06:06, 27/06/2012

Nội chiến “anh em nhà Iberia”

Rạng sáng mai, 2 “anh em” trên bán đảo Iberia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ phải cạnh tranh nhau một suất vào chung kết. Ở thời điểm này, ....

Rạng sáng mai, 2 “anh em” trên bán đảo Iberia là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha sẽ phải cạnh tranh nhau một suất vào chung kết. Ở thời điểm này, Tây Ban Nha đang là đương kim vô địch cả châu Âu (Euro 2008) và thế giới (World Cup 2010), nhưng nếu tính về kết quả gần đây nhất thì Bồ Đào Nha mới là đội có thành tích tốt hơn khi thắng Tây Ban Nha đến 4-0 ở một trận giao hữu với sự chói sáng của Ronaldo. Tuy nhiên, đó chỉ là kết quả không mấy ý nghĩa vì chỉ có những trận đấu mang tính chất quan trọng như thế này mới thể hiện được bản lĩnh và ý chí của từng đội.

Cho đến giờ phút này, Tây Ban Nha vẫn là ứng cử viên cho chức vô địch. Họ vượt qua vòng bảng một cách ung dung trước khi hạ gục Pháp với tỷ số 2-0 đầy thuyết phục ở tứ kết. Tây Ban Nha vẫn là đội bóng có khả năng khống chế toàn diện về mặt thế trận. Họ kiểm soát bóng vượt trội và mỗi khi mất bóng là triển khai đoạt bóng ngay lập tức. Muốn chơi như vậy, ngoài thể lực dồi dào, các cầu thủ phải có kỹ thuật cá nhân tốt và phải cảm nhận được vị trí trên sân. Đó là điều mà không ai có thể bắt chước họ. Tuy nhiên, khi gặp những đội bóng đẳng cấp, để lối chơi ấy hiệu quả thì họ buộc phải tăng tiền vệ trên sân. Đó chính là lý do tại sao ở trận gặp Ý và Pháp, Tây Ban Nha đều chơi với đội hình 4-6-0. Không có tiền đạo không có nghĩa họ không ghi bàn, mà đó sẽ là bất ngờ dành cho đối phương vì 6 tiền vệ phối hợp di chuyển có thể bất chợt trở thành tiền đạo khi tăng tốc. Chiến thuât lạ lùng này giống như kiểu thế trận trong các truyện Tàu. Và điều đó ít nhiều khiến các đối thủ lúng túng không biết khắc chế ra sao. Rõ ràng, Pháp không phải đội bóng yếu nhưng vì bất ngờ, họ hoàn toàn bất lực trong 90 phút để tìm ra cách hóa giải lối chơi ma quái của Tây Ban Nha.

Trong khi đó, Bồ Đào Nha đi đến tứ kết lại không dễ dàng. Ở vòng đấu bảng tử thần, Bồ Đào Nha may mắn vượt qua Đan Mạch. Đó là trận chiến thắng then chốt. Lối chơi của Bồ Đào Nha phụ thuộc quá nhiều vào Ronaldo nên nếu anh chơi hay thì cả đội có kết quả tốt và ngược lại. Nhưng có một điều không thể phủ nhận là Bồ Đào Nha có hàng thủ cũng tương đối vững vàng dưới sự chỉ huy của “đồ tể” Pepe. Ở trận gặp Czech, sự chói sáng của Ronaldo đã giúp họ vào đến bán kết. Tuy nhiên, Czech ở thời điểm này là một đội bóng không mạnh nên chiến thắng của Bồ Đào Nha chưa chứng tỏ gì nhiều.

Nếu so sánh lối chơi của 2 đội, có thể thấy Tây Ban Nha sẽ khó triển khai lối chơi tiqui taca như đã từng thể hiện trước tuyển Pháp vì các cầu thủ Bồ Đào Nha chơi áp sát khá quyết liệt. Nếu tiếp tục chơi với chiến thuật 4-6-0, Tây Ban Nha có thể vẫn sẽ cầm bóng nhiều nhưng sẽ chẳng có nhiều cơ hội để xuyên thủng mành lưới của đối thủ vì hàng thủ Bồ Đào Nha sẽ chơi tập trung dưới sự chỉ huy của Pepe. Trong khi đó, Ronaldo chỉ có thể phát huy năng lực của mình nếu có 2 điều kiện. Một là có nhiều khoảng trống, hai là có hàng tiền vệ làm bóng tốt. Ở đội tuyển, Bồ Đào Nha không mạnh về tuyến tiền vệ nên để Ronaldo chơi tốt thì Bồ Đào Nha phải chơi phòng thủ, phản công để lợi dụng tốc độ và khả năng di chuyển của Ronaldo. Tuy nhiên, có một vấn đề là các cầu thủ Tây Ban Nha, nhất là đồng đội của Ronaldo ở Real đã quá hiểu nên khả năng Ronaldo “tắt điện” là rất lớn. Do đó, trong trận đấu này, nếu Bồ Đào Nha không có chiến thuật thi đấu khôn khéo thì khả năng bị đối phương khống chế và “kết liễu” là rất cao. Rất có thể trận đấu sẽ được quyết định bởi sự đột biến của các ngôi sao.

THANH TÙNG