02:06, 09/06/2012

Còn nhiều khó khăn

Hiện nay, một trong những sự quan tâm đầu tư cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật chính là việc tổ chức các trại sáng tác để văn nghệ sĩ có thời gian, không gian...

Hiện nay, một trong những sự quan tâm đầu tư cho hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) chính là việc tổ chức các trại sáng tác để văn nghệ sĩ có thời gian, không gian và điều kiện thâm nhập thực tế, “thai nghén” nên những đứa con tinh thần của mình. Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường hiện nay, hình thức trại sáng tác dưới dạng bao cấp có còn hiệu quả là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra.

Những tác phẩm được ra đời từ trại sáng tác kịch bản sân khấu 2011 tại Nhà Sáng tác Nha Trang.
Những tác phẩm được ra đời từ trại sáng tác kịch bản sân khấu 2011 tại Nhà Sáng tác Nha Trang.

Dự trại không phải đi chơi

Mô hình trại sáng tác VHNT ở nước ta bắt đầu hình thành từ năm 1979. Hơn 3 thập kỷ đi qua, từ các trại sáng tác đã sản sinh ra nhiều tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật cao và được công chúng đón nhận. Cùng với Đại Lải, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu)… Nhà Sáng tác Nha Trang thường xuyên đón văn nghệ sĩ trong toàn quốc về dự các trại sáng tác tổng hợp hoặc chuyên ngành. Qua thực tế nhiều lần tiếp xúc với các trại sáng tác, chúng tôi thấy được không khí làm việc nghiêm túc của các văn nghệ sĩ. Cơ chế xét chọn hội viên dự trại căn cứ vào thực tiễn sáng tạo của mỗi người đã thể hiện tính hiệu quả của trại. Mỗi người khi muốn tham dự trại sáng tác đều phải có đề cương, bản thảo cụ thể gửi đến ban tổ chức (BTC). Trên cơ sở những sản phẩm thô đó, BTC xem xét nội dung, nếu phù hợp với tiêu chí của trại thì mới chính thức mời tác giả tham dự trại. “Càng ngày, số lượng hội viên càng tăng, chính vì vậy việc chọn ai đi dự trại sáng tác nào để mang lại hiệu quả luôn được lãnh đạo Hội quan tâm. Việc mở các trại sáng tác là để khuyến khích hội viên tích cực sáng tạo, cho ra đời những “đứa con tinh thần” hay, có ích cho xã hội. Tuy nhiên, để tránh tâm lý dự trại là để cho vui, xem thời gian diễn ra trại là một kỳ nghỉ dưỡng, chúng tôi yêu cầu các hội viên chỉ gửi lên BTC bản thảo đề cương, còn việc triển khai cụ thể đề cương đó thành một kịch bản hoàn chỉnh như thế nào phải được thực hiện tại trại sáng tác”, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết.

Không chỉ yêu cầu các tác giả phải thực sự lao động trong thời gian diễn ra trại sáng tác, mấy năm nay, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn tổ chức cho các tác giả dự trại đọc và góp ý cho từng tác phẩm cụ thể của các trại viên, từ đó mỗi người có thể rút ra được những thiếu sót để hoàn chỉnh tác phẩm của mình. Còn Hội Nhạc sĩ Việt Nam lại đưa ra những chủ đề nhất định cho từng trại sáng tác với những loại hình âm nhạc khác nhau để mỗi hội viên dự trại phải thực sự chú tâm vào công việc sáng tác. “Việc nâng cao chất lượng các trại sáng tác là điều cần thiết, nhất là trong khi dư luận đang tỏ ra hoài nghi về hiệu quả của các trại sáng tác thì chúng ta càng phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề này. Việc các Hội VHNT đặt ra những yêu cầu riêng cho các trại sáng tác, theo tôi đó cũng vì mục đích để các trại sáng tác thực sự diễn ra đúng với tôn chỉ, ý nghĩa ban đầu của nó”, nhạc sĩ Vũ Duy Cương - Chánh Văn phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ.

Con đường từ trại sáng tác đến công chúng: không dễ

Hiệu quả của một trại sáng tác được đánh giá bằng những tác phẩm, nhưng chất lượng của những tác phẩm đó như thế nào thì cần có thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng của các tác phẩm VHNT vẫn là để phục vụ công chúng. Chính vì vậy, làm gì để đưa những sáng tác từ các trại sáng tác đến gần hơn với đối tượng thưởng thức là việc cần được quan tâm. Đến bây giờ, mỗi lần xem các tạp chí văn học, một vở diễn, hay nghe một bản nhạc nào đó… có đề thêm dòng chữ “tác phẩm được sáng tác tại trại sáng tác… năm…”, chúng tôi vẫn có cảm giác tò mò riêng. Những lúc đó, giá trị của các trại sáng tác như càng được khẳng định. Tuy nhiên, có một thực tế là những điều như thế đang trở nên thưa vắng và nhiều người đặt câu hỏi: Trong cơ chế thị trường hiện nay, các văn nghệ sĩ được đặt hàng để thực hiện các sáng tác của mình, vậy liệu mô hình trại sáng tác có còn hiệu quả, hay đó chỉ là một biểu hiện của thời bao cấp? “Theo tôi, đến thời điểm hiện tại, mô hình trại sáng tác vẫn đang thể hiện được vai trò của nó. Đó là sự quan tâm, khuyến khích khả năng lao động nghệ thuật của mỗi văn nghệ sĩ. Từ góc nhìn định hướng thẩm mỹ, các sáng tác ra đời từ những trại viết luôn thể hiện đậm nét chủ đề tư tưởng, giá trị nghệ thuật cao”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, để những sáng tác ở các trại viết đến gần hơn với công chúng thì sau mỗi trại sáng tác, các Hội VHNT cần có những việc làm thiết thực để dàn dựng, công diễn, giới thiệu, phát hành… đến độc giả.

Có thể thấy, công tác hậu trại sáng tác chính là một phần quan trọng giúp tác phẩm sớm đi vào đời sống. Để làm được điều này không dễ, bởi với một số chuyên ngành như văn học, nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, việc công bố tác phẩm có phần thuận lợi; nhưng với các ngành như sân khấu, múa thì điều đó không đơn giản bởi nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. “Bằng những nỗ lực của mình, thời gian qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã cố gắng liên hệ với các nhà hát, các đài truyền hình để dàn dựng các kịch bản ra đời từ trại sáng tác, nhưng thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn”, Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ cho biết.

Thực tiễn cho thấy mô hình trại sáng tác vẫn có những đóng góp tích cực đối với sự phát triển của VHNT. Tuy nhiên, để các trại sáng tác phát huy hiệu quả, các tác phẩm thực sự đi vào cuộc sống thì bên cạnh sự nỗ lực của các văn nghệ sĩ, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành, đặc biệt là các nhà lãnh đạo Hội VHNT các cấp.

NHÂN TÂM