Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, năm 2001, dự án Sân khấu học đường do Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao....
Với mục đích bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, năm 2001, dự án Sân khấu học đường (SKHĐ) do Trung tâm Nghiên cứu - Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã triển khai tại nhiều địa phương trong cả nước, trong đó có Khánh Hòa. Sau 10 năm thực hiện, dự án đã tạo được sân chơi lành mạnh cho học sinh (HS), khơi gợi sự quan tâm và lòng yêu thích của giới trẻ với nghệ thuật truyền thống (NTTT). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, dự án cũng bộc lộ một số hạn chế.
. Thành công bước đầu
Tại Khánh Hòa, dự án được triển khai ở 2 giai đoạn (vào năm 2001 và năm 2008) với 2 thể loại là tuồng và dân ca - bài chòi. Đối tượng chính của dự án là HS các trường trung học phổ thông và trung học cơ sở (THCS). Dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa, HS đã được diễn viên Nhà hát NTTT tỉnh giới thiệu và biểu diễn các trích đoạn tuồng - dân ca. Các em còn được tham gia những trò chơi dân gian, được trực tiếp hóa thân vào vai diễn. Khi triển khai tại các trường học, chương trình SKHĐ đã nhận được sự quan tâm hưởng ứng tích cực từ phía HS, nhà trường và phụ huynh. Em Nguyễn Văn Tuấn - HS Trường THCS Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang) chia sẻ: “Được tham gia trò chơi dân gian và xem diễn viên của Nhà hát NTTT biểu diễn các vở tuồng, em thấy rất thích. Trước đây, em ít xem tuồng, chèo, cải lương, dân ca… nên không hiểu biết nhiều về các thể loại này. Chương trình SKHĐ đã tạo cơ hội và hứng thú cho chúng em tìm hiểu về NTTT”.
Một buổi giao lưu, biểu diễn nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh tại Trường Trung học Phổ thông iSCHOOL Nha Trang. |
Hiện nay, trước sự thịnh hành của nhạc trẻ, nhạc quốc tế, NTTT rất khó nhận được sự hưởng ứng của giới trẻ. Vì vậy, việc triển khai dự án SKHĐ đã tạo cơ hội cho HS được tiếp xúc, hiểu biết sâu hơn về NTTT, qua đó khơi dậy tình yêu, sự hứng thú với các loại hình nghệ thuật này. Thầy Hà Văn Toản - Trường THCS Nguyễn Hiền (TP. Nha Trang) nhận xét: “Các em được tiếp xúc quá nhiều với ca múa nhạc đương đại, vì vậy trở nên khá xa lạ với NTTT. Chương trình SKHĐ là hoạt động giáo dục truyền thống giúp các em nhớ lại và tự hào về văn hóa dân tộc. Qua đó, các em sẽ có ý thức giữ gìn, phát huy, sáng tạo nghệ thuật dân tộc”.
. Cần giải pháp lâu dài
Giai đoạn 1 của dự án triển khai thể loại tuồng đã gây ấn tượng tốt ở các trường học trên địa bàn TP. Nha Trang. Đoàn tuồng của Nhà hát NTTT đã dàn dựng một số vở diễn công phu và hướng dẫn HS tham gia luyện tập. Đó là kết quả tích cực mà dự án SKHĐ đạt được. Tuy nhiên, kết quả này chưa được nhân rộng. Ngay trong giai đoạn 1, sau thời gian tập luyện say mê, những tiết mục của HS đã bị quên lãng, không có cơ hội biểu diễn cho bạn bè và mọi người xem. Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án với việc triển khai thể loại dân ca - bài chòi cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Lý giải về vấn đề này, ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết: “Khó khăn của dự án đến từ nhiều phía, trong đó có sự chỉ đạo chung và phối hợp không đồng bộ. Chương trình biểu diễn SKHĐ tại các trường không được lãnh đạo nhà trường xây dựng thành kế hoạch cụ thể mà chỉ là sự hưởng ứng nhất thời, không có quy định bắt buộc. Nếu UBND tỉnh chỉ đạo cho các ban, ngành liên quan như: Sở VH-TT-DL, Sở Giáo dục và Đào tạo, Đoàn Thanh niên… phối hợp đồng bộ, chặt chẽ thì dự án mới đạt được kết quả khả quan”.
Việc đưa NTTT đến gần hơn với tuổi học đường nói riêng và tuổi trẻ nói chung là cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này cần có giải pháp thực hiện khả thi, lâu dài. Chỉ khi nào có sự chung tay của nhiều cấp, ngành, những tiết mục, vở diễn của HS mới có cơ hội biểu diễn và nhân rộng. Tuy SKHĐ ở Khánh Hòa không kỳ vọng tìm kiếm những hạt nhân xuất sắc kế thừa “tổ nghiệp”, nhưng ít nhất, chương trình cũng phải đạt mục tiêu rút ngắn khoảng cách cảm nhận NTTT giữa lớp trẻ hiện nay và những thế hệ trước.
M.H - T.V