08:07, 05/07/2012

Chuyện không bao giờ cũ

Lâu nay, câu chuyện về văn hóa ứng xử nơi công cộng đã trở thành đề tài được nói đi, nói lại nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Lâu nay, câu chuyện về văn hóa ứng xử nơi công cộng đã trở thành đề tài được nói đi, nói lại nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cùng với đó là sự vào cuộc, phân tích của nhiều nhà khoa học để tìm ra “liều thuốc” hữu hiệu chữa trị chứng bệnh vô văn hóa trong ứng xử. Thế nhưng, những nỗ lực đó đều trở nên vô nghĩa khi trong đời sống hàng ngày vẫn xuất hiện các hành vi thiếu văn hóa.

Trong một lần đi xe buýt từ trung tâm Nha Trang đến khu vực Bình Tân vào giờ tan tầm, chúng tôi đã có dịp trở thành khán giả bất đắc dĩ của một màn đối đáp chướng tai giữa hai bạn trẻ vẫn còn khoác trên mình bộ đồng phục của trường phổ thông trung học. Hai bạn ấy dường như không quan tâm đến sự có mặt của hành khách đi cùng chuyến xe nên cứ vô tư tung ra những câu chửi thề, những lời bình luận tục tĩu khiến không ít hành khách cảm thấy khó chịu. Trong suốt chuyến hành trình đó, chúng tôi thấy có một cụ ông ngoài 70 tuổi phải đứng “neo” người lên thanh vịn. Đáng buồn thay, có khá nhiều bạn học sinh ngồi trên ghế nhưng không ai nhường ghế cho cụ. Khi chúng tôi thử đề nghị một bạn nữ đang ngồi ghế bên cạnh nhường chỗ cho cụ, câu trả lời chúng tôi nhận được là “cháu vừa ngồi xuống đây, lát cháu xuống xe, chú cứ nói với ông ấy đến chỗ này mà ngồi”.


Ứng xử có văn hóa là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.
Ứng xử có văn hóa là một nét đẹp truyền thống của người Việt Nam.

 

Có thể thấy rằng, câu chuyện trên không phải là thái độ, lối ứng xử của số đông, bởi chúng tôi vẫn luôn tin rằng, rất nhiều bạn trẻ có văn hóa, biết sống vì người khác. Nhưng câu chuyện sau đây không chỉ liên quan đến các bạn trẻ, mà liên quan đến rất nhiều người trong chúng ta. Sự kiện Giờ trái đất năm 2011 (được tổ chức ở Quảng trường 2-4, Nha Trang) có sự tham gia của đông đảo người dân và du khách. Đây là chương trình kêu gọi bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, không xả rác thải bừa bãi… với những bài diễn văn, lời phát động được đưa ra. Thế nhưng, sau khi chương trình kết thúc, toàn bộ không gian quảng trường lại ngập tràn rác thải với hàng loạt túi ni lông, vỏ chai nhựa, áo mưa… do chính những người vừa tham gia hưởng ứng bảo vệ môi trường để lại. Ngay lập tức, trên một số diễn đàn ở Nha Trang và các thành viên mạng xã hội của phố biển đã đưa lên những hình ảnh phản cảm này với nhiều lời nhận xét chua xót. Đây không phải là một thảm họa về môi trường của phố biển, bởi sau đó, đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường đã làm việc cật lực để thu dọn rác thải. Thế nhưng, đây có thể xem là một vết rạn trong văn hóa ứng xử. Chúng tôi vẫn còn nhớ ánh mắt của một chị lao công khi trả lời phỏng vấn: “Mỗi sự kiện lớn được tổ chức ở quảng trường là một lần chúng tôi phải làm việc hết công suất để trả lại vẻ sạch đẹp cho nơi đây. Không biết đến bao giờ mọi người mới có ý thức việc không xả rác bừa bãi”.


Xả rác bừa bãi ngay sau sự kiện Giờ trái đất năm 2011.
Xả rác bừa bãi ngay sau sự kiện Giờ trái đất năm 2011.

 

Câu chuyện về văn hóa ứng xử nơi công cộng nghe có vẻ đã nhàm tai. Nhưng trên thực tế, những điều tưởng như nhỏ nhặt đó lại có tác động khá lớn vào ý thức, phẩm cách của mỗi người, nhất là các bạn trẻ. Trước đây, ông cha ta đã từng răn dạy về văn hóa ứng xử; nhưng giờ đây, những đạo lý ứng xử văn hóa đang bị xem nhẹ, và hậu quả mang lại là những việc làm, hành vi, thái độ lệch chuẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội. Hình ảnh những bã kẹo cao su bám đầy ở nơi công cộng; nhiều gia đình tự cho mình quyền vứt rác ra đường phố; những danh thắng bị bôi bẩn bởi nét bút chằng chịt, vô ý thức của một số người; những lời nói thiếu văn hóa của các cậu ấm, cô chiêu…, tất cả đã gióng lên hồi chuông về sự xuống cấp trong văn hóa ứng xử.

Thêm một lần bàn về văn hóa ứng xử nơi công cộng để thấy rằng vẫn còn nhiều điều cần được lưu tâm. Trong đó, quan trọng hơn cả vẫn là giải pháp giáo dục. Giáo dục trong gia đình, ở nhà trường và toàn xã hội. Có tạo được một xã hội giáo dục mới hy vọng hình thành nên những con người có văn hóa.

GIANG ĐÌNH