10:06, 09/06/2012

Nghệ thuật đương đại cần đi lên từ di sản của ông cha

Để xây dựng được một nền nghệ thuật đương đại phát triển vững chắc và có dấu ấn trong lòng công chúng, chỉ có thể đi lên từ di sản văn hóa, nghệ thuật của ông cha để lại...

Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân dịp trại sáng tác âm nhạc 2012 được tổ chức tại TP. Nha Trang, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định: Để xây dựng được một nền nghệ thuật đương đại phát triển vững chắc và có dấu ấn trong lòng công chúng, chỉ có thể đi lên từ di sản văn hóa, nghệ thuật của ông cha để lại.

- Thưa nhạc sĩ, với tư cách là người đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam , xin nhạc sĩ cho biết âm nhạc nước nhà đang đi theo những hướng nào? Và đâu là dòng chảy chính?

- Nền âm nhạc Việt Nam từ khi được hình thành và phát triển luôn có 3 dòng chảy song song. Đó là dòng chính thống hàn lâm bác học (như hợp xướng, giao hưởng, nhạc kịch, các ca khúc nghệ thuật, hòa tấu dàn nhạc dân tộc…); dòng dân gian dân tộc (dân ca, dân nhạc các dân tộc, các ca khúc mang âm hưởng dân ca, các bản nhạc cho nhạc cụ dân tộc…) và dòng ca nhạc phổ thông, hay còn gọi là dòng nhạc nhẹ, nhạc thịnh hành, nhạc pop, chủ yếu là ca khúc. Trong 3 dòng âm nhạc kể trên, dòng chính thống với những giá trị truyền thống, giá trị tư tưởng và nghệ thuật vẫn là mạch nguồn chính trong đời sống âm nhạc Việt Nam .

- Một nền âm nhạc phát triển phải được thể hiện qua âm nhạc hàn lâm, bác học. Nhưng dường như âm nhạc nước ta đang thiếu điều này. Nhạc sĩ có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Thước đo sự phát triển của nền âm nhạc của một đất nước phải dựa vào các tác phẩm thuộc dòng chính thống. Hiện nay, dòng âm nhạc này ở nước ta, cũng như dòng âm nhạc dân tộc, đang bị dòng nhạc nhẹ lấn át, đôi lúc đôi nơi còn bị lu mờ, không có cơ hội để biểu lộ, phát huy. Nguyên nhân có nhiều, nhưng những nguyên nhân chính là sự thiếu hài hòa, cân đối trong việc phát triển các loại hình âm nhạc; chưa có sự đầu tư thích đáng vào loại hình kinh điển bác học; việc tuyên truyền, quảng bá cho dòng âm nhạc chính thống còn yếu, quá nghiêng về dòng âm nhạc giải trí đơn thuần; chưa xây dựng được nhiều đối tượng công chúng khác nhau, để họ sẵn sàng thưởng thức các loại hình âm nhạc khác nhau. Cuối cùng là việc đầu tư cơ sở vật chất còn thiếu và yếu, ít có những nhà hát, phòng hòa nhạc đạt tiêu chuẩn, ít các dàn nhạc giao hưởng, nhà hát opera để có thể dàn dựng những tác phẩm lớn của Việt Nam và thế giới... 

- Lâu nay, đối với tác phẩm thanh nhạc, vẫn diễn ra tình trạng  tác phẩm được công chúng yêu thích lại không nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn. Và ngược lại, ca khúc được các hội đồng nghệ thuật đánh giá cao và trao giải thưởng lại thiếu sức sống trong công chúng. Nhạc sĩ có thể lý giải thế nào về mâu thuẫn này, và chúng ta phải làm gì để thu hẹp khoảng cách giữa hai thái cực đó?

- Công chúng là đối tượng quan trọng để đánh giá, thẩm định tác phẩm âm nhạc. Nhưng công chúng cũng cần có hướng dẫn, được trang bị những kiến thức về nghệ thuật, âm nhạc mới có thể đi sâu vào các loại hình khác nhau. Việc xảy ra ý kiến trái chiều giữa công chúng với nhà chuyên môn là hiện tượng thường gặp và  không có gì khó hiểu. Có thể thấy, những bài hát được đưa tới công chúng thường do ca sĩ chọn. Và họ thường chọn những bài hợp với sở trường bản thân, để có thể gửi gắm tình cảm và đồng cảm với tác giả, từ đó nâng hiệu quả bài hát lên. Các chương trình ca nhạc, biểu diễn trong rạp hoặc đưa lên truyền hình, phát thanh là do các ông bầu, các biên tập viên tuyển chọn; họ có xu hướng chọn các ca sĩ nổi tiếng, các “sao”. Điều đó dần dần sẽ hình thành một loại sản phẩm quen thuộc mà khán giả chỉ xem, chỉ nghe duy nhất loại hình ca nhạc đó thôi, các loại hình khác không được chú ý nhiều. Ngoài ra, với các tác phẩm âm nhạc tốt, có tính sáng tạo, có chủ đề tư tưởng và hiệu quả nghệ thuật, các ca sĩ lại ít mặn mà, vì họ ngại tập, ngại diễn, phần khác còn do tâm lý hát các bài thuộc dòng chính thống thì ít người nghe, người xem. Do vậy, cơ hội phổ biến tác phẩm mới càng ít đi.

Theo tôi, nên có sự hợp tác giữa những nhà sản xuất chương trình ca nhạc với các đài phát thanh, truyền hình, cùng các nhà chuyên môn, mà ở đây là Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các chi hội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước để phối hợp hài hòa các thể loại âm nhạc, cung cấp cho công chúng bức tranh âm nhạc nhiều màu sắc, hương vị.

- Nhạc sĩ đánh giá thế nào về đóng góp của các nhạc sĩ ở Khánh Hòa? Theo nhạc sĩ, các nhạc sĩ ở Khánh Hòa còn thiếu điều gì và cần làm gì để bứt lên?

- Khánh Hòa có một đội ngũ nhạc sĩ sáng tác, lý luận, sư phạm âm nhạc tương đối đầy đủ so với một số địa phương khác. Các nhạc sĩ lớp trước đã có nhiều đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhất là trong thời kỳ kháng chiến cứu nước. Hiện nay, Chi hội Nhạc sĩ Khánh Hòa là một chi hội mạnh ở khu vực miền Trung. Các nhạc sĩ có thế mạnh trong sáng tác, biểu diễn (cả nhạc mới và nhạc dân tộc). Nha Trang, Khánh Hòa còn là miền đất du lịch nên việc giao lưu văn hóa, trong đó có âm nhạc, đặc biệt có lợi thế. Theo tôi, Khánh Hòa nên xây dựng 1 dàn nhạc dân tộc, 1 nhà hát âm nhạc để biểu diễn các đặc sản về ca, nhạc, múa của các dân tộc trong tỉnh. Chỉ đi lên từ di sản của ông cha thì nền nghệ thuật đương đại mới phát triển vững chắc và có dấu ấn trong lòng công chúng.

- Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

NHÂN TÂM (thực hiện)