10:05, 19/05/2012

Đi tìm tiếng cười đúng nghĩa

Để chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần thứ 2 (diễn ra vào đầu năm 2013) và định hướng cho hoạt động của sân khấu hài, vừa qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu hài 2012 tại TP. Nha Trang.

Để chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần thứ 2 (diễn ra vào đầu năm 2013) và định hướng cho hoạt động của sân khấu hài, vừa qua, Hội Nghệ sĩ sân khấu (NSSK) Việt Nam đã tổ chức trại sáng tác kịch bản sân khấu hài 2012 tại TP. Nha Trang. Qua trại viết này, những người trong nghề, các nhà quản lý đều hy vọng sẽ tạo được những bước đi đầu tiên trên con đường đi tìm tiếng cười đúng nghĩa cho sân khấu hài Việt Nam.

Theo nhận định của nghệ sĩ Văn Sử - Phó Ban Sáng tác Hội NSSK Việt Nam: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc lạc quan và yêu đời. Điều đó được thể hiện ngay trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống đều in dấu tiếng cười lạc quan đó. Trong cuộc sống hôm nay, dù người dân không còn mặn mà với sân khấu, họ vẫn thích xem hài. Tuy nhiên, già nửa thế kỷ qua, nền kịch nước ta gần như không có những tác phẩm hài kịch”. Lâu nay, trên truyền hình, trong các nhà hát, công chúng vẫn được xem chương trình hài với những tiểu phẩm mang tính chất mua vui mà thiếu đi tiếng cười mang chất hài đúng nghĩa. Vậy tiếng cười đúng nghĩa đó là như thế nào? Đó là tiếng cười phê phán, mổ xẻ xã hội với những hiện trạng bất cập, sai trái bằng phương pháp hài kịch. Bước đi đầu tiên trên hành trình tìm tiếng cười đúng nghĩa đó không gì khác chính là kịch bản sân khấu hài. Trại sáng tác ở TP. Nha Trang (diễn ra từ ngày 2 đến 16-5) có thể xem là bước chuẩn bị đầu tiên về nguồn kịch bản cho sân khấu hài.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ (bìa phải) trao tặng tập kịch bản sân khấu hài 2012 cho đại diện Nhà Sáng tác Nha Trang.

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ (bìa phải) trao tặng tập kịch bản sân khấu hài 2012 cho đại diện Nhà Sáng tác Nha Trang.

Từ 40 kịch bản và chùm kịch bản được các tác giả gửi về dự trại, Ban tổ chức trại sáng tác đã chọn được 15 kịch bản có chất lượng và phù hợp với yêu cầu của trại viết. Sau nửa tháng diễn ra trại viết, các tác giả đã hoàn thành và giao nộp cho Ban tổ chức 13 kịch bản, chùm kịch bản ngắn. Mỗi tác giả có một bút pháp riêng, nhưng nhìn chung, các kịch bản đều mang được âm hưởng phê phán, mổ xẻ những thực trạng tiêu cực, bảo thủ, lạc hậu, ấu trĩ, những tệ nạn trong đời sống xã hội. Chẳng hạn, tác giả Phạm Dũng hóm hỉnh với câu chuyện “mèo mả gà đồng” trong Ngoại tình bị lộ của những ông, những bà “chán cơm thèm phở”. Tuy được xem là dân ngoại đạo trong lĩnh vực viết kịch bản sân khấu nhưng đạo diễn Đỗ Minh Tuấn cũng góp mặt với tiếng cười chua sâu vào những thói hư, tật xấu của con người qua kịch bản Nghệ thuật chổng mông. Tác giả Nguyễn Hiếu lại đánh vào sự ấu trĩ, bảo thủ của một lớp người hợm mình với Con người là thế nào? Còn tác giả Vũ Xuân Cải lại xoáy sâu vào sự lạc hậu, lòng tham trong Cưới chạy tang. Trong khi đó, kịch bản Nói dối thành thật của tác giả Phạm Văn Quý với tiếng cười nhẹ nhàng, nhưng cũng chứa đựng nhiều thông điệp khiến mọi người phải suy nghĩ. Cưới hoa hậu của nữ tác giả Bích Ngân là tiếng cười trào lộng vào thói phô trương, khoe khoang của lớp người trọc phú thời hiện đại. Như một cái tát vào thói đạo đức giả, tham lam của con người, tác giả Trần Kim Khôi viết kịch bản Đạo đức giả và ba bà bầu với tiếng cười mỉa mai, châm biếm… Ngoài ra, trại sáng tác còn có 4 chùm kịch ngắn hài của các tác giả: Xuân Đức, Ngọc Thụ, Phạm Văn Quý, Đỗ Minh Tuấn. Nhìn chung, tiếng cười trong các kịch bản có khi nhẹ nhàng châm biếm, khi đả kích gay gắt, lúc nhân ái, độ lượng…, nhưng đều toát lên được tính tích cực của tiếng cười phê phán.

Để những kịch bản của các tác giả được hoàn thiện, Ban tổ chức trại viết đã thực hiện việc đọc và nghe góp ý cho từng kịch bản. Qua những buổi như thế, bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, các tác giả đã giúp nhau phát hiện những chỗ còn chưa tới, những chỗ “quá lửa”, những hạt sạn hay những chi tiết có thể gây phản cảm trong mỗi kịch bản. Từ đó giúp các tác giả nâng cao và hoàn chỉnh tác phẩm của mình.

Dù trại sáng tác này mới chỉ là bước đi đầu tiên nhưng chúng ta có quyền hy vọng vào những vở diễn hài kịch thực thụ sẽ được ra mắt công chúng trong thời gian tới, gần nhất là Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần thứ 2. Những gặt hái từ trại viết này đã tạo cơ sở để Hội NSSK Việt Nam tổ chức thêm một trại viết tương tự tại TP. Vũng Tàu vào tháng 8 tới. Có thể thấy, trại sáng tác kịch bản sân khấu lần này đã hoàn thành được nhiệm vụ tiên phong trên con đường đi tìm tiếng cười đúng nghĩa cho sân khấu hài Việt Nam.

NHÂN TÂM

Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam:

Những kịch bản được sáng tác tại trại viết này là chất xúc tác cho Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc lần thứ 2 và các lần sau. Chúng tôi sẽ chào hàng những kịch bản này đến các nhà hát, các đoàn kịch để nó đi vào cuộc sống, phục vụ nhân dân và làm đúng chức năng của một tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, bên cạnh kịch bản tốt, chúng ta vẫn còn thiếu những đạo diễn giỏi nghề như đạo diễn Doãn Hoàng Giang, đạo diễn Lê Hùng để dàn dựng. Vấn đề này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hướng giải quyết trong thời gian tới để xây dựng nên một nền sân khấu hài đúng hướng, đúng nghĩa.