07:08, 26/08/2012

Miệt mài với tranh khắc gỗ

Những ý tưởng, đường nét, màu sắc, cùng kỹ thuật xử lí của dòng tranh dân gian, nhất là tranh dân gian Đông Hồ, không biết tự bao giờ đã thấm vào họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến.

Những ý tưởng, đường nét, màu sắc, cùng kỹ thuật xử lí của dòng tranh dân gian, nhất là tranh dân gian Đông Hồ, không biết tự bao giờ đã thấm vào họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến. Bao nhiêu năm trong nghề, cũng từng ấy năm ông miệt mài với những bản khắc để cho ra đời những bức tranh khắc gỗ mang đậm màu sắc dân gian.

Chúng tôi đến thăm họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến ngay sau khi biết tin ông vừa đoạt giải B (không có giải A) tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung - Tây Nguyên lần thứ XVII với tác phẩm Lễ hội Katê. Trong căn nhà và cũng là xưởng vẽ của ông tại số 53B Lê Thành Phương (TP. Nha Trang), người họa sĩ gốc Quảng Bình không giấu được niềm vui. Tuy không phải lần đầu tiên nhận được giải thưởng, nhưng sự đánh giá, ghi nhận lần này có ý nghĩa quan trọng trong hành trình sáng tác tranh khắc gỗ của ông.

Đậm chất dân gian

Nhìn những tác phẩm tranh khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến, chúng tôi cảm nhận mỗi tác phẩm là một câu chuyện về nét đẹp, sự tinh tế trong cảnh vật quê hương. Một mái chùa cổ cong cong với lớp ngói rêu phong, một gốc đa làng như chứng nhân của biết bao câu chuyện buồn, vui của nhiều thế hệ người dân quê; những lũy tre gợi không gian làng Việt; những trò chơi dân gian; khung cảnh một đêm hát chèo ở sân đình; không gian lễ hội ở Tây Nguyên cho cảm giác có tiếng chiêng vang vọng từ đại ngàn; màn hòa tấu trống ghi năng và kèn kararai của người Chăm… đã được ông khéo léo đưa vào tác phẩm của mình. Chất dân gian trong tranh của họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến còn được thể hiện ngay trong tên gọi mà ông đặt cho các tác phẩm: Nghề truyền thống, Mưa, Ngày hội tuổi thơ, Giai điệu quê hương, Những cô gái chùa tháp, Lễ hội Katê…

 Họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến.
  Họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến.

Họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến tâm sự: “Trong thời gian theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam), tôi đã yêu thích bộ môn đồ họa. Cuối tuần, tôi lại lên làng tranh Đông Hồ để gặp các nghệ nhân, học hỏi về kỹ thuật làm tranh cũng như tư duy tạo hình của người xưa. Có lẽ vì thế, nên từ khi bước vào con đường nghệ thuật, vẻ đẹp dân gian truyền thống luôn có sức thu hút mạnh mẽ đối với tôi”.

Miệt mài, đam mê

Không óng ả như sơn dầu, mượt mà như lụa, tranh khắc gỗ mang vẻ đẹp riêng. Đó là sự hấp dẫn của những chi tiết, hình họa trên bản khắc. Thực hiện bản khắc chính là công việc của sự sáng tạo và luôn mang đến nguồn cảm hứng cho họa sĩ, từ cách tạo hình, tạo nét, tạo khối. Khi có được một bản khắc như ý, họa sĩ còn được trải nghiệm cảm giác hồi hộp khi xử lý in ra giấy. Để có được một tác phẩm tranh khắc gỗ hoàn chỉnh, họa sĩ không chỉ nắm vững kỹ thuật mà còn phải biết cách thổi hồn mình vào để có được những mảng màu, đường nét, họa tiết đẹp nhất.

 Tác phẩm tranh khắc gỗ “Lễ hội Katê” (ảnh chụp lại từ tác phẩm).
  Tác phẩm tranh khắc gỗ “Lễ hội Katê”

Với họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến, mỗi lần thực hiện xong một tác phẩm, ông luôn tự nhủ tác phẩm sau phải thay đổi, thậm chí khác biệt so với tác phẩm trước. Gần 40 năm theo đuổi tranh khắc gỗ, đến bây giờ, chất liệu này vẫn luôn mới mẻ, cuốn hút ông, khiến ông muốn khám phá, thể nghiệm nhiều hơn nữa. Bởi ông không tự bằng lòng với những gì mình đã làm được. Với ông, tranh khắc gỗ là một thế giới đầy biến ảo kỳ diệu và không có điểm dừng. Nhìn lại những bức tranh khắc gỗ của họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến, chúng ta có thể thấy rõ điều ấy; từ bản thảo, bản khắc đến tác phẩm gốc đều có những biến đổi thú vị. Ông chia sẻ: “Hoàn thành một tác phẩm, tôi lại cố quên đi để có thể tiếp tục tìm tòi, sáng tạo tác phẩm mới, để tác phẩm sau khác biệt với tác phẩm trước, không lặp lại trong cách thể hiện”.

Tuy có sáng tác trên các chất liệu lụa, sơn dầu, nhưng họa sĩ Nguyễn Quang Tuyến vẫn đam mê nhất với tranh khắc gỗ. Và trên hành trình đó, ông như con ong miệt mài cho ra đời những tác phẩm mới.

NHÂN TÂM