03:07, 10/07/2012

“Chàng Mutui Amã” - sử thi độc đáo của đồng bào Raglai

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Nhà xuất bản Thanh niên vừa phối hợp xuất bản cuốn sách “Chàng Mutui Amã” - tác phẩm thuộc loại hình diễn xướng dân gian (Akhàt Jucar) rất đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai.

 

Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Nhà xuất bản Thanh niên vừa phối hợp xuất bản cuốn sách “Chàng Mutui Amã” - tác phẩm thuộc loại hình diễn xướng dân gian (Akhàt Jucar) rất đặc biệt của đồng bào dân tộc thiểu số Raglai. Tác phẩm được bạn đọc đánh giá cao không chỉ ở sự hấp dẫn bởi lối kể chuyện giàu hình ảnh mà thông qua câu chuyện, người xem có thể nắm bắt được rất nhiều phong tục, tập quán cổ xưa của đồng bào Raglai.

. Nét độc đáo ở một tác phẩm thần thoại

Xuất bản tháng 6-2012, thuộc Dự án Công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian Việt Nam, tác phẩm Chàng Mutui Amã với 5.744 câu được nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Vũ, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn sưu tầm, ghi lại dưới dạng văn vần.

Là chuyện thần thoại, Chàng Mutui Amã kể về sức mạnh, lòng nghĩa dũng, trung hiếu, trừ gian, diệt bạo, giúp người nghèo khó của chàng trai người Raglai có tên Mutui Amã. Được sinh ra từ người mẹ là một cô gái trẻ, chưa chồng, từ tấm bé Mutui Amã phải chịu đựng nhiều cảnh sống cơ cực giữa núi rừng hoang vắng vì sự xa lánh của nhiều người. Tuy nhiên, càng lớn chàng trai người Raglai ấy càng tỏ ra thông minh, nuôi dưỡng nhiều ước mơ lớn. Chàng đã giao du, vui chơi cùng nhiều loài thú rừng, và rồi kết bạn cùng với diều hâu, sau đó là một chú rồng con. Được rồng con tặng cho chiếc nhẫn thần, tiếp đó lại được một cụ già tặng cho chiếc rựa thần, với lòng dũng cảm và sức mạnh trời cho, Mutui Amã chẳng bao lâu đã trở thành người anh hùng. Chàng đã đi đây đi đó, gặp ai lâm cảnh hoạn nạn đều ra tay giúp đỡ. Nhiều thế lực ma quỷ khi gặp chàng đều phải trốn chạy và không dám lui tới quấy phá các buôn làng. Một ngày nọ, Mutui Amã phát hiện một lâu đài tráng lệ, trong đó có nàng công chúa bị con quái vật ăn thịt người giam giữ. Cuộc chiến đấu quyết liệt đã diễn ra. Nhờ lòng dũng cảm, mưu trí và sự giúp đỡ của chiếc rựa thần, Mutui Amã đã giết chết con quái vật, cứu được công chúa và mang lại bình an cho nhân dân. Khâm phục tài năng của chàng, nhà vua đã gả công chúa cho chàng. Từ đó, chàng bắt đầu một cuộc sống đầy vinh hoa phú quý và tiếp tục giúp đỡ mọi người.

Là chuyện thần thoại, Chàng Mutui Amã có mô típ giống nhiều chuyện thần thoại của các dân tộc khác trên thế giới, cốt truyện đơn giản và cái thiện thắng cái ác. Nhưng, nét độc đáo ở tác phẩm này không phải chỉ là câu chuyện kể đơn thuần, mà xuyên suốt tác phẩm, bên cạnh những câu thành ngữ, tục ngữ, ca dao, người đọc bắt gặp rất nhiều yếu tố khá lý thú, đa dạng và đầy màu sắc về nền văn hóa lâu đời của dân tộc Raglai, trong đó có những phong tục tập quán, tín ngưỡng cũng như những nội dung liên quan đến văn hóa lễ hội, văn hóa ẩm thực, trang phục, kinh nghiệm lao động, kinh nghiệm đối phó với thiên nhiên… và cả những điều kiêng kỵ. Đáng chú ý là tất cả những nội dung trên đều được thể hiện rất đầy đủ, rất chi tiết và luôn dồn nén, nối tiếp nhau tạo cho tác phẩm có sự cuốn hút cao đối với người xem. Đến cả những kinh nghiệm ăn uống mà người phụ nữ Raglai phải kiêng kỵ khi sinh nở, chúng ta cũng có thể tìm thấy trong tác phẩm này: Nên ăn canh rau trái, hoa bông/Muốn cho nhẹ thân, cứng vững cái lưng/Không ăn thịt tanh, chỉ ăn thịt lành/Hãy lắng nghe, nghe nói đi chứ!/Từ đời bà để lại, đời ông để dành/Khi chưa được ăn ngải khử tanh/Không ăn thịt tanh, chỉ ăn thịt lành.

Thời xa xưa, người Raglai phải đối phó với nhiều kẻ thù, tuy nhiên, tinh thần hiếu khách, trọng nghĩa luôn được đề cao. Trong Chàng Mutui Amã có rất nhiều đoạn nói về nội dung này, và đây là một đoạn mà người Raglai lớn tuổi đã dạy con cháu khi gặp khách lạ vào buôn làng mình cũng như cách thức đón tiếp khách: Mời lên sàn nhà, vào tận giường sàn/Để chủ nhà chào mời hỏi han/Trao miếng trầu têm, ướm hỏi/Hỏi vì việc cần hay vì lễ tục/Hỏi để tránh điều kiêng điều cấm/Hỏi để giúp người lạc đường, lạc ngõ/Để giúp người đứt cơm, đứt gạo nằm đường…

. Tâm huyết của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian

Akhàt jucar là một loại hình diễn xướng dân gian trên cơ sở các làn điệu dân ca để chuyển tải nội dung một câu chuyện cổ xưa (truyền thuyết, sử thi…) được bà con dân tộc Raglai lưu truyền qua nhiều thế hệ. Chàng Mutui Amã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản lần này còn có điểm đặc biệt nữa là in nguyên lời của tác phẩm khi được diễn xướng. Theo nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Vũ, để có được tác phẩm Chàng Mutui Amã, ông phải mất nhiều năm vất vả, lặn lội về tận các buôn làng của vùng đất Khánh Sơn - nơi sinh ra loại hình diễn xướng trên để khảo sát, sưu tầm. Tác giả đã tìm gặp trên 30 nghệ nhân người Raglai có khả năng diễn xuất Akhàt jucar, từ đó ngồi nghe từng người hát, ghi chép, đối chiếu, so sánh, bổ sung và từng bước hoàn chỉnh tác phẩm bằng tiếng Raglai, sau đó dịch sang tiếng Việt. “Tôi được duyên may mắn là được làm việc gần gũi bà con hơn 16 năm. Đây chính là khoảng thời gian vô cùng quý báu để tìm hiểu và tiếp cận với nền văn hóa phong phú và đa dạng của bà con Raglai” - nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Vũ tâm sự.

Cho đến nay, đã có 10 tác phẩm thuộc loại Akhàt jucar do các nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian tại Khánh Hòa sưu tầm ở các huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh được chỉnh lý xuất bản và hầu hết được giới thiệu trang trọng bằng tiếng Việt và tiếng Raglai. Sự ra đời của Chàng Mutui Amã của nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Trần Vũ sẽ góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu, giới thiệu nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc anh em tại Khánh Hòa.

HOÀNG ANH