03:06, 18/06/2012

Thầy Nghêu của nghệ thuật hát bội

 

Đến bây giờ, mỗi khi nhắc tới vở tuồng hài Nghêu - Sò - Ốc - Hến, nhiều khán giả vẫn nhớ tới hình ảnh người diễn viên trẻ tuổi vào vai thầy Nghêu. Đó chính là ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh, người đã được công chúng yêu tuồng quý mến gọi là “ông thầy Nghêu” của nghệ thuật hát bội Khánh Hòa.

 

Nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải (trái) gặp nghệ nhân dân gian Huỳnh Ngọc Ẩn để tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống.
Nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải (trái) gặp nghệ nhân dân gian Huỳnh Ngọc Ẩn để tìm hiểu về nghệ thuật truyền thống.

Đến bây giờ, mỗi khi nhắc tới vở tuồng hài Nghêu - Sò - Ốc - Hến, nhiều khán giả vẫn nhớ tới hình ảnh người diễn viên trẻ tuổi vào vai thầy Nghêu. Đó chính là ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh, người đã được công chúng yêu tuồng quý mến gọi là “ông thầy Nghêu” của nghệ thuật hát bội Khánh Hòa.

Tuy đã chuyển sang làm công tác quản lý từ nhiều năm nay, không còn trực tiếp đứng trên sân khấu để đảm nhận các vai diễn, nhưng tình yêu, niềm đam mê với vốn NTTT của ông cha nói chung và nghệ thuật hát bội nói riêng vẫn luôn thôi thúc nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải. Nhớ về chặng đường hoạt động nghệ thuật của mình, ông tự hào vì những gì mình đã làm được, để từ đó ông càng nỗ lực đóng góp nhiều hơn cho mạch chảy của NTTT hôm nay.

Vào nghề từ thuở 15

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp khóa đào tạo cấp tốc của khoa tuồng (Trường Nghệ thuật sân khấu Việt Nam), chàng trai trẻ Nguyễn Tứ Hải được gửi vào Đoàn tuồng giải phóng Trung Trung bộ (tiền thân của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh ngày nay) để biểu diễn phục vụ chiến sĩ, nhân dân chiến trường khu 5. Ở cái tuổi 15 còn ham vui, ham chơi, nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải bước những bước đi đầu tiên trên sân khấu tuồng ngay tại vùng đất được mệnh danh là cái nôi của nghệ thuật hát bội. Bao khó khăn, thử thách, nhưng bằng tinh thần cầu tiến, niềm đam mê với nghệ thuật tuồng đã thôi thúc ông quyết tâm học hỏi, trau dồi thêm ngón nghề để khi bước lên sân khấu có thể mang đến cho khán giả những cảm xúc tột bậc từ các vai diễn. Với tinh thần ham học hỏi đó, ông đã nhanh chóng trở thành “đệ tử ruột” của các nghệ sĩ tuồng hàng đầu như: Văn Phước Khôi, Sáu Lai, Đinh Quảng, Nguyễn Nho Túy, Võ Sĩ Thừa, Mô Thị Liệu… Từ đó, những ngón nghề, “độc chiêu” của nghệ thuật hát bội đã được ông lãnh hội khá hoàn chỉnh. Từ những kỹ thuật khó về cách nén hơi khi hát, đến các động tác vũ đạo, biểu cảm trên gương mặt… cho từng vai diễn được ông thực hiện một cách chuẩn mực.

Từ những điều đã học được ở các bậc tiền bối, cùng sự nỗ lực của bản thân, nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải đã sớm nhận được sự tin tưởng của lãnh đạo đoàn tuồng khi giao cho ông những vai khó như vai thầy Nghêu (vở Nghêu - Sò - Ốc - Hến), xã Nhộng (vở Giáp kén xã Nhộng), Trương đồ nhục (vở Trương đồ nhục), Trương Ngáo (vở Trương Ngáo đúc chuông). Đây đều là những vai hài trong 4 vở tuồng hài kinh điển của nghệ thuật tuồng cổ. Trong số các vai diễn đó, vai thầy Nghêu vẫn để lại trong ông nhiều ấn tượng. Đó không chỉ bởi đây là vai diễn hài đầu tiên của ông trên sân khấu tuồng, mà đây còn là vai diễn nhận được sự tán dương của khán giả nhất. “Tôi đóng vai thầy Nghêu lúc mới 16 tuổi. Ngày ấy, trong các đêm diễn dọc dải đất khu 5, khán giả luôn dành cho tôi một sự yêu quý. Vai thầy Nghêu chính là tấm thẻ thông hành đầy ý nghĩa trên con đường đến với nghệ thuật, với khán giả hát bội của tôi”. Vai diễn thầy Nghêu của nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải đã thành công đến mức, sau khi rời sân khấu, đến nay vẫn chưa có nghệ sĩ nào có thể vào vai này hay bằng ông.

Gìn giữ vốn xưa

Qua nhiều lần tiếp xúc với nghệ sĩ Nguyễn Tứ Hải, chúng tôi thấy ở ông niềm say mê với công việc gìn giữ vốn NTTT của ông cha để lại. Sau khi rời nghiệp diễn viên, ông lại bắt tay vào công việc chỉnh biên, cải biên các vở tuồng như: Quan Công phục Huê Dung lục, Tam anh chiến Lữ Bố, Triệu Đình Long cứu chúa, Thánh Gióng, Vua Hùng kén rể, Thanh gươm hát bội, Xứ Trầm dậy lửa Cần Vương… Với vai trò của một người làm công tác quản lý Nhà hát NTTT tỉnh, ông thường xuyên tham gia công việc dàn dựng, phục dựng các vở diễn, các trích đoạn của nghệ thuật tuồng và kịch hát dân ca. Cùng với đó là công tác bồi dưỡng kỹ năng biểu diễn cho các diễn viên trong nhà hát. Xuất thân từ nghiệp diễn, nên sự hướng dẫn của ông luôn giúp cho các diễn viên tiếp nhận một cách hiệu quả. Niềm đam mê với NTTT luôn khiến ông phải nghĩ, phải làm được nhiều điều có ích góp phần vào việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật chứa đựng bản sắc dân tộc. Hiện tại, ông còn tham gia việc truyền dạy NTTT tại Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang; làm chương trình nói về cái hay cái đẹp của NTTT trên Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa. Vào mùa lễ cúng lăng, cúng đình của các làng trên địa bàn tỉnh, ông lại có những chuyến điền dã để ghi chép, tìm hiểu về tục lệ, về phương thức biểu diễn hát lăng, hát đình. Từ những chuyến đi đó, ông đã tìm ra được nhiều tư liệu quý, phục vụ cho các bài viết, những công trình nghiên cứu của mình về NTTT ở Khánh Hòa. “Tôi khởi nghiệp bằng NTTT nên lẽ đương nhiên phải biết quý trọng và gìn giữ nó. Chỉ mong sao, thế hệ sau sẽ biết đến và trân trọng những vốn văn hóa truyền thống của dân tộc, của quê hương”.

GIANG ĐÌNH

Nhà biên kịch Nguyễn Sĩ Chức: Anh Tứ Hải thôi diễn, coi như vai thầy Nghêu và vở Nghêu - Sò - Ốc - Hến không còn được kế tục. Và sân khấu tuồng Việt Nam lại bị thêm một lỗ hổng.