08:06, 28/06/2012

Khai thác thực tế dưới nhiều góc độ khác nhau

Tuy khó tạo ra sự hấp dẫn đối với bạn đọc nhưng những năm gần đây, bút ký văn học vẫn là thể loại được không ít người cầm bút ở Khánh Hòa quan tâm, qua đó phản ánh nhiều vấn đề, nhiều góc độ của cuộc sống sôi động đang diễn ra.

Tuy khó tạo ra sự hấp dẫn đối với bạn đọc nhưng những năm gần đây, bút ký văn học vẫn là thể loại được không ít người cầm bút ở Khánh Hòa quan tâm, qua đó phản ánh nhiều vấn đề, nhiều góc độ của cuộc sống sôi động đang diễn ra. Nhà báo Nguyễn Mạnh Thường là một trong số những cây bút gắn bó với thể loại này. Sau 2 tập bút ký “Ký sự một vùng quê” (Nhà xuất bản - NXB - Lao Động - 2000), “Đi giữa màu xanh” (NXB Hội Nhà văn - 2007), vừa qua, anh đã ra mắt bạn đọc tập bút ký mới với tên gọi “Huyền thoại một vùng đất” (NXB Hội Nhà văn - 2012).

. Thực tế sống động

Nét nổi bật trong cuốn sách này của Nguyễn Mạnh Thường là sự khai thác thực tế dưới nhiều góc độ khác nhau về tiềm năng và hướng phát triển kinh tế - xã hội ở một số vùng đất thuộc khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung bộ. Đó là hình ảnh của Chư Prông - mảnh đất nằm tận biên giới phía Tây của Tổ quốc, vùng đất đầy bom mìn và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, sau 30 năm đã trở thành nơi tràn trề sức sống với “những con đường nhựa phẳng lì, hai bên là những ngôi nhà cao tầng, nhà mái bằng, cửa hàng, cửa hiệu tấp nập kẻ mua người bán, từng tốp trẻ em sau giờ tan trường, khăn quàng đỏ thắm trên vai, tay nắm tay ríu rít như bầy chim nhỏ…; những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt đang tuôn dòng sữa trắng ngần cùng những lô cà phê đang mùa chín đỏ làm hồng thêm những đôi má của các cô gái Ja Rai…” (Huyền thoại Chư Prông). Đó là sự thay da đổi thịt của vùng đất như An Khê với những cánh đồng mía mênh mông, trải dài giúp cho bao gia đình có cuộc sống no đủ (Mía ngọt An Khê), là những buôn làng ở Khánh Sơn với những vườn cây ăn trái sum suê (Màu xanh Khánh Sơn), là những ngọn đồi thuộc vùng núi Voi của Đức Trọng - Lâm Đồng với giống cam Cara cara đang mùa sai quả (Gặp người bỏ phố lên rừng)…


 

Ngoài việc phản ánh sự đổi thay của những vùng đất mới, mảng đề tài thứ hai được Nguyễn Mạnh Thường tập trung giới thiệu trong Huyền thoại một vùng đất là sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các tập thể, cá nhân trong quá trình lao động, xây dựng ở các xí nghiệp, các công trường, nông trường để làm giàu cho đơn vị, làm giàu cho xã hội. Trong bút ký Chư Păh đất ấm tình người, bên cạnh một tập thể cán bộ công nhân cao su luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, chúng ta bắt gặp những con người rất cụ thể, trong đó cô gái có tên Rơ Châm H’ler là một ví dụ. Từ chỗ ít hiểu biết, nghèo khó, thiếu thốn trăm bề, người phụ nữ dân tộc thiểu số Rơ Châm H’ler đã vươn lên, rồi khi trở thành công nhân của Tập đoàn Công nghiệp cao su, chị đã cùng gia đình vừa học hỏi vừa miệt mài lao động, tạo dựng được một cơ ngơi bề thế. Chị đã trở thành đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII tại Hà Nội và là niềm tự hào của bà con ở các buôn làng. Rất nhiều tập thể, cá nhân khá điển hình mà người đọc có thể tìm thấy trong tác phẩm của Nguyễn Mạnh Thường. Đó là tập thể cán bộ công nhân viên của một đơn vị kinh tế mang tên Tổng Công ty Khánh Việt từng được phong danh hiệu Anh hùng Lao động (Sức trẻ Khatoco); là những con người không ngại nắng gió, vượt thời gian để hoàn thành các công trình như hồ chứa nước Hoa Sơn (Khát vọng Hoa Sơn), hồ chứa nước Tiên Du (Tiên Du - Hồ trên núi)…

. Đa dạng về bút pháp

Làm nghề báo, đi nhiều, tiếp xúc nhiều, đó là lý do dễ hiểu vì sao trong sáng tác, Nguyễn Mạnh Thường luôn đầy ắp những tư liệu mới. Nhưng từ nguồn tư liệu có được, để tạo ra một tác phẩm ký có chất văn học, hấp dẫn người xem là việc làm không dễ. Lại càng không dễ nếu đó là những tác phẩm ngợi ca về những nhân tố tích cực. Tuy nhiên, qua Huyền thoại một vùng đất, người đọc có thể nhận thấy Nguyễn Mạnh Thường đã vượt qua được những khó khăn ấy vì khi giới thiệu những nguồn tư liệu, những sự việc có thật trong hiện thực cuộc sống, tác giả đã khéo kết hợp, lồng ghép hài hòa các thủ pháp nghệ thuật nhằm tạo ra sự lôi cuốn đối với người đọc. Có khi trong cùng một bút ký nhưng có đoạn tác giả thông qua lối miêu tả, diễn đạt cảm xúc của mình, nhưng ở một đoạn khác lại diễn đạt bằng lối văn tự sự do chính những nhân vật có liên quan kể lại, hoặc có đoạn lại thông qua một cuộc trò chuyện, trao đổi hay phỏng vấn giữa tác giả và nhân vật. Chính sự kết hợp đa dạng trên làm cho tác phẩm bút ký của Nguyễn Mạnh Thường không sa vào sự đơn điệu.

Huyền thoại một vùng đất có 10 bút ký, trong đó gần 2/3 viết về Tây Nguyên và một số địa bàn miền núi thuộc các tỉnh Nam miền Trung - những địa bàn mà Nguyễn Mạnh Thường khá am tường trong nhiều năm làm báo. Đây là yếu tố thuận lợi giúp cho tác giả trong cách làm cho tác phẩm luôn sống động, cuốn hút người đọc không chỉ ở chỗ nêu lên phong tục tập quán, truyền thống văn hóa đa dạng mà cả ở trong ngôn ngữ, cách nghĩ, cách làm của bà con các dân tộc thiểu số… Điều này tạo cho tác phẩm của Nguyễn Mạnh Thường có thêm chiều sâu mà không phải người viết nào cũng có điều kiện.

Đã qua tuổi 50, nhà báo Nguyễn Mạnh Thường hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và theo anh, ký là thể tài văn học mà anh thích và anh sẽ theo nó suốt chặng đường sáng tác của mình. Anh cũng cho biết, sau Huyền thoại một vùng đất, anh đang có kế hoạch xuất bản một cuốn sách mới, và tất nhiên đề tài mà anh đang tập trung đó là vùng đất miền Trung và Tây Nguyên.

LAN ANH