11:06, 14/06/2012

Vui, buồn nghiệp diễn

Câu chuyện nghệ thuật truyền thống giữa thời kinh tế thị trường gặp nhiều khó khăn không phải là chuyện gì mới...

Câu chuyện nghệ thuật truyền thống (NTTT) giữa thời kinh tế thị trường gặp nhiều khó khăn không phải là chuyện gì mới. Nhưng bằng sự nỗ lực cùng với sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa và đơn vị chủ quản, những nghệ sĩ, diễn viên NTTT vẫn đêm đêm được đứng trên sân khấu để phục vụ công chúng. Tuy nhiên, vẫn còn đó những nỗi niềm không dễ tỏ bày.

: Được biểu diễn phục vụ khán giả là niềm vui của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.
: Được biểu diễn phục vụ khán giả là niềm vui của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh.

Niềm vui được diễn

Từ đầu năm 2012, tập thể lãnh đạo, nghệ sĩ, diễn viên, nhân viên Nhà hát NTTT tỉnh đón nhận tín hiệu tích cực khi được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo thực hiện chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố. Đều đặn mỗi tuần 2 tối, anh chị em nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát lại đến địa điểm sân khấu ở Trung tâm Hội nghị tỉnh để biểu diễn phục vụ nhân dân, du khách trong và ngoài nước. Đây là một hoạt động có ý nghĩa thiết thực và đã nhận được sự đánh giá tích cực từ chính những khán giả thưởng thức, cũng như dư luận báo chí trong nước. Còn nhớ, trong một lần chúng tôi đi tìm hiểu để viết về chương trình nghệ thuật đường phố này, Nghệ sĩ Ưu tú Kim Khiêm đã chia sẻ: “Đối với anh em nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát, chỉ cần được biểu diễn và có khán giả xem là thích rồi. Chúng tôi không bao giờ nề hà đến việc biểu diễn ở đâu, diễn ở nơi khó khăn hay thuận lợi”. Quả thực, trong những đêm diễn đó, trước một lượng khán giả đông đảo chăm chú theo dõi từng trích đoạn đặc sắc của sân khấu tuồng, dân ca kịch, từng động tác vũ đạo, câu hát… của các diễn viên, chúng tôi nhận thấy ánh mắt rạng ngời niềm vui của tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát. Để chương trình biểu diễn được hấp dẫn, Nhà hát luôn có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ nội dung, hình thức bài trí sân khấu, đến cả việc thuê người dẫn chương trình biết ngoại ngữ. Những động thái cụ thể đó đã mang đến hiệu quả cao trong lòng công chúng, cũng như góp phần tạo thêm một địa chỉ sinh hoạt văn hóa để du khách có thể tìm hiểu nét đẹp truyền thống khi đến với Nha Trang.

Thành công của chương trình nghệ thuật đường phố, ngoài niềm vui được biểu diễn, tập thể nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát còn được hỗ trợ một khoản kinh phí 3,5 triệu đồng/đêm diễn. Đây là nguồn động viên để các nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát có thêm động lực để tiếp tục cống hiến cho nghiệp diễn. Từ thành công đó, nhiều đơn vị lữ hành, một số doanh nghiệp du lịch đã liên hệ với Nhà hát để thực hiện các show diễn phục vụ khách du lịch nước ngoài. Đây thực sự là những tín hiệu lạc quan đối với NTTT, cũng như đối với những người trực tiếp làm nghề.

“Ngày vui ngắn chẳng tày gang”

Trong khi mọi thứ tưởng chừng đang đi đúng quỹ đạo thì bỗng từ cuối tháng 5-2012 lại gặp sự cố. Sau hơn 2 tháng ký kết hợp đồng biểu diễn giữa Nhà hát với bà Victory (người Nga) để biểu diễn phục vụ du khách nước ngoài tại Nhà hàng Mê Trang Food (đường Lê Thánh Tôn, Nha Trang), đến cuối tháng 5, không hiểu vì lý do gì, những suất diễn vào thời điểm này đã không được bà Victory thanh toán cho Nhà hát theo như hợp đồng. Sau nhiều lần đàm phán không thành và trước dấu hiệu chạy nợ của đối tác, lãnh đạo Nhà hát đã nhờ sự can thiệp của lực lượng Công an, chính quyền sở tại, nhưng tất cả đều không thành. Số tiền 12,5 triệu đồng thù lao của tập thể nghệ sĩ, diễn viên trong nhiều đêm diễn đã trở thành công cốc. Khi hỏi chuyện này, nhiều người trong đoàn đều lắc đầu ngán ngẩm, coi đó như một sự không may của mình. Còn phía lãnh đạo Nhà hát chỉ biết tự trách: “Khi thấy họ có thành ý muốn hợp tác với Nhà hát thì chúng tôi vui vì tạo được thêm nguồn thu nhập cho anh em. Nhưng khi chuyện xảy ra thế này thì cũng chỉ biết cười huề. Tuy nhiên, qua đây chúng tôi cũng rút ra được bài học cho riêng mình”, ông Vũ Tiến Thêm - Giám đốc Nhà hát NTTT tỉnh cho biết.

Chuyện Nhà hát NTTT tỉnh bị xù nợ mới chỉ lần đầu, tuy nhiên, trước đó cũng đã có nhiều lần tập thể diễn viên, nghệ sĩ của đoàn bị các đối tác chậm trả thù lao, hoặc trả thù lao thấp. Thậm chí, có một khu resort thuộc hàng ăn nên làm ra ở Nha Trang, nhưng mãi 1 năm sau mới chịu trả tiền thù lao biểu diễn cho diễn viên, nghệ sĩ Nhà hát. Sau những mối biểu diễn bị bể show như thế, lãnh đạo Nhà hát lại tiếp tục đi tìm kiếm các mối mới để tạo đất diễn và tăng thêm thu nhập cho anh em. Nhưng trong lòng mỗi người làm nghề đều không tránh được cảm giác hụt hẫng cho nghiệp đã vướng vào thân.

GIANG ĐÌNH