09:08, 02/08/2012

Tập sách giàu tính nhân văn

Quý II/2012, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho ra đời tập sách “Cao Duy Thảo tuyển truyện ngắn và bút ký văn học”. Sách dày gần 500 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, gồm 12 truyện ngắn và 12 bút ký văn học.

 

Quý II/2012, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho ra đời tập sách “Cao Duy Thảo tuyển truyện ngắn và bút ký văn học”. Sách dày gần 500 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, gồm 12 truyện ngắn và 12 bút ký văn học. Đây là những truyện ngắn, bút ký tiêu biểu của nhà văn Cao Duy Thảo trong suốt nửa thế kỷ cầm bút sáng tác.

Đọc lại 12 truyện ngắn và 12 bút ký được nhà văn Cao Duy Thảo tuyển in trong tập sách này, tôi vẫn thấy mới lạ, ấm áp tình người với lối kể chuyện hàm xúc, cuốn hút người đọc. Tiêu biểu như truyện ngắn “Thời gian”. Bối cảnh của truyện xảy ra trên đất Khánh Hòa thời chiến tranh chống Mỹ. Nhân vật chính là bác sĩ Long, một chàng trai quê Bình Định, năm 1954 ra Bắc tập kết học ngành Y tại Hà Nội, sau tốt nghiệp thành bác sĩ, năm 1966 vào chiến trường Khánh Hòa công tác. Cuối năm 1971 là thời điểm những trận càn của địch thọc vào hậu cứ ta nhằm yểm trợ cho các chiến dịch bình định nước rút của chúng ở dưới đồng bằng. Trong một đêm vượt qua cả chặng đường dài đầy những bất trắc, từ Hòn Dù, Hòn Dữ vòng vèo xuống núi, vượt đồng bằng tới Diên An, Diên Điền…; sau khi nhận được gạo ở Đại Điền Nam quay lên, lúc vừa tới gần cầu Nông giáp chân núi, thì một đoàn 10 người của quân ta lọt vào ổ phục kích của bọn lính Bạch Mã Nam Triều Tiên. Nhưng cuối cùng chỉ có 8 người tìm được nhau, không thấy đồng chí phó đoàn và bác sĩ Long! Ít tháng sau, cơ sở từ thành phố báo lên: có người nhìn thấy bác sĩ Long trong một trại chiêu hồi của địch. Biết tin này, bà Chín, mẹ của Long, không tin. Bà đã đi khắp các trại chiêu hồi của địch từ Quy Nhơn vào tới Sài Gòn dò hỏi nhưng không có ai tên Long. Sau hòa bình, tuổi cao sức yếu nhưng bà vẫn thường xuyên vào Khánh Hòa gặp những người cùng chiến đấu với Long để làm rõ sự mất tích của con mình…

Truyện ngắn này của nhà văn Cao Duy Thảo đã nhận được giải thưởng của Tạp chí Văn nghệ Quân đội và Báo Văn Nghệ; đồng thời sau đó đã được dựng thành phim truyện cùng tên. Về truyện ngắn này, nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét: “Tôi đọc “Thời gian” đã ba mươi năm, đến nay vẫn còn mãi ấn tượng. Truyện ngắn này rất tiêu biểu cho lối viết của Cao Duy Thảo: không cố ý tạo những tìm tòi đột phá về kỹ thuật; cũng không cố tình bố trí những “thắt nút”, “cao trào”, “cởi nút”… khéo léo, gay cấn; một lối kể chuyện đều đều, từ tốn, với nhiều chi tiết cụ thể, gây cảm giác hoàn toàn là chuyện thật… Cuối cùng một chi tiết rất nhỏ, giấu trong những chi tiết khác, bỗng phá vỡ tất cả cái dòng chảy hầu như tầm thường đến nhàm chán kia, và ta bỗng nhận ra: vậy đó, đằng sau cái bằng phẳng êm ả hàng ngày là những bi kịch của con người, vừa sâu thẳm, đau đớn, vừa nhân hậu biết bao, mà người cầm bút tinh tế, nhỏ nhẹ phát hiện cho ta. Đây là cái riêng của nhà văn Cao Duy Thảo, tạo một giọng riêng như một vầng sáng nhỏ, khiêm nhường, nó cho ta một góc khuất lặng của cuộc sống ngổn ngang mà ta thường vô tư bỏ qua”.

Ngoài truyện “Thời gian”, các truyện ngắn khác như: “Im lặng của đá”, “Ông già Gò Sỏi”, “Ngọn đèn”, “Quà tặng của biển”… đều là những truyện ngắn hay, ấm áp tình người.

Trong khi đó, 12 bút ký văn học, bút ký nào trong tập sách này cũng để lại ấn tượng trong lòng bạn đọc. Bút ký văn học là sở trường của nhà văn Cao Duy Thảo. Từ những năm 1972 - 1973 của thế kỷ trước, tôi đã được đọc một số truyện và bút ký của ông in trên Tạp chí Văn Nghệ Khu 5. Mãi đến giờ tôi vẫn còn ấn tượng với bút ký: “Chuyện ghi ở gộp đá”: Sắc sảo, ngồn ngộn chất hiện thực nóng bỏng của cuộc chiến tranh giữa ta và địch trong chiến dịch Đông Xuân 1972 ở chiến trường Bắc Bình Định.

Nhà văn Cao Duy Thảo viết không nhiều so với các nhà văn cùng thế hệ với ông. Tính đến nay, ông xuất bản hơn 10 đầu sách, trong đó có 1 tiểu thuyết, còn lại là truyện ngắn, thơ và bút ký. Các tập sách của ông đều được đông đảo bạn đọc gần xa ghi nhận. Nhà văn Hồ Phương từng nhận xét về văn của ông: “… Cái hấp dẫn ở đây, của Cao Duy Thảo không phải là ở truyện này thú vị, cảnh kia đặc sắc, mà cái chính là những nhận xét cứ tưởng như rất nhỏ và hết sức tự nhiên của anh, nhưng té ra rất có duyên và nhất là rất tế nhị, hàm xúc…”.

Nhà văn Cao Duy Thảo là cây bút từng trải qua thử thách trong lửa đạn chiến tranh, từng được học hành bài bản ở Trường Điện ảnh và Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I. Ông lại trải qua 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, làm Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ Nha Trang nên rất dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực biên tập và sáng tác. Ông là người cẩn trọng trong từng câu chữ khi đặt bút viết. Vì vậy, đọc văn của ông, ta thấy câu chữ rất chỉn chu, minh triết. Và “Cao Duy Thảo - Tuyển truyện ngắn và bút ký văn học” là một tập sách như vậy.

XUÂN TUYNH