04:07, 16/07/2012

Hành trình đến với di sản thế giới

Nằm trên dải đất Nam Trung bộ, Khánh Hòa là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật bài chòi.

Nằm trên dải đất Nam Trung bộ, Khánh Hòa là một trong những địa phương có sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật bài chòi (NTBC). Không quá lời khi nói rằng, những câu hát, vở diễn của NTBC từ lâu đã thấm sâu vào tâm hồn biết bao thế hệ người dân xứ Trầm Hương. Để rồi, bài chòi Khánh Hòa trở thành một mắt xích quan trọng thể hiện sự phát triển liền mạch của NTBC.

Hiện toàn tỉnh Khánh Hòa có khoảng hơn 200 nghệ sĩ dân gian đang nắm giữ những bài bản, lời hát… của NTBC. Không phải là nơi phát tích của loại hình nghệ thuật này, nhưng bài chòi đến Khánh Hòa khi nó có sự phát triển từ bài chòi đánh bài lên bài chòi biểu diễn. Chính yếu tố này đã tạo nét riêng cho NTBC xứ Trầm Hương.

.  Vốn xưa lưu truyền

Bài chòi, nguyên thủy của nó là trò chơi đánh bài giữa các chòi, với hệ thống 8 chòi con và 1 chòi cái. Đây là trò chơi dân gian ra đời từ chính cuộc sống lao động sản xuất của người dân trước đây. Để trò chơi thêm hấp dẫn, người dân đã sáng tạo những câu hát gắn với từng lá bài cụ thể để chú Hiệu (người quản trò) hát xướng lên cho mọi người biết. Cùng với thời gian, những câu hát chơi đó đã phát triển thành một loại hình nghệ thuật trình diễn.

Thoại Khanh Châu Tuấn - vở bài chòi cổ vẫn đang thịnh hành ở Khánh Hòa.

Thoại Khanh Châu Tuấn - vở bài chòi cổ vẫn đang thịnh hành ở Khánh Hòa.

Bài chòi đến Khánh Hòa vào thế kỷ XVIII, khi nó đã đạt đến đỉnh cao của loại hình nghệ thuật này. Chính vì vậy, người dân Khánh Hòa chủ yếu tiếp nhận bài chòi biểu diễn chứ không phải loại hình bài chòi trải chiếu như các tỉnh Bình Định, Phú Yên… Khi nghệ thuật hát bội phát triển mạnh mẽ đã tác động đến bài chòi, tạo nên sự pha trộn giữa 2 loại hình nghệ thuật này. Vào đầu thế kỷ XX, nghệ thuật cải lương đến với đất Khánh Hòa và bài chòi cũng đã tiếp thu loại hình nghệ thuật này. Vì thế, ca kịch bài chòi có sự tiếp biến giữa 2 loại: hát bội hô bài (hát hô) và cải lương. Ngoài các đề tài vốn có như Lâm Sanh Xuân Nương, Phạm Tải Ngọc Hoa, Tống Trân Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn… bài chòi còn phát triển thêm nhiều đề tài khác trong hệ thống tuồng truyện như Đường chinh Tây, Đường chinh Đông, Ông xã bà đội… Từ năm 1975 đến nay, bài chòi ở Khánh Hòa tồn tại 2 hình thức: ca kịch bài chòi trong dân gian (bài chòi cổ) và nghệ thuật dân ca kịch (bài chòi tân). Sự khác biệt giữa 2 hình thức này chính là cách hát, làn điệu, tiết điệu, tính kịch… Tuy nhiên, người dân Khánh Hòa vẫn thích nghe bài chòi cổ hơn, bởi nó chuyển tải được những câu chuyện đạo lý trung, hiếu, tiết nghĩa. Hiện nay, những vở diễn kịch hát dân ca của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh vẫn đi theo bài chòi cổ.

.  Hồ sơ di sản

Nhận thức được tầm quan trọng của NTBC trong đời sống nhân dân, năm 2011, trước khi có chủ trương của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TTDL) về việc lập hồ sơ bài chòi để trình UNESCO xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể, ngành Văn hóa tỉnh đã thực hiện việc sưu tầm, khảo cứu về NTBC để trình Bộ VH-TT-DL công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Nằm trong dòng chảy chung của NTBC Nam Trung bộ, hồ sơ NTBC của Khánh Hòa đã hoàn tất và bàn giao đầy đủ cho Viện Văn hóa nghệ thuật nghiên cứu. Theo ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, người trực tiếp thực hiện việc lập hồ sơ của bài chòi Khánh Hòa: “Qua các cuộc hội thảo được tổ chức vào đầu năm 2012, cùng với chuyến đi khảo cứu thực tế vào tháng 2-2012 của Viện Văn hóa nghệ thuật về bài chòi Khánh Hòa, cơ quan chức năng đều đã có sự đánh giá, nhận định xác đáng về NTBC Khánh Hòa. Có thể thấy, bài chòi Khánh Hòa là một mắt xích quan trọng thể hiện sự phát triển liền mạch của NTBC”.

Hồ sơ bài chòi Khánh Hòa gồm 3 phần: Sự ra đời và phát triển của NTBC trên đất Khánh Hòa; nét đặc trưng cơ bản giá trị nội dung của bài chòi; hình thức tồn tại của bài chòi. Để có được bộ hồ sơ 47 trang này, những người khảo cứu đã tiếp xúc với hơn 200 nghệ sĩ dân gian đang nắm giữ các bài bản, hình thức, nội dung của bài chòi. Đây chính là một phần quan trọng của bài chòi trên con đường đến với di sản văn hóa phi vật thể của thế giới.

NHÂN TÂM