11:08, 14/08/2012

Dương Văn Học - nghệ sĩ múa rối vì trẻ thơ

“Đêm diễn múa rối đầu tiên trong cuộc đời, tôi dành cho các cháu bé ở tổ bán báo “Xa mẹ”. Những đứa trẻ thơ ngây vây quanh tôi, mắt sáng lên, hò reo, vỗ tay theo từng động tác ngộ nghĩnh của con rối.

“Đêm diễn múa rối đầu tiên trong cuộc đời, tôi dành cho các cháu bé ở tổ bán báo “Xa mẹ”. Những đứa trẻ thơ ngây vây quanh tôi, mắt sáng lên, hò reo, vỗ tay theo từng động tác ngộ nghĩnh của con rối. Đối với những người làm nghệ thuật, đó là một điều hạnh phúc. Và tôi như tìm lại được tuổi thơ của chính mình…”, nghệ sĩ độc diễn múa rối Dương Văn Học tâm sự về kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

Nghệ sĩ Văn Học (bên phải) tiếp bạn bè, đồng nghiệp tham quan phòng trưng bày nghệ thuật múa rối tại gia đình.
Nghệ sĩ Văn Học (bên phải) tiếp bạn bè, đồng nghiệp tham quan phòng trưng bày nghệ thuật múa rối tại gia đình.

Múa rối vì trẻ thơ

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 6 anh em ở Hà Nội, mồ côi cha từ nhỏ, tuổi thơ của nghệ sĩ Văn Học là những ngày lê la bán báo, bán thuốc lá dạo trên các đường phố Hà Nội. Tuy hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn nhưng nghệ sĩ Văn Học vẫn may mắn được cắp sách đến trường. “Đang học dở lớp 8, tôi phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình không đủ tiền cho tôi tiếp tục học. Tôi xin làm công nhân ngành Bưu điện, rồi trở thành học sinh trường múa. Nhưng cuộc đời tôi chỉ thật sự có ý nghĩa khi tình cờ được giới thiệu vào Nhà hát Múa rối Trung ương” - nghệ sĩ Văn Học kể. Từ một diễn viên múa trên sân khấu, để trở thành nghệ sĩ múa rối, ông đã phải mất 2 năm tìm hiểu, nghiên cứu về nghệ thuật múa rối. Ông không muốn đi theo nghệ thuật múa rối nước, vốn đã có quá nhiều tên tuổi thành danh. Vì vậy, cuộc đời làm nghệ thuật của ông rẽ sang một hướng mới và lạ lúc bấy giờ, đó là độc diễn múa rối cạn (một mình điều khiển con rối trên sân khấu).

 Nghệ sĩ Văn Học biểu diễn vở “Những con rối”.
Nghệ sĩ Văn Học biểu diễn vở “Những con rối”.

Chương trình đầu tiên trong cuộc đời độc diễn múa rối của mình, nghệ sĩ Văn Học biểu diễn cho các em ở tổ bán báo “Xa mẹ”. Nghệ sĩ Văn Học chia sẻ: “Những đứa trẻ thơ ngây vây quanh tôi, mắt sáng lên, hò reo, vỗ tay theo từng động tác ngộ nghĩnh của con rối. Đối với những người làm nghệ thuật, đó là một điều hạnh phúc. Tôi không mang đến cho chúng cơm áo, bánh kẹo mà chỉ mang lại nụ cười và niềm tin vào cuộc sống này. Tại Nha Trang, vào khoảng năm 1990, tôi cũng đã biểu diễn cho tổ trẻ em đường phố trên đường Lê Thành Phương. Những lần như thế, tôi như tìm lại được tuổi thơ của chính mình”. Từ ấn tượng đó, trẻ em luôn là đối tượng mà nghệ sĩ Văn Học muốn nhắm đến trong những vở múa rối của mình. Ông đã tự sáng tác kịch bản, thiết kế và làm ra những con rối. Một số vở rối ông viết cho thiếu nhi đã được dàn dựng công phu và biểu diễn nhiều nơi như: Chú chó tinh nghịch, Chú thỏ tinh khôn, Trò mèo, Sơn tinh Thủy tinh, Cái chết của thiên nga… Không chỉ biểu diễn, ông còn viết sách về nghệ thuật múa rối cho thiếu nhi và tham gia giảng dạy múa rối cho giáo viên mầm non.

Nha Trang - điểm dừng chân

Nghệ sĩ Văn Học biểu diễn vở “Cái chết của thiên nga”.
Nghệ sĩ Văn Học biểu diễn vở “Cái chết của thiên nga”.

Chọn trẻ thơ là đối tượng phục vụ nhưng tên tuổi của nghệ sĩ độc diễn múa rối Văn Học lại được ghi nhớ bằng những vở rối dành cho người lớn, trong đó phải kể đến vở Những con rối. Khi nhiều bậc tiền bối không ra sân khấu quá 10 phút vì sợ đánh mất cái kỳ và ngộ của rối thì ông lại một thân một mình vật vã trên sân khấu gần 1 tiếng đồng hồ trong vở Những con rối. Nghệ sĩ Văn Học cho biết: “Đây là vở múa rối độc diễn trên nền nhạc giao hưởng, không có thoại và thuyết minh, kéo dài 45 phút. Ý tưởng của vở múa rối này được lấy từ bài thơ “Các vị La Hán chùa Tây Phương” với các thể loại rối phải sử dụng là rối bàn tay, cánh tay, rối dây, rối mặt nạ và rối người. “Những con rối” đã cùng tôi đi ngao du nhiều sân khấu quốc tế như: Liên hoan sân khấu độc diễn Kongju (Hàn Quốc) năm 1997, Liên hoan Múa rối thế giới ở Thái Lan năm 1998, Liên hoan Sân khấu thử nghiệm quốc tế…”. Nhân vật trung tâm của vở diễn này là con người thời nguyên thủy, mang bộ mặt 2 nửa đỏ - đen (biểu tượng của sân khấu tuồng). Con người đó loay hoay tìm kiếm cái vĩnh cửu để rồi giằng xé trước yêu thương và giận hờn, cái tốt và cái xấu, chính nghĩa và gian tà, trung quân và phản nghịch… Nghệ sĩ Văn Học muốn gửi gắm trong hình tượng này triết lý về cuộc đời giống như một sân khấu thu nhỏ, mỗi con người cũng chỉ là con rối của cuộc đời.

Hơn 30 năm cùng những con rối chu du ở nhiều nơi, giờ đây, nghệ sĩ Văn Học đã chọn TP. Nha Trang làm điểm dừng chân. Ông đã mở một phòng trưng bày về nghệ thuật múa rối tại nhà (số 92 Dương Hiến Quyền) để đồng nghiệp, bạn bè và những ai yêu thích múa rối đến tham quan, tìm hiểu. Ông còn tham gia giảng dạy về cách làm và diễn múa rối cho trẻ thơ ở Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang và nhiều lớp tập huấn về múa rối khác. Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, ông vẫn còn nhiều dự định và nỗi niềm trăn trở về một người nối nghiệp độc diễn múa rối của mình.

HOÀNG DUNG

Nghệ sĩ Văn Học từng nhận được nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng tại Liên hoan Múa rối toàn quốc 1994, Giải thưởng Sân khấu các năm 1994, 2000 của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Giải thưởng của Quỹ Văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, Giải thưởng nghệ thuật của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam và nhiều giải thưởng, bằng khen tại các sân khấu múa rối quốc tế.