09:08, 26/08/2012

Dấu ấn về một sư đoàn

Nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng (2-9-1965 - 2-9-2012), Ban liên lạc Sư đoàn đã tập hợp các bài viết của cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn và cho ra đời tập “Ký ức Sư đoàn”.

Nhân kỷ niệm 47 năm ngày thành lập Sư đoàn 3 Sao Vàng (2-9-1965 - 2-9-2012), Ban liên lạc Sư đoàn đã tập hợp các bài viết của cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn và cho ra đời tập “Ký ức Sư đoàn”. Tập sách dày khoảng 500 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành. Sách có gần 100 bài viết của 25 tác giả. Nội dung các bài viết phản ánh tinh thần đấu tranh kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn trong những năm tháng chiến đấu với Mỹ - Ngụy. Đây là một tài liệu quý để các cựu chiến binh nhớ về trang sử hào hùng của Sư đoàn; đồng thời giúp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau hiểu sâu hơn về sự hy sinh anh dũng của thế hệ cha anh.

Nổi bật trong tập sách là nhiều bài viết đậm nét về mối tình quân dân như: “Cát trắng rừng dương” của tác giả Đào Quang Thắng, “Một thời để nhớ” của Đại tá Vũ Quang Dũng… Đáng chú ý là bài bút ký “Người dẫn đường” của tác giả Xuân Tuynh, nguyên là cán bộ thông tin liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng. Bút ký kể về cô giáo tên Lê Thị Tâm, quê ở Ninh Quang, Ninh Hòa. Đêm 8-4-1975, Tâm đã tình nguyện dẫn đường cho một đại đội của Sư đoàn 3 Sao Vàng vào thị xã Nha Trang đánh tàn quân của ngụy đang cướp phá tài sản của dân. Bút ký đã ghi lại tinh thần dũng cảm của một cô giáo mới ngoài 20 tuổi đã không quản ngại nguy hiểm đến tính mạng, dẫn đường cho bộ đội đi tới mọi ngõ ngách trong thị xã để truy diệt và bắt sống bọn tàn quân. Tâm đã bị thương nặng nhưng vẫn không lùi bước, dẫn đường cho bộ đội cho đến khi trận đánh kết thúc.

Sư đoàn 3 Sao Vàng ra đời cách đây 47 năm, vào ngày 2-9-1965 tại khu rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Sự ra đời một sư đoàn quân chủ lực của Quân khu 5 phản ánh sự phát triển tất yếu của cuộc chiến tranh nhân dân, đáp ứng kịp thời cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trải qua hơn 10 năm, từ 12-9-1965 đến 30-4-1975, Sư đoàn đã hoạt động trên một địa bàn rộng lớn suốt từ Bắc Bình Định vào tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Sư đoàn đã tham gia nhiều chiến dịch, hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ, tiêu diệt Sư đoàn 22 ngụy ở Bắc Bình Định. Trong chiến dịch Xuân Hè 1972 giải phóng hoàn toàn huyện Hoài Ân, Sư đoàn đã bắt sống và làm tan rã 3.500 tên địch, diệt và bắt sống 2 tiểu đoàn chủ lực ngụy, 2 liên đội bảo an… Chiến thắng Hoài Ân đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen. Mở màn chiến dịch mùa Xuân 1975, Sư đoàn được giao nhiệm vụ cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược 19, từ Quy Nhơn lên Gia Lai, yểm trợ cho chiến trường Tây Nguyên, đồng thời cùng với quân và dân tỉnh Bình Định giải phóng hoàn toàn tỉnh Bình Định. Sau khi giải phóng Bình Định, Sư đoàn 3 Sao Vàng được điều vào tiêu diệt tàn quân ngụy ở thị xã Nha Trang và huyện Cam Ranh; tiếp đó chiến đấu quyết liệt, phá vỡ “lá chắn thép” của quân đội ngụy ở Phan Rang, giải phóng tỉnh Ninh Thuận. Trong chiến dịch giải phóng tỉnh Ninh Thuận, Sư đoàn đã bắt sống Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và một cố vấn Mỹ. Sau đó, Sư đoàn được Bộ Tổng Tư lệnh chiến dịch điều vào phối hợp với Quân đoàn 2 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước. Trong chiến dịch cuối cùng này, Sư đoàn đã giải phóng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một mũi tiến quân trọng yếu của chiến dịch.

Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ - Ngụy, Sư đoàn đã được Nhà nước tuyên dương Sư đoàn Anh hùng. 2 trung đoàn gồm Trung đoàn 2 và Trung đoàn 12 được tuyên dương anh hùng. Ngoài ra, 5 tiểu đoàn, 11 đại đội và 17 cá nhân cũng được tuyên dương anh hùng…

Sau khi miền Nam được giải phóng, Sư đoàn về đóng quân ở tỉnh Khánh Hòa, hỗ trợ đắc lực cho UBND tỉnh Khánh Hòa giữ vững an ninh chính trị, giúp dân làm thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất ổn định cuộc sống. Hơn 300 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn đã chuyển ngành ra công tác ở hầu hết các cơ quan, ban ngành trong tỉnh. Đến nay, nhiều người trong số họ đã về nghỉ hưu và vẫn tiếp tục giữ vững bản chất của bộ đội Cụ Hồ, phát huy được truyền thống tốt đẹp của Sư đoàn Anh hùng, góp phần xây dựng quê hương Khánh Hòa giàu đẹp.

NGUYỄN THANH TÂM