12:08, 10/08/2012

Những bất cập về lực lượng diễn viên trẻ

Khánh Hòa là một trong số ít địa phương còn duy trì loại hình kịch hát, gồm sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi, dưới hình thức những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. 

Khánh Hòa là một trong số ít địa phương còn duy trì loại hình kịch hát, gồm sân khấu tuồng và dân ca kịch bài chòi, dưới hình thức những đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động của loại hình nghệ thuật truyền thống (NTTT) này đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng lo ngại, trong đó có bất cập về lực lượng diễn viên trẻ.

Bài 1: Nhà hát khát diễn viên trẻ

Từ nhiều năm nay, cánh cửa bước vào Nhà hát NTTT tỉnh luôn rộng mở đón mời những ai có khả năng, tâm huyết và đam mê với nghề. Nhưng đáng buồn là số lượng diễn viên trẻ đến với Nhà hát chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã ít về số lượng, chất lượng của các diễn viên trẻ cũng không hoàn toàn làm hài lòng những người tuyển chọn. Tìm được lớp diễn viên trẻ kế cận đang là niềm khao khát của những người có trách nhiệm với Nhà hát.

. Tre già, măng… chưa mọc

Hiện tại, Nhà hát NTTT tỉnh có khoảng 50 diễn viên, trong đó số diễn viên lớn tuổi chiếm hơn nửa, còn lại khoảng 20 diễn viên được coi là trẻ nhưng cũng nằm ở độ tuổi U40. Theo ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh: “Nhìn vào các nhà hát NTTT khác ở khu vực duyên hải Nam Trung bộ như Đào Tấn (Bình Định), Nguyễn Hiển Dĩnh (TP. Đà Nẵng) thì độ tuổi giữa 2 thế hệ diễn viên chỉ cách nhau khoảng 3 năm. Riêng Nhà hát NTTT tỉnh Khánh Hòa, khoảng cách đó là 10 năm. Những diễn viên được coi là trẻ của Nhà hát ở đoàn tuồng cũng dưới 40, còn ở đoàn dân ca là dưới 35”.


 Những bất cập về lực lượng diễn viên trẻ sẽ ảnh hưởng đến nghệ thuật truyền thống trong tương lai. Trong ảnh: Diễn viên trẻ Thúy Thoa (phải) trong trích đoạn Hồn tuồng.
 Những bất cập về lực lượng diễn viên trẻ sẽ ảnh hưởng đến nghệ thuật truyền thống trong tương lai. Trong ảnh: Diễn viên trẻ Thúy Thoa (phải) trong trích đoạn Hồn tuồng.

 

Giữa 2 thế hệ diễn viên của Nhà hát không chỉ có khoảng cách đáng kể về tuổi tác, mà còn có khoảng trống về tài năng, tâm huyết với nghề. Các diễn viên kỳ cựu của Nhà hát như Bạch Én, Thu Hà, Kim Hùng, Nhật Lệ, Bích Vương, Kim Khiêm… đến nay đều đã lớn tuổi. Tài năng của lớp diễn viên này là điều không ai có thể phủ nhận và thực tế, họ đã được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Tuy nhiên, theo quy luật thời gian, sức khỏe của họ đã có phần giảm sút, khó có thể đảm nhận được những vai diễn nặng như trước. Nghệ sĩ Nhân dân Thu Hà từng chia sẻ: “Đến bây giờ, niềm đam mê với nghề vẫn luôn cháy bỏng trong tôi. Nhưng quả thật, để có thể diễn tròn vai kép chính trong một vở tuồng, bản thân tôi phải nỗ lực rất nhiều, nhất là về sức khỏe. Sau mỗi đêm diễn như thế, có khi tôi phải nghỉ ngơi nhiều ngày mới lấy lại sức”. Có những diễn viên lớn tuổi, sau nhiều năm đảm nhận vai chính trong các vở diễn, đến thời điểm này, vì nhiều lí do khác nhau, đã gần như phải bỏ vai, khiến mỗi lần dựng vở mới, hay phục dựng các vở diễn cũ, lãnh đạo Nhà hát lại phải đau đầu tìm người thay thế. Nhiều vở diễn sau khi dựng xong mang đi dự thi đạt giải, đến khi trở về cũng phải bỏ vì diễn viên chính không thể đóng tiếp.

Trước những hạn chế của lớp diễn viên đi trước, điều đáng lo là lớp diễn viên trẻ của Nhà hát vẫn chưa đủ tầm để có thể lấp đầy khoảng trống do lớp diễn viên trước để lại. Có thanh, có sắc, có sức khỏe, có tình yêu nghề, nhưng tài năng, độ chín nghề nghiệp là điều mà những diễn viên trẻ còn thiếu. Trong khuôn khổ cuộc hội thảo giữa Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, Viện Sân khấu với Nhà hát NTTT tỉnh được tổ chức năm 2010, có người, khi nhìn vào thực trạng trên, đã phải thốt lên: “Liệu 5 năm nữa, NTTT Khánh Hòa sẽ đi về đâu?”. Những gương mặt diễn viên trẻ của Nhà hát NTTT có thể kể như Ngọc Tâm, Ái Ly, Thúy Thoa, Thúy Thỏa, Thúy Phượng, Cao Phước, Hồng Mến… tuy đã nỗ lực rất nhiều, nhưng dường như vẫn còn thiếu một điều gì đó để có thể bật lên. Chẳng hạn như trường hợp của Thúy Thoa, sau 6 năm vào Nhà hát vẫn chưa đạt được một giải thưởng cá nhân nào. Đến nay đã 26 tuổi, nhưng chị vẫn chỉ được xem là diễn viên trẻ có nhiều tiềm năng!

. Nghịch lí nghiệp diễn

Những năm qua, đầu vào của Nhà hát NTTT tỉnh chủ yếu phụ thuộc vào hai nguồn chính: các lò đào tạo gia đình và Trường Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch. Với những người trưởng thành từ các gia đình theo phương thức “cha truyền con nối”, họ thực sự là những người giỏi nghề, có niềm đam mê. Bởi từ bé, họ đã được rèn luyện, ngoài hát, múa, họ còn được học các nhạc cụ, võ thuật, những điều kiện cần và đủ để làm diễn viên khi ở tuổi còn rất trẻ. Thời gian học nghề sớm, lại thường xuyên được sống trong môi trường NTTT, tiếp xúc trực tiếp với các vai diễn mẫu thông qua hoạt động biểu diễn của gia đình… chính là những ưu thế của loại hình đào tạo diễn viên này. Theo thời gian, các em được thẩm thấu những câu hát, điệu múa và nhất là cảm xúc của vai diễn. Vậy nên, khi ra làm nghề, những diễn viên trẻ này thường làm rất tốt vai diễn của mình, tạo được ấn tượng với người xem. Tuy nhiên, điểm yếu của những diễn viên này là họ thường không có bằng cấp chuyên môn cần thiết để được xét vào biên chế của Nhà hát. Vậy nên, tuy đã rất linh động giải quyết chế độ tương ứng, nhưng Nhà hát cũng chỉ có thể ký hợp đồng với họ. Chính vì vậy, việc đi hay ở của đội ngũ diễn viên này cũng rất thất thường. “Với những diễn viên trưởng thành từ các lò đào tạo gia đình, chúng tôi đã rất linh hoạt phiên ra chế độ tương ứng với các diễn viên trong biên chế. Nhưng vẫn có nhiều em, sau một thời gian về với Nhà hát, khi kết thúc hợp đồng, lại dứt áo ra đi”, ông Vũ Tiến Thêm cho biết.

Nguồn diễn viên chính thứ hai là tuyển từ trường văn hóa - nghệ thuật và du lịch. Đây là nguồn diễn viên được đào tạo theo phương pháp khoa học, với những giáo án, giáo trình theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, việc đào tạo diễn viên NTTT gặp nhiều khó khăn vì số lượng thí sinh đăng ký vào ngành này rất ít. tuy đã rất cố gắng, nhưng mỗi khóa, Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang cũng chỉ tuyển được 2 - 3 em vào học. Khi vào trường, bên cạnh được hưởng các chế độ như những sinh viên khối nghệ thuật, những sinh viên này còn được đảm bảo đầu ra, nghĩa là bố trí chỗ làm ở Nhà hát NTTT tỉnh. Theo ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh: “Nhà hát đón những diễn viên trẻ mới ra trường và nhận thấy họ là diễn viên rồi, nên không lập kế hoạch tập huấn hoặc tiếp tục đào tạo. Thời gian trôi đi, ai thiết tha yêu nghề, lại may mắn được nghệ nhân, nghệ sĩ đi trước giúp đỡ thì tồn tại, nếu không thì lắt lay hoặc bỏ nghề. Tuổi trẻ qua đi, sức bật mạnh mẽ trong sáng tạo nghệ thuật không có cơ hội đến với họ, cái duyên sân khấu cũng dần mai một”.

Một nghịch lí khác cũng cần đề cập, đó là việc các diễn viên trẻ thường ít được giao diễn vai chính. Trong những vở diễn phục vụ người dân hàng ngày, những diễn viên trẻ có thể vẫn được đóng các vai chính, nhưng khi Nhà hát dựng vở để tham gia hội thi, hội diễn thì cơ hội đóng vai chính của các diễn viên trẻ là rất thấp. Các tác giả, đạo diễn thường ngại đưa diễn viên trẻ vào đảm nhận vai chính vì họ sợ không mang được giải thưởng về cho vở diễn. Ít có điều kiện thi thố cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế sự phát triển của các diễn viên trẻ. Cùng với những nghịch lí trên, thu nhập của các diễn viên trẻ cũng là vấn đề đáng nói. Hiện nay, mỗi diễn viên trẻ của Nhà hát NTTT tỉnh có mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng. Mỗi đêm diễn, nếu đạt loại A, được bồi dưỡng thêm 40 ngàn đồng. So với mức sống hiện tại của xã hội, nguồn thu nhập này được xem là quá thấp.

NHÂN TÂM - THU HIỀN