ đợi là cơ hội hội để Đức “hóa rồng”, trở lại vị thế một quyền lực của bóng đá thế giới như giai đoạn trước 1996. Tuy nhiên, kỳ vọng đó đã không được thầy trò HLV Joachim Loew hiện thực hóa trên đất Ba Lan - Ukraine.


 

Nếu bản lĩnh, sự lỳ lợm, xù xì gai góc và lạnh lùng đôi khi đến mức vô cảm được xem là một phẩm chất đặc trưng của tuyển Đức trước kia, từng giúp họ làm nên khác biệt để chiến thắng trong quá khứ, thì hiện tại, đó lại là điểm yếu lớn nhất của đội bóng này. Không tính World Cup 2006 mà họ là chủ nhà, như hai giải đấu lớn trước đó, Đức thắng như chẻ tre ở vòng loại, nóng máy rất nhanh, khởi đầu tưng bừng ở những giai đoạn đầu vòng chung kết và được ca tụng như ứng viên sáng nhất cho ngôi báu. Nhưng ở những thời khắc quyết định, tuyển Đức lại không thể hiện được bản lĩnh, sự vững vàng tâm lý cần có, để rồi sụp đổ.

Euro 2012 diễn ra theo cùng kịch bản đó khi thầy trò Loew toàn thắng cả ba trận, xếp nhất bảng B tử thần rồi thị uy ở tứ kết bằng thắng lợi 4-2 trước Hy Lạp - mạch kết quả khiến số đông, nếu không muốn nói là tất cả, đều xem Đức như đội có thực lực mạnh nhất, đủ sức ngăn đà thống trị của Tây Ban Nha kéo dài từ Euro 2012 qua World Cup 2010. Tuy nhiên, vào bán kết, sự ca tụng đó dường như đã làm Đức phấn khích thái quá và đánh mất sự tỉnh táo để rồi phải trả giá đắt khi để Balotelli ghi liền hai bàn cho Italy ở nửa cuối hiệp một. Những nỗ lực tột cùng trong thời gian còn lại chỉ đủ giúp Đức vớt vát chút danh dự qua bàn gỡ 1-2 của Mesut Oezil.

AC Milan - bán linh hồn cho quỷ dữ

Ngay cả khi thất bại trước Juventus trong cuộc đua song mã tranh scudetto kịch tính bậc nhất từ vài năm qua, Milan vẫn có thể xem nửa đầu năm 2012 là thời gian thành công. Nhưng những gì diễn ra sau đó là một cú sốc với ngay cả những tifosi bi quan nhất của đội bóng. Thay vì giữ lại những nòng cốt và tích cực bổ sung để gầy dựng lại một thế hệ chiến thắng, Milan hành động theo kiểu bán linh hồn cho quỷ dữ, viện cớ túng tiền, cần cân bằng thu chi để chia tay một loạt công thần, đẩy Thiago Silva và Ibrahimovic, bộ đôi được xem như chiếc khiên và mũi giáo của cả đội, sang PSG.


 

Để thay thế những người đã ra đi, một chiến dịch mua sắm kiểu vơ bèo vạt tép được thực hiện và hệ quả là Milan, từ chỗ đường đường là Á quân, chơi như một đội vét đĩa, trong giai đoạn đầu mùa. Dù đã có những cố gắng nhất định thể hiện qua việc họ giành vé đi tiếp ở Champions League sau khởi đầu khó khăn, Milan nhìn chung vẫn gây thất vọng. Tại Serie A, họ đứng tận thứ bảy với 27 điểm, kém đầu bảng Juventus tới 14 điểm, và chắc chắn không thể lọt vào top 5 trước kỳ nghỉ Giáng sinh - Năm mới khi khoảnh cách với đội đứng cuối trong nhóm này, Fiorentina, là năm điểm trước trận đấu cuối cùng trong năm 2012 cuối tuần này.

Bayern Munich - cú sảy chân đáng tiếc

Là đội bóng giàu truyền thống và giàu có nhất bóng đá Đức, mọi vị trí ngoài ngôi số một đều có thể xem là thất bại với “Hùm xám”. Để phục hận cho thất bại dưới tay Dortmund ở Bundesliga mùa 2010-2011, Bayern chi ra hơn 40 triệu euro để kiện toàn lại bộ máy, tập trung vào hàng phòng ngự vốn là điểm yếu của họ trước đó, với Neuer - thủ môn được ví như một Oliver Kahn mới, trung vệ Boateng và hậu vệ phải Rafinha. HLV kỳ cựu Juup Heynckes cũng được rước về để làm bộ não mới cho đội bóng. Những thay đổi đó cho kết quả tích cực khi Bayern có hai giai đoạn dài dẫn đầu Bundesliga và chơi ổn định tại Champions League.


 

Nhưng đến đầu năm mới, mọi thứ dần trở nên xấu đi với Hùm Xám. Ở trong nước, họ tụt xuống thứ hai từ vòng 20 và để Dortmund giữ vững ngôi đầu cho đến hết mùa. Trên mặt trận châu Âu, sau khi vững vàng xếp nhất vòng bảng tử thần, lần lượt loại Basel, Marseille ở hai vòng knock-out đầu tiên, Bayern gây tiếng vang lớn khi loại Real ở bán kết để giành quyền đá trận chung kết với Chelsea trên sân nhà Allianz. Nhưng trước cơ hội lịch sử để trở thành đội đầu tiên trong lịch sử vô địch Champions League trên sân nhà, Bayern lại để vuột chiến thắng ở 90 phút chính thức. Họ sau đó bất lực trong hai hiệp phụ trước khi gục ngã trên chấm phạt đền.

Nỗi đau lần này của Bayern còn lớn hơn cả khi họ thua Inter trong trận tranh ngôi vô địch Champions League hai năm trước đó, bởi “Hùm Xám” phải nhìn đối thủ đánh bại họ rồi nâng Cup ngay tại hang ổ của họ.

Thân Hoa Thượng Hải - trưởng giả học làm sang

Cùng với sự phất lên của nền kinh tế Trung Quốc, bóng đá quốc gia Đông Á này được hưởng lợi nhờ bầu sữa tài chính từ các nhà tài phiệt giàu sụ. Thân Hoa thuộc số đó khi nằm trong tay Zhu Jun, một doanh nhân trong lĩnh vực game trực tuyến. Họ gây sốc khi lần lượt rước về từ Chelsea Nicolas Anelka và mời HLV danh tiếng người Pháp Jean Tigana về cầm quân. Đến mùa hè, họ thậm chí còn làm rúng động cả thế giới bóng đá với việc bổ sung ngôi sao vừa vô địch Champions League cùng Chelsea ở trời Âu Didier Drogba và mời cựu HLV đội Olympic, rồi ĐTQG Argentina, Sergio Batista về thay Tigana.


 

Tuy nhiên, cả núi tiền ném vào việc chiêu binh mãi mã đó vẫn chưa thể biến Thân Hoa thành một thế lực ở giải Super League Trung Quốc như mong đợi của Zhu Jun. Đội kết thúc mùa giải với vị trí thứ chín cùng nỗi thất vọng tràn trề khi kém nhà vô địch Hằng Đại Quảng Châu tới 20 điểm. Hai vụ tuyển mộ Drogba và Anelka chỉ giúp tên tuổi của CLB này được biết đến nhiều hơn trên phạm vi toàn cầu, nhưng đó khó có thể xem là thành công của họ, bởi cái đích mà Thân Hoa hướng đến là ngôi bá chủ làng bóng đá trong nước và châu Á.

U.23 Brazil - gục ngã trước ngưỡng cửa vinh quang

Sở hữu Neymar - tài năng kiệt xuất được ví như những Messi hay Ronaldo siêu phàm trong lứa tuổi của anh, cùng hàng loạt viên ngọc sáng giá khác như Pato, Damiao, Romulo, Oscar, Ganso, Lucas Moura...., U23 Brazil mặc nhiên được xem như ứng viên sáng giá nhất cho bộ HC vàng bóng đá nam Thế vận hội London 2012. Cả nền bóng đá Brazil cũng hồi hộp dõi theo với sự kỳ vọng to lớn những bước tiến của đội bóng ở Anh quốc, bởi những cầu thủ dự Olympic lần này chính là nòng cốt của tuyển Brazil làm chủ nhà World Cup 2014.


 

Sự kỳ vọng đó được đáp ứng một cách không thể ấn tượng hơn gần suốt hành trình ở London tính đến trước trận chung kết. Bằng thứ bóng đá samba rực lửa, U23 Brazil cuốn phăng mọi trở ngại trên đường vào trận tranh HC vàng, nơi họ gặp một U23 Mexico bị đánh giá thấp hơn nhiều. Nhưng khi đứng trước ngưởng cửa vinh quang, Neymar và đồng đội bất chợt hóa tầm thường. Gánh nặng từ sự kỳ vọng to lớn của cả dân tộc khiến đôi chân họ như đeo đá và chấp nhận thua 1-2, để rồi phải ra về trong sự tiếc nuối, mạt sát, dè bỉu của dư luận.

U.23 Tây Ban Nha - trẻ người non dạ

Thành công của đội tuyển quốc gia ở ba giải đấu lớn liên tiếp khiến U23 Tây Ban Nha được kỳ vọng sẽ tiếp nối, hoàn tất một năm 2012 tuyệt vời cho bóng đá xứ ở bò tót. Cơ sở của kỳ vọng đó là thứ bóng đá tiqui-taca được áp dụng một cách đồng bộ trong hệ thống đào tạo của cả nền bóng đá và những hạt nhân tài năng nhưng chưa có nhiều đất diễn hoặc chỉ mới nổi lên ở đội lớn như Javi Martinez, Thiago Alcantara, De Gea, Mata hay Jordi Alba.


 

Tuy nhiên ,sự kỳ vọng to lớn nhanh chóng biến thành niềm hổ thẹn. Không như các đàn anh, U23 Tây Ban Nha cũng đá tiqui-taca, nhưng đó là thứ tiqui-taca méo mó dị dạng, thiếu cả sự kết dính lẫn sự cố gắng như đội lớn. Họ thua cả hai trận đầu với cùng tỷ số 0-1 trước Nhật Bản, Honduras trước khi bị Marocco cầm hòa 0-0 ở lượt cuối, để rồi phải ra về với thành tích tồi tệ chưa từng thấy - chỉ có một điểm qua ba trận và không được lấy dù chỉ một bàn.

Theo VnExpress