08:06, 28/06/2012

Thêm hiểu hơn về đức hy sinh của người chiến sĩ

Một câu chuyện đơn giản nhưng cảm động, bởi ẩn chứa đằng sau đó là đức hy sinh của những người chiến sĩ giải phóng quân trong kháng chiến chống Mỹ.

 Một câu chuyện đơn giản nhưng cảm động, bởi ẩn chứa đằng sau đó là đức hy sinh của những người chiến sĩ giải phóng quân trong kháng chiến chống Mỹ. Bằng lối kể chuyện đơn giản, nhà văn Mai Văn Trọng - hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa đã gửi tới độc giả truyện dài “Chuyện một người lính” vừa được xuất bản.

. Câu chuyện cảm động về đức hy sinh


Nhà văn Mai Văn Trọng
Nhà văn Mai Văn Trọng

 

Chuyện một người lính được bắt đầu bằng hình ảnh người lính tên Bang một mình ở lại trong rừng sâu để canh giữ kho gạo - vốn bị bỏ quên sau khi đứt đường dây liên lạc với đơn vị. Những người lính còn sót lại đã quyết định tìm cách móc nối với đơn vị và cử Bang ở lại chờ ngày đơn vị cử người đến tiếp quản. Giữa rừng sâu, đêm ngày Bang phải đối mặt với bao hiểm nguy, hơn cả vẫn là nỗi cô đơn vì thiếu tiếng người khiến trong lòng người chiến sĩ trẻ có lúc cảm thấy hoang mang. Bằng bản lĩnh của một người lính, Bang đã tự khắc phục hoàn cảnh để duy trì cuộc sống của bản thân và thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kho gạo một cách an toàn, vẹn nguyên, chờ ngày bàn giao cho đơn vị. Hàng loạt công việc được anh thực hiện đều đặn hàng ngày, từ việc phát quang khu vực xung quanh kho gạo, đánh mối, bẫy chuột, dựng cột chống đỡ mái kho… đến việc dự trữ thực phẩm cho cuộc sống sinh hoạt của bản thân, ứng phó kịp thời với những tình huống xấu xảy ra khi có thú rừng hay biệt kích và cả những cơn sốt rét ác tính. Anh cũng tự làm vui cuộc sống của mình bằng những giò lan rừng được treo quanh kho, kết bạn với những thú rừng hiền lành.

Tuy đã cố gắng tạo cho mình sự bận rộn bởi công việc, nhưng mỗi khi chiều về, lúc đêm buông xuống, lòng Bang vẫn thấy gợn lên những nỗi niềm riêng. Anh nghĩ về đồng đội với biết bao điều lo lắng; nhớ về gia đình, quê hương, về người con gái mà anh thương thầm. Hơn 4 mùa mưa đi qua, một mình Bang trong rừng sâu âm thầm, lặng lẽ với nhiệm vụ trông coi kho gạo và anh đã vượt qua tất cả những hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ. Để khi người của đơn vị đến đều không khỏi khâm phục trước đức hy sinh, lòng tận trung của anh. “Chàng Robinson” giữa rừng già ấy đã được đồng đội đề nghị phong tặng huân chương chiến công, nhưng Bang chỉ yêu cầu được tiếp tục tham gia đánh giặc. Đức hy sinh của người lính được đẩy lên khi Bang hay tin mình bị báo tử nhầm. Và anh đã quyết định sau khi chiến tranh kết thúc sẽ trở lại vùng rừng núi miền Tây này để tiếp tục làm những phần việc đã dự định.

. Hành văn đơn giản


Bìa truyện dài
Bìa truyện dài "Chuyện một người lính"

 

Đã từng được độc giả biết tới qua các tiểu thuyết Gió bụi đường đời, Năm tháng đợi chờ, Lời thề độc lập, nhà văn Mai Văn Trọng bắt tay vào thực hiện truyện dài Chuyện một người lính với mong muốn sẽ góp phần giới thiệu đến đông đảo độc giả những phẩm chất tốt đẹp của người chiến sĩ. Và ông đã đạt được điều đó. Với kết cấu của một truyện dài, ông đã sử dụng một lát cắt ngang câu chuyện của một người lính có phần mở đầu và kết thúc khá hoàn chỉnh, cũng như đem lại sự xúc động cho độc giả.

Tuy nhiên, lối hành văn trong tác phẩm còn khá đơn giản. Tác giả chỉ làm vai trò của một người kể chuyện bình thường mà chưa tạo được những điểm nhấn, những tình huống gay cấn, hấp dẫn người đọc. Có rất nhiều tình huống có thể tạo nên tính ly kỳ cho tác phẩm như những lần Bang chống chọi lại với thú rừng, với bệnh tật… nhưng cách xử lý của nhà văn ở những tình huống ấy lại tỏ ra thiếu sinh động. Để tạo nên tính toàn vẹn cho câu chuyện, nhà văn đã cố sử dụng yếu tố tâm linh khi kể về giấc mộng của Bang, nhưng qua cách miêu tả giấc mơ đó, độc giả lại thấy thực quá, làm mất đi tính huyền ảo. Mặt khác, mạch chuyện được kể theo trình tự thời gian, nhưng lời văn quá bình lặng đã tạo nên cảm giác đơn điệu, nhiều đoạn còn tỏ ra gượng ép. Yếu tố tâm lý nhân vật cũng chưa được nhà văn đầu tư, nếu không muốn nói là chưa được thể hiện rõ. Người đọc chưa thể vui, buồn, đồng cảm được cùng với nhân vật. Nếu chịu khó chăm chút hơn, trong tác phẩm này, nhiều đoạn có thể lấy được nước mắt của độc giả.

Chuyện một người lính giúp chúng ta hiểu hơn, yêu hơn hình ảnh anh giải phóng quân Việt Nam.

NHÂN TÂM