Tuy nhiên, để xác lập được vị thế ổn định trên bản đồ bóng đá châu lục và thế giới, bóng đá Việt Nam cần phải thay đổi thực tại đáng buồn là thường xuyên đóng vai "vị khách lạ" của các Vòng chung kết Asian Cup...
Những năm gần đây, người hâm mộ đã ghi nhận những tiến bộ đáng kể về chuyên môn của bóng đá Việt Nam (BĐVN), đặc biệt là ở cấp độ đội tuyển. Tuy nhiên, để xác lập được vị thế ổn định trên bản đồ bóng đá châu lục và thế giới, BĐVN cần phải thay đổi thực tại đáng buồn là thường xuyên đóng vai "vị khách lạ" của các Vòng chung kết (VCK) Asian Cup...
Trong 15 lần ngày hội bóng đá châu Á được tổ chức, BĐVN chỉ góp mặt vẻn vẹn 3 lần (1956, 1960 và 2007). Kể từ khi hội nhập, VCK Asian Cup dường như là mục tiêu ngoài tầm với của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN). Năm 2007, khi được trao quyền đồng đăng cai và không phải tham dự vòng loại, ĐTVN mới có cơ hội tranh tài cùng các đối thủ mạnh nhất châu lục. Khi ấy, việc lọt vào vòng tứ kết khiến hàng triệu người hâm mộ (NHM) tin rằng, ĐTVN có dư năng lực để cạnh tranh vé dự các VCK sau.
Nhưng đến vòng loại Asian Cup 2011, thất bại khá dễ dàng của ĐTVN, khiến nhiều người nhận ra rằng, sân chơi châu lục vẫn còn nằm khá xa tầm với. Năng lực của chúng ta có thể đủ để tranh tài nhưng nó không được thể hiện ở mức tối đa khi kế hoạch chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup vẫn chỉ là thứ yếu so với những sân chơi nhỏ hơn vốn đã quá quen thuộc tại khu vực Đông Nam Á. Lâu nay, BĐVN đã đi theo cái vòng luẩn quẩn, thường xuyên thất bại sớm ở đấu trường châu lục để vùng vẫy trong cái ao làng bé nhỏ với những đối thủ bất biến.
Từ ngày hội nhập, các thời ĐTQG của Việt Nam ít thi đấu thành công tại các giải đấu cấp châu lục. Thành tích cao nhất của ĐTVN là lọt vào tứ kết Asian Cup 2007. Còn trên phạm vi các ĐTQG ở mọi lứa tuổi, đội U16 Việt Nam (lứa Văn Quyến, Như Thuật, Lâm Tấn...) tham dự VCK U16 châu Á năm 2000 chính là tập thể đạt thành tích cao nhất khi đứng thứ 4 chung cuộc ở giải đấu tầm cỡ châu lục.
Tình trạng này không thể tiếp tục tồn tại, bởi BĐVN muốn trở thành một nền bóng đá mạnh ở châu lục thì nhất thiết không thể xem nhẹ Asian Cup. Chính vì thế, chiến dịch vòng loại Asian Cup 2015 ngay sau lễ bốc thăm chia bảng đã được hâm nóng. Thật may là lúc này, không chỉ NHM và giới truyền thông dồn hy vọng vào vòng loại Asian Cup 2015 nữa mà cả VFF lẫn các thành viên ĐTVN cũng không còn muốn "cưỡi ngựa, xem hoa".
Hồi tháng 6, khi HLV Phan Thanh Hùng ký hợp đồng dẫn dắt ĐTVN, việc đạt thành tích tốt tại vòng loại Asian Cup chính là 1 trong 3 mục tiêu chính mà ông sẽ phải hoàn thành trong suốt thời gian nắm quyền. Các phương án nhân sự, phân công thành viên Ban huấn luyện cũng được hoạch định từ rất sớm để ưu tiên tối đa nhân lực cho ĐTVN khi một số trận đấu tại vòng loại Asian Cup 2015 trùng với thời điểm U23 Việt Nam thực hiện chiến dịch SEA Games 27 vào cuối năm 2013... Chỉ riêng đôi điều kể trên đã là sự khác biệt rất lớn về cách ĐTVN tiếp cận với sân chơi châu lục so với những năm về trước.
Đường đến VCK Asian Cup 2015 (tổ chức tại Australia) thoạt nghe có vẻ rất xa xôi nhưng thực ra chỉ bao gồm 6 trận đấu. Các đối thủ của ĐTVN là Uzbekistan, Hongkong (Trung Quốc), UAE không phải là những thử thách quá tầm. Uzbekistan không hề xa lạ bởi các đội tuyển của họ thường xuyên là khách mời ở các giải giao hữu tại Việt Nam; HongKong bị đánh giá là cửa dưới; UAE từng bị ĐTVN đánh bại ở VCK Asian Cup 2007. Những chướng ngại như vậy hoàn toàn cho phép ĐTVN đặt mục tiêu giành vé dự ngày hội lớn của bóng đá châu lục.
Khi cách tiếp cận vấn đề đã thay đổi, NHM chỉ còn biết chờ xem ĐTVN có bước ra biển lớn được không?...
Theo KTĐT