Có một thực tế là nhiều đội bóng chuyên nghiệp đang khan hiếm tiền bạc, sau những mùa hè chi tiêu không tiếc tiền cho mua sắm cầu thủ. V-League 2013 chẳng còn hào nhoáng như trước và những ngôi sao như Công Vinh, Quang Hải... có nguy cơ thất nghiệp vì mức đòi hỏi quá cao.
Có một thực tế trần trụi nhiều đội bóng chuyên nghiệp đang khan hiếm tiền bạc, sau những mùa hè chi tiêu không tiếc tiền cho mua sắm cầu thủ. V-League 2013 chẳng còn hào nhoáng như trước và những ngôi sao như Công Vinh, Quang Hải, Kesley, Timothy, Leandro... có nguy cơ thất nghiệp vì mức đòi hỏi quá cao.
Hết thời nghiệp dư lĩnh lương cao
Hơn 2 tháng từ khi giải V-League kết thúc, sàn chuyển nhượng cầu thủ bỗng ế ẩm một cách bất thường. Nguyên do từ việc các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá đang bị ảnh hưởng từ lạm phát kinh tế. Khó khăn trong kinh doanh đã đành, việc đổ một mùa vài trăm tỷ đồng để chơi bóng đá là việc quá sức với nhiều ông bầu.
Và không ít các đội bóng tại V-League đang hướng đến một mùa giải chi tiêu tiết kiệm, khi nhà tài trợ cắt hoàn toàn nguồn tiền chi tiêu cho các đội, thậm chí bầu Trường, bầu Thụy, bầu Thọ, bầu Hiển... còn có ý định rút lui khỏi đời sống bóng đá Việt Nam trong thời gian tới đây. Bản thân tập đoàn hùng mạnh và có tiếng tăm như Becamex cũng tính rút bớt số tiền cho đội Bình Dương, sau vài năm thi đấu bết bát của đội bóng này.
Sau 1 năm ngắn ngủi, phiên chợ chuyển nhượng vốn tấp nập của V-League không còn, thay vào đó là cảnh ảm đạm từ các đội bóng ở V-League. Càng ngôi sao có tên tuổi, đắt giá dễ... mất việc trong thời buổi bóng đá Việt Nam đang sa sút về tiền bạc. Như tuyển thủ Quang Hải có ý định hồi hương chơi cho đội bóng quê nhà K.Khánh Hòa. Hiềm một nỗi Hải ''gà'' có giá 9 tỷ khi về Navibank.Sài Gòn. Dù muốn tuyển mộ học trò cũ, huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn chẳng thể bỏ đến 4-5 tỷ đồng để đón Quang Hải vào lúc này.
Trường hợp tiền đạo số 1 Lê Công Vinh cũng chẳng dễ gì tìm bến đỗ mới nếu rời đội bóng thủ đô. Bởi Vinh ''còi'' còn 2 năm hợp đồng Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội, trị giá cũng 10 tỷ đồng. Dù Sông Lam Nghệ An, Sài Gòn.XT hay bất cứ đại giá nào muốn tiền đạo xứ Nghệ, cũng chẳng dám chi ra số tiền như thế để có chữ ký của Công Vinh. Tình cảnh khó khăn tìm đội bóng mới còn gắn liền những cầu thủ có số má như Tài Em, Đình Tùng, Minh Châu...
''Sao'' nội khó khăn, tình cảnh ''sao'' ngoại cũng chẳng sung sướng gì hơn. Sau khi bầu Thụy khước từ số tiền gần nửa triệu đô với mình, Huỳnh Kesley xuống nước chỉ xin 150.000 USD/mùa ở B.Bình Dương, nhưng cũng không thành công. Hay Timothy sau khi đoạt Vúa phá lưới ở V-League cũng chật vật tìm đội bóng mới, khi V.Ninh Bình không còn mặn mà. Số sao ngoại nhập tịch như Nguyễn Helio, Nguyễn Rogerio, Lê Tostao, Leandro... cũng chưa biết về đâu, dò mức lương thưởng quá cao so các đội bóng V-League có thể trả.
Chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, từ thiên đường trong mắt ngoại binh, V-League đã trở nên khắc nghiệt đối với nhiều cầu thủ giỏi, nhưng chế độ quá cao như Leandro, Kesley, Antonio, Helio, Timothy...
Trở lại dùng cầu thủ trẻ
Thực tế trần trụi là V-League không còn dư tiền để còn cảnh tranh mua cầu thủ giỏi như trước. Thay vào đó, cầu thủ giá trị càng cao, chế độ càng đặc biệt có nguy cơ thất nghiệp ở mùa giải 2013. Tất nhiên các đội bóng vẫn cần cầu thủ chất lượng, nhưng đồng tiền eo hẹp, lo kinh phí hoạt động cả mùa còn thiếu, thì nói gì để việc chi tiền để đánh bóng thương hiệu, tăng chất lượng đội hình.
Từ chỗ chỉ biết mua ngôi sao về thi đấu, từ đội bóng đại gia cho đến ''nhà nghèo'' đều chung triết lý là dùng cầu thủ trẻ để vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo quá trình trẻ hóa lực lượng cho tương lai. Như V.Ninh Bình từng chỉ chạy đua mua cầu thủ, nay cũng tập trung sân chơi cho cầu thủ từ đội trẻ như là một ví dụ. Bầu Trường lẫn huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ sẽ cho những cầu thủ từ đội U17, U19 và U21 lên đội một đông hơn và tính toán sử dụng từ V-League năm nay. Dù kết quả, lối chơi có thể bị ảnh hưởng nhưng đội bóng cố đô Hoa Lư vẫn tin tưởng sự thành công của kế hoạch này.
Còn K.Khánh Hòa chẳng hạn, họ tuyên bố cho toàn bộ cầu thủ trẻ đá ở đội hạng Nhất là Trẻ K.Khánh Hòa. Họ không chi tiền mua ngoại binh như các đội khác mà dùng lực lượng U21 đang dưới sự chỉ đạo huấn luyện viên Võ Đình Tân để thi đấu. Nếu thi đấu tốt, những cầu thủ trẻ sẽ được đôn lên đội 1 thi đấu, còn rớt hạng thì Trẻ K.Khánh Hòa cũng có kinh nghiệm đắt giá để trưởng thành.
Tình hình Sông Lam Nghệ An cũng đang chờ vốn giải ngân từ bà ''bầu'' Thái Hương, khi hợp đồng 9 trụ cột như Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Đình Đồng, Ngọc Anh, Văn Bình... sắp đáo hạn. Thâm tâm đội bóng xứ Nghệ muốn giữ số cầu thủ địa phương ở lại để hướng đến ngôi vương mùa này. Trong trường hợp khó khăn kinh phí, đội chủ sân Vinh sẵn sàng để số cầu thủ này ra đi và nhường chỗ những cầu thủ trẻ chất lượng từ phía sau lên thể hiện mình.
Xu thế này đang lan rộng ở những đội bóng còn lại và nó giúp cho các cầu thủ trẻ Việt Nam có cơ hội phát triển. V-League không còn sống với những giá trị hào nhoáng giả tạo, thay vào đó là hướng đi bài bản, dài lâu hơn hướng đến phát triển nội lực bằng những cầu thủ trẻ.
Theo Vnmedia