Vừa bước vào không gian sân Trường Đại học Nha Trang, nhiều bạn sinh viên đã bị thu hút bởi tiếng sáo trúc réo rắt, tiếng đàn guitar nhộn nhịp hay những màn khiêu vũ duyên dáng, uyển chuyển…
Vừa bước vào không gian sân Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT), nhiều bạn sinh viên (SV) đã bị thu hút bởi tiếng sáo trúc réo rắt, tiếng đàn guitar nhộn nhịp hay những màn khiêu vũ duyên dáng, uyển chuyển… Đó là hình ảnh dễ gặp trong những buổi tập luyện và sinh hoạt của thành viên các câu lạc bộ (CLB) văn hóa do Hội SV Trường ĐHNT thành lập. Hội tụ được 3 tiêu chí: của SV, do SV và vì SV, các CLB luôn thu hút đông đảo SV tham gia sinh hoạt thường xuyên.
. Câu lạc bộ “của sinh viên, do sinh viên và vì sinh viên”
Không thu lệ phí và hoàn toàn tự nguyện là hình thức hoạt động chung của các CLB khi được thành lập. Những CLB như: sáo trúc, guitar, khiêu vũ, nhảy, kỹ năng trẻ… thu hút gần 100 SV tham gia sinh hoạt thường xuyên. Các CLB thường tập luyện và sinh hoạt tại hội trường vào các buổi tối trong tuần. Hầu hết ở các CLB, từ học viên đến giáo viên, người hướng dẫn và người quản lý đều là SV. Vì vậy, nhiều bạn SV đã gọi những CLB này là “CLB của SV, do SV và vì SV”.
Có mặt tại buổi tập của CLB sáo trúc, chúng tôi cảm nhận được tinh thần luyện tập say mê của nhóm qua từng bản nhạc được hòa tấu. Trong một không gian nhỏ, mỗi thành viên một cây sáo và họ tạo nên những bản hòa ca lúc nhộn nhịp, réo rắt, lúc trầm bổng. Bạn Văn Thị Hồng Nhung, SV Lớp K52, Khoa Kế toán Tài chính cho biết: “Sáo trúc là loại nhạc cụ dân tộc em rất yêu thích. Âm thanh réo rắt của nó rất dễ đi vào lòng người. Gần 1 năm sinh hoạt tại CLB sáo trúc, được các anh chị SV khóa trước hướng dẫn, chỉ bảo nên em đã biết được một số kỹ thuật cơ bản từ kỹ thuật lưỡi đơn, cách điều khiển hơi bằng cổ, lấy hơi ở bụng đến kỹ thuật nâng cao. Từ chỗ chưa biết gì về sáo trúc, nay em đã biết thổi một số bài quen thuộc như: Ngày mùa, Con kênh xanh xanh, Ngày đầu tiên đi học…”. Được coi là người có kỹ thuật khá “cứng” trong CLB, bạn Nguyễn Ngọc Sĩ, SV năm 2 Khoa Xây dựng, Chủ nhiệm CLB đang hướng dẫn cho các thành viên kỹ thuật thổi sáo 10 lỗ. Những kỹ thuật cơ bản như: đánh lưỡi đơn, kỹ thuật luyến, rung hơi bằng cổ, vuốt ngón, dồn ngón… được Sĩ truyền đạt rất nhiệt tình, bài bản. “Chúng em sinh hoạt ở đây hoàn toàn tự nguyện và không mất khoản học phí hay lệ phí nào. Người dạy, người học đều là SV yêu thích và đam mê nhạc cụ này nên tham gia rất nhiệt tình. Đặc biệt, trong CLB còn có người tự làm sáo trúc phù hợp với khả năng của từng thành viên trong nhóm. Ngoài các buổi sinh hoạt thường xuyên vào tối Thứ ba và Thứ năm, CLB còn có các buổi giao lưu với CLB sáo trúc của các trường khác” - Sĩ cho biết.
Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Sáo trúc (Trường Đại học Nha Trang) |
Với số lượng thành viên tham gia khá đông (khoảng 30 - 40 bạn), CLB guitar cũng thu hút sự quan tâm của nhiều bạn SV. Phần lớn các bạn tham gia CLB từ khi còn là SV năm nhất và theo đuổi cho tới khi ra trường. Mỗi người đều có niềm đam mê nên việc gắn bó với CLB, với cây đàn guitar đã trở thành kỷ niệm đẹp của một thời SV. Để có hơn 2 giờ đồng hồ sinh hoạt cùng nhau tại CLB, các bạn đã phải sắp xếp hợp lý quỹ thời gian học tập của mình. Nhiều bạn vừa tan ca buổi làm thêm đã vội vàng đến CLB để sinh hoạt. Không đơn thuần chỉ muốn tập luyện kỹ thuật đàn guitar, sáo trúc hay khiêu vũ, các bạn đến CLB còn để giao lưu, gặp gỡ bạn bè.
. Cần nhân rộng trong các trường học
Bạn Nguyễn Xuân Khánh - Phó Chủ tịch Hội SV Trường ĐHNT: “Các CLB SV luôn là nơi sinh hoạt lành mạnh, bổ ích cho nhiều bạn SV. Vì vậy, thời gian qua, Hội SV Trường ĐHNT luôn quan tâm tới hoạt động và sự phát triển của các CLB. Hiện nay, Hội SV trường có nhiều CLB thuộc những lĩnh vực khác nhau, trong đó có 4 CLB văn hóa văn nghệ (sáo trúc, guitar, nhảy, khiêu vũ). Khi mới thành lập, các CLB hoạt động tự nguyện và không thu lệ phí. Tuy nhiên, hiện nay, một số CLB đã tự thỏa thuận thu mức lệ phí khoảng từ 20 - 40 ngàn đồng/người/tháng để gây quỹ phục vụ các hoạt động chung. Đây cũng là một hướng phát triển mới để phong trào sinh hoạt CLB được nhân rộng và đạt hiệu quả cao hơn”.
Có thể nói, các CLB SV không chỉ là nơi thỏa niềm đam mê mà còn đóng vai trò là môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích cho nhiều SV. Những CLB của SV và vì SV như thế cần được phát triển rộng rãi hơn trong các trường học hiện nay.
MAI HOÀNG