Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xin đăng cai Đại hội thể thao châu Á 18 (Asiad 2019) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngay sau đó, bản đề án này đã được gửi đến Hội đồng Olympic châu Á...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án xin đăng cai Đại hội thể thao châu Á 18 (Asiad 2019) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ngay sau đó, bản đề án này đã được gửi đến Hội đồng Olympic châu Á, chính thức đưa Việt Nam vào một cuộc chạy đua với 3 ứng viên khác nhằm giành quyền đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất châu Á.
Tiết kiệm nhất có thể
Theo kế hoạch, Asiad 18 được tổ chức vào tháng 11/2019 tại Hà Nội với sự tham gia của gần 10.000 HLV, VĐV của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á ở 35 môn thể thao. Ngoài Hà Nội, sẽ có 14 địa phương được chọn là địa điểm đăng cai một số môn thể thao gồm: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Thuận, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Nam và Phú Thọ.
Vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian vừa qua là với quy môn của nền kinh tế Việt Nam, đăng cai một sự kiện thể thao lớn như Asiad có phải là lãng phí? Một số ý kiến đề nghị ngành thể thao không xin đăng cai Asiad trong thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Vĩnh Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam, người chấp bút viết đề án xin đăng cai Asiad 2019: "Chúng tôi đảm bảo sẽ tổ chức một kỳ Asiad cực kỳ tiết kiệm và hiệu quả. Ban đầu các bộ, ngành chê kinh phí tổ chức Asiad 5.000 tỷ đồng là quá nhiều, nay tôi đã rút xuống còn 3.000 tỷ đồng. Với từng đó tiền cho một sự kiện thể thao lớn như Asiad là hợp lý".
Theo ông Giang, để giảm được chi phí tổ chức Asiad xuống còn 3.000 tỷ đồng, Việt Nam sẽ tận dụng tối đa hệ thống cơ sở vật chất sẵn có của Hà Nội và các địa phương xin đăng cai. Ông Giang cho biết: "Cơ sở vật chất hiện có của chúng ta là tương đối tốt rồi. Giờ chỉ cần nâng cấp lên một chút là có thể tổ chức Asiad. Các địa phương cũng đảm bảo sẽ dùng kinh phí của mình để tổ chức thành công những môn thể thao mà họ đăng cai".
Cũng theo ông Giang, Việt Nam chỉ cần xây dựng thêm hệ thống cơ sở vật chất phục vụ những môn thể thao vốn chưa mấy phổ cập như: bóng chày, bóng bầu dục và Hockey. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ xây thêm nhà thi đấu đa năng với 10.000 chỗ ngồi cùng một khu thi đấu riêng dành cho tennis. Những công trình này sẽ được hoán cải thành sân bóng đá, hoặc phục vụ sự nghiệp thể thao của Thủ đô trong tương lai.
Tin vào chiến thắng
OCA xác nhận chỉ có 4 ứng viên gửi hồ sơ xin đăng cai Á vận hội lần thứ 18 là Đài Loan (Trung Quốc), Việt Nam, Indonesia và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Ba ứng cử viên khác là Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia và Ấn Độ rút lui vào phút chót. Dù đối diện với những đối thủ nặng ký nhưng những người làm thể thao Việt Nam rất tự tin vào khả năng giành chiến thắng. Theo ông Hoàng Vĩnh Giang, "Việt Nam nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, đặc biệt là Ủy ban Olympic châu Á".
Được biết, tại Hội nghị Bộ trưởng thể thao thế giới ngày 16/4, Chủ tịch Ủy ban Olympic châu Á Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah tuyên bố: "Chúng tôi ủng hộ Việt Nam vận động giành quyền đăng cai Asiad 18 năm 2019". Ông Sheikh Ahmad Al-Fahad Al-Sabah từng nhiều lần đến Việt Nam và dành rất nhiều thiện cảm đối với nền thể thao Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam còn nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch danh dự Ủy ban Olympic, ông Wei Ji Zhoung. Ông này từng làm cố vấn của Ban tổ chức Asian Indoor Games 3 Việt Nam - 2009.
Ngày 3-11, Ủy ban Olympic châu Á sẽ họp tại Macau (Trung Quốc) để chọn ra chủ nhà của Asiad 2019.
Theo KTĐT