Từ những vật dụng trong dân gian đến những đồ dùng thường ngày của các bậc vua, chúa; từ các vật trang trí, đồ thờ tự đến những loại cổ khí được các vị vua cung tiến để làm lễ tế cầu quốc thái dân an…,
Từ những vật dụng trong dân gian đến những đồ dùng thường ngày của các bậc vua, chúa; từ các vật trang trí, đồ thờ tự đến những loại cổ khí được các vị vua cung tiến để làm lễ tế cầu quốc thái dân an…, tất cả đều hiện diện trong Triển lãm “Cổ vật đồng thời Nguyễn 1802-1945” tại Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (số 16 Trần Phú, TP. Nha Trang). Đây là những hiện vật quý, thể hiện dòng chảy di sản văn hóa mang đậm giá trị về mặt mỹ thuật, nhân văn.
. Tinh hoa nghệ thuật
Bước vào không gian triển lãm, người xem sẽ bất ngờ trước tài nghệ, kỹ thuật điêu luyện của các nghệ nhân xưa khi chế tác nên những vật dụng, vật trang trí, đồ thờ tự, đồ tế lễ mang đậm giá trị nghệ thuật. Trước hết phải kể đến nhóm hiện vật cổ khí được sử dụng trong các dịp tế lễ cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu của triều đình với những cốc, ấm, bình, khay, đỉnh, liễn được dùng để đựng đồ tế, rượu tế, xôi tế, thức ăn trong lễ tế. Đây đều là những hiện vật được làm và cung tiến dưới thời vua Minh Mạng. Do là đồ tế tự nên những hiện vật này đều được phỏng theo hình dạng của thời Chu, thời Thương, thời Hán. Trên mỗi cổ khí đều có một bài minh văn thể hiện quan niệm, suy nghĩ của nhà vua về việc trị nước, an dân. Chẳng hạn trên chiếc khay phỏng theo khay Thúc Bang thời Chu ghi: “Đừng quá dễ dãi, chớ quá nghiêm ngặt. Nên đeo dây huyền vi để xử đoán phải chăng cẩn thận cả trong những lỗi lầm nhỏ”; trên ấm phỏng ấm Phụ Phủ Đinh thời Chu có ghi: “Nấu canh phải có muối mỡ, qua sông phải nhờ thuyền và bơi chèo, sử dụng người hiền không được hai lòng sẽ khiến họ giúp nhà nước ta mọi việc điều hòa”; hay trên bình phỏng bình Hồ thời Chu lại ghi: “Được người thì thịnh, mất người thì diệt vong. Chỉ một cái thành, một từ quân đội mà đủ dựng nên nghiệp vương. Đông đến ức triệu người há không có bậc trung lương để cùng ta yên định vững chắc thành lũy sao”…
Du khách nước ngoài xem các cổ vật tại Triển lãm “Cổ vật đồng thời Nguyễn 1802-1945”. |
Nhóm hiện vật các vật dụng của vua như: mâm chạm lộng các họa tiết rồng, những trang sách bằng đồng của vua đọc, con dấu bằng đồng, chậu rửa của vua, đặc biệt là bức bình phong được làm bằng pháp lam trên có khắc bài thơ của vua Tự Đức… tất cả đều được chạm trổ hoa văn, họa tiết cùng kỹ thuật hòa phối màu sắc đẹp mắt, thể hiện sự sang trọng, quyền uy của nhà vua.
Nghệ thuật đúc đồng thời Nguyễn đạt đến độ tinh xảo, chứa đựng giá trị nghệ thuật lớn với những hiện vật là đồ thờ tự. Những chân đèn, lư hương, lư trầm, bát hương, chuông, khánh, tượng phật Adida, tượng phật bà Quan Âm, chim hạc… đều được các nghệ nhân thổi hồn để thành những tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Càng ngắm những chiếc chân đèn hình tre hóa rồng, hình hươu, lư hương hình hoa sen, hình voi, lư trầm chạm lộng, chuông chùa Viên Giác, hia thờ chạm rồng… mới thấy hết được nét tài hoa, tinh tế của các nghệ nhân xưa. Chất nghệ thuật còn được thể hiện ngay trong chính những vật dụng gia đình của thường dân. Từ cái nồi, chảo, bình vôi, ô trầu, bếp lò, lồng ấm… đều có những nét chạm trổ hoa văn rồng, phượng, chim, cá rất đẹp mắt. Những hiện vật này cho thấy quan điểm thẩm mỹ nhất quán và lan tỏa giữa chốn cung đình với đời sống dân gian. Đặc biệt, triển lãm còn giới thiệu những hiện vật trang trí độc đáo như: trái mướp, con cá trê, chiếc lá khoai với chú ốc sên, chim công… được đúc y như thật.
. Giá trị văn hóa
Với sự giúp đỡ của Bảo tàng lịch sử TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Khánh Hòa tổ chức triển lãm chuyên đề “Cổ vật đồng thời Nguyễn 1802-1945”. Triển lãm chính thức mở cửa từ ngày 25-8 (kết thúc vào cuối tháng 11), với 86 cổ vật đồng được chế tác trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Số lượng, chủng loại các cổ vật được trưng bày, giới thiệu trong triển lãm lần này có thể chưa bao quát hết hiện thực sử dụng đồ đồng thời Nguyễn, nhưng đây được coi là một lát cắt để người xem hình dung hết tầm quan trọng, tinh hoa trong nghệ thuật đúc đồng ở một giai đoạn lịch sử nhất định của dân tộc. Theo ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng Khánh Hòa: “Dưới thời Nguyễn, chế tạo đồ đồng là công việc quan trọng có liên quan đến sự tồn vong của triều đại. Vì vậy, không những nhà nước có những lò đúc chuyên biệt mà trong nhân dân cũng tồn tại nhiều lò đúc. Đáng tiếc, qua những biến động lịch sử, đồ đồng thời Nguyễn đã bị phá hủy rất nhiều, riêng đồ đồng chế tạo tại Huế đã mất mát, không còn đầy đủ. Triển lãm lần này mong muốn giới thiệu một dòng di sản văn hóa có giá trị mỹ thuật, nhân văn đến với công chúng xứ Trầm Hương”.
Giá trị văn hóa toát lên từ những hiện vật trong triển lãm không chỉ có sức lay động đối với những ai yêu lịch sử dân tộc, những người mang trong mình tâm hồn hoài cổ, mà ngay cả với du khách nước ngoài, khi xem những hiện vật trên đều phải trầm trồ thán phục cho tài nghệ, tâm hồn nghệ sĩ của người dân Việt Nam. Sau khi xem triển lãm, anh F.Louren (Quốc tịch Pháp) chia sẻ: “Quá hoàn hảo, đây thực sự là những tác phẩm nghệ thuật chứ không đơn giản là đồ dùng trong cung điện, nhà thờ, gia đình. Tôi rất khâm phục trước sự khéo léo, tâm hồn nghệ sĩ của những người đã làm nên những tác phẩm này”.
Mỗi một lần được ngắm nhìn những cổ vật mang đậm dấu ấn thời gian, giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, chúng ta sẽ càng thêm hiểu về tư duy sáng tạo, bàn tay tài hoa, cái nhìn tinh tế của ông cha.
NHẬT LỆ