09:07, 27/07/2012

Bức tranh về một vùng đất cổ

Dân gian xưa có câu ca dao: “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”, cho thấy sự gắn bó mật thiết của những ngôi đình làng với đời sống, tình cảm của người Việt Nam.

Dân gian xưa có câu ca dao: “Qua đình ngả nón trông đình/Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu”, cho thấy sự gắn bó mật thiết của những ngôi đình làng với đời sống, tình cảm của người Việt Nam. Bằng tình cảm và lòng tri ân của một người con với vùng đất quê hương, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Ngô Văn Ban đã biên khảo cuốn “Đình làng xã Vĩnh Trung” (Sách dày hơn 290 trang). Tuy phạm vi đề cập tương đối hẹp (chỉ trong một xã), nhưng nội dung lại chứa đựng kiến thức sâu rộng về đình làng, về những phong tục tập quán, danh nhân, địa danh…

Xã Vĩnh Trung (TP. Nha Trang) có 4 ngôi đình gồm: Võ Cạnh, Võ Dõng, Đồng Nhơn và Xuân Sơn. Tất cả các đình đều được bảo quản tốt, khang trang và đều được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Các ngôi đình ở Vĩnh Trung có cấu trúc khá đa dạng, theo hình chữ nhất, chữ đinh và chữ khẩu. Vị thần thờ trong các đình đều được gọi là “thần hoàng bổn cảnh”, như: thần Cao Các, thần Đại Càn Quốc Gia Nam Hải, Bà chúa Ngọc Thiên Y A Na, thần Thành Hoàng Bổn Cảnh, Ngũ hành thần nữ, miếu thờ Tiền hiền, Hậu hiền, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh và đặc biệt là thờ ảnh Bác Hồ. Trải qua thời gian, với bao biến động của lịch sử, các ngôi đình ở xã Vĩnh Trung vẫn lưu giữ nguyên vẹn được nhiều sắc phong. Qua các sắc phong đó, hậu thế biết được những ngôi đình ở đây được xây dựng từ trước năm 1852 (tấm sắc phong sớm nhất được phong vào đời Tự Đức năm thứ 5 - 1852). Hơn 162 năm tồn tại, đình làng ở Vĩnh Trung là nơi lưu dấu tâm linh văn hóa của người dân nơi đây. Hàng năm, các đình đều tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động tín ngưỡng, biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao vui nhộn, hấp dẫn. Lễ đình là dịp để mọi người dân trong làng dù đang sinh sống hay làm ăn ở đâu đều về dâng hương tỏ lòng thành kính đối với các bậc đã có công khai khẩn đất đai, quy dân lập ấp, phù trợ, bảo hộ dân làng làm ăn sinh sống. Từ đó, giáo dục con cháu truyền thống văn hóa “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Bìa sách “Đình làng xã Vĩnh Trung”
Bìa sách “Đình làng xã Vĩnh Trung”

Khảo biên về những ngôi đình ở xã Vĩnh Trung, tác giả Ngô Văn Ban đã giới thiệu đến độc giả nhiều kiến thức liên quan đến vùng đất, con người nơi đây. Bia Võ Cạnh được cấu tạo bằng đá hoa cương có kích thước 2,5x1,53x0,67m, có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ II - III. Trên bia khắc chữ Phạn, thể hiện ý nghĩ về trần thế không vĩnh cửu, tính luân hồi và lòng thương chúng sinh….

Ở xã Vĩnh Trung có nhiều công trình gắn liền với tên tuổi của một danh nhân có công đối với dân làng nơi đây, đó là cầu Ông Bộ, đình Ông Bộ, bến đò Ông Bộ, chợ Ông Bộ, trường Ông Bộ…. Nhân vật “Ông Bộ” thực tế là ông Cai Bạ Nguyễn Văn Ngữ (1755 - 1812), người thôn Cao Lao, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Vào thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong, ông giữ chức Câu Kê chuyên tra xét sổ bộ. Trong thời gian làm quan, ông về làng Võ Cạnh xây làng, lập chợ, lập bến đò, trường học, đình làng… Nhân dân trong làng kính trọng công lao của ông nên coi ông như Hậu hiền của làng.

Đất Vĩnh Trung còn có 3 anh em Nguyễn Khanh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương từng tham gia phong trào Cần Vương do Bình Tây Đại Tướng Trịnh Phong lãnh đạo. Ông Nguyễn Khanh được cử làm Tán Tương quân vụ, hai em được giữ chức Tham tán và Kiểm biện coi việc tuyển mộ binh sĩ, tiếp tế lương thực.

Ngoài ra, trong tập sách “Đình làng xã Vĩnh Trung”, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban còn kiến giải nhiều vấn đề liên quan như phong tục, tập quán của dân làng Vĩnh Trung; về đặc sản cá tràu Võ Cạnh; những địa danh dọc đường 23-10 đoạn qua xã Vĩnh Trung. Đọc sách, có thể hiểu đầy đủ hơn về những vấn đề tưởng như đã quá quen với nhiều người, nhưng vẫn đầy bất ngờ, thú vị. Chẳng hạn, con cá tràu Võ Cạnh vốn nổi tiếng với câu ca “Yến sào Hòn Nội/Vịt lội Ninh Hòa/Tôm hùm Bình Ba/Nai khô Diên Khánh/Cá tràu Võ Cạnh”, từng được cụ Quách Tấn đưa vào quyển “Xứ Trầm Hương” với lời bình “Cá tràu Khánh Hòa đã ngon, mà cá tràu Võ Cạnh lại quá tuyệt! Thịt vừa ngọt, vừa thơm. Ám ngọt, nướng ngon, kho cũng ngon, nấu cháo lại càng ngon! Cho nên có tiếng đồn “Cá tràu Võ Cạnh”. Qua phân tích của tác giả Ngô Văn Ban, bạn đọc biết được con cá tràu thực tế là cá tràu Võ Dõng (thôn Võ Dõng) chứ không phải ở thôn Võ Cạnh. Vì thôn Võ Dõng có sông Con chạy song song với sông Cái Nha Trang, người dân câu được cá ở đây thường đưa ra chợ Võ Cạnh bán, nên người ta quen gọi là cá tràu Võ Cạnh…

Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Ngô Văn Ban sinh năm 1942 tại thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung. Vốn là một thầy giáo dạy văn, sau khi nghỉ hưu, ông tham gia sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn các kiến thức văn nghệ dân gian. Các công trình của ông đã được công bố gồm: Sổ tay từ ngữ phong tục tập quán về việc sinh, việc cưới, việc tang, việc giỗ người Kinh Việt Nam; Địa danh Khánh Hòa xưa và nay; Một số nghề, làng nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa; Chân dung con người qua cái nhìn Việt Nam… Ngoài ra, ông còn tham gia nhiều công trình nghiên cứu chung với các tác giả khác. Thực hiện tập sách “Đình làng xã Vĩnh Trung”, ông mong muốn gửi lòng tri ân đến mảnh đất, con người quê hương: “Vĩnh Trung là mảnh đất chôn nhau cắt rún của tôi. Việc khảo sát các đình làng của xã quê hương để hình thành tập sách này là mong muốn của tôi với hy vọng được trả phần nào ơn sinh thành nuôi dưỡng của một vùng quê yêu dấu đối với mình”.

NHÂN TÂM