05:05, 02/05/2012

Phong phú về nội dung phản ánh, đa dạng về bút pháp

Trong số các tác phẩm văn học của các tác giả đang sống và làm việc tại Khánh Hòa được xuất bản gần đây, tập bút ký Cùng một phương tìm thấy mặt trời (do Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa phối hợp với Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản tháng 4-2012)

 

Trong số các tác phẩm văn học của các tác giả đang sống và làm việc tại Khánh Hòa được xuất bản gần đây, tập bút ký Cùng một phương tìm thấy mặt trời (do Hội Văn học - Nghệ thuật Khánh Hòa phối hợp với Nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản tháng 4-2012) được không ít bạn đọc đánh giá cao. Với 14 bút ký của 14 tác giả đạt các giải thưởng A, B, C và khuyến khích tại cuộc thi bút ký văn học năm 2011 do Tạp chí Nha Trang tổ chức, Cùng một phương tìm thấy mặt trời không chỉ lôi cuốn người xem bằng sự phong phú của nội dung phản ánh, mà còn ở sự đa dạng về bút pháp thể hiện.

Có thể nói, Nha Trang là vùng đất đã quá quen thuộc với nhiều người, tuy nhiên, dưới ngòi bút già dặn kinh nghiệm và tinh tế về miêu tả của nhà văn Quý Thể, người đọc dễ dàng tìm thấy bao điều mới mẻ và hấp dẫn bởi lối viết đầy cảm xúc và những nguồn tư liệu đan xen vào nhau qua bút ký Cùng một phương tìm thấy mặt trời. Cũng viết về Nha Trang, nhưng với bút ký Biển Nha Trang, tác giả Quách Giao lại mang đến cho độc giả nhiều điều thú vị khác về biển, về thú tắm biển ở những thời điểm khác nhau trong ngày, cũng như giới thiệu những nét rất đặc trưng về biển đảo với những tình tiết sinh động mà nếu không phải là tác giả thì khó ai có được vốn sống như thế. Viết về những người lang thang, lâu nay người ta vẫn có nhiều định kiến, nhưng khi đọc bút ký Bụi đời hay nghiệp lang thang của nhà văn Vân Hạ, bằng những dẫn chứng thực tế thuyết phục, chúng ta dễ tán thành với tác giả khi đặt vấn đề: họ là lớp người cần được xã hội cảm thông nhiều hơn là khinh rẻ… Hòn Bà và bác sĩ Yersin có lẽ là đề tài không mới, nhưng thông qua Chế Diễm Trâm, cô giáo dạy văn ở Trường Phổ thông Trung học chuyên Lê Quý Đôn, Nha Trang - cây bút khá linh hoạt về ngôn ngữ thì mọi vấn đề được thể hiện đều trở nên mới lạ, có chiều sâu, tạo ấn tượng mạnh đối với người đọc (Theo dấu của người đi mở đất). Trong khi đó, bút ký Những giấc mơ về một cây cầu của cây bút nữ Đào Thị Thanh Tuyền tuy chỉ xoay quanh về một cây cầu ở quê mình, nhưng tác giả đã không để ngòi bút đi theo một trình tự nhất định nào và bằng lối viết khá trữ tình, chị đã khéo léo mang lại cho độc giả hình ảnh của một làng quê Khánh Hòa xưa và nay, với biết bao đổi thay về cảnh đời và cảnh người.

Có thể nói, để có một tác phẩm bút ký văn học hay là điều không dễ dàng đối với người cầm bút. Vì đây không phải là thể loại văn học hư cấu (như truyện ngắn, tiểu thuyết), nên ngoài những tư liệu quý, mới lạ được tác giả tìm tòi, phát hiện và khai thác, đòi hỏi có sự linh hoạt và kỹ năng thể hiện của người viết, đặc biệt là yếu tố trữ tình. Ngoài một số tác phẩm đã đề cập trên, số còn lại được giới thiệu trong tập bút ký đều đạt được các yếu tố này, dù rằng các đề tài được đề cập rất khác nhau, có khi là một sự kiện, một vùng đất hay một nhân vật… Đó là Giấc mơ Akha Juca (Nguyễn Hoa Lư), Một chân trời khác (Ái Duy), Đi giữa mùa sen (Xuân Tuynh), Ngôi nhà trên đường Bến chợ (Trần Thị Giao Thủy), Sầu riêng trên đất mới (Phong Nguyên), Đôi chân trần trên núi Hòn Hèo (Khuê Việt Trường), Hòn Tằm xanh (Cao Nguyên)), Tiên Du - hồ trên núi (Nguyễn Mạnh Thường), Tôi chích thuốc morphin (Trí Nhân).

Thời gian gần đây, mỗi năm các văn nghệ sĩ trong tỉnh đã cho ra mắt bạn đọc hàng chục cuốn sách thuộc nhiều thể loại. Sự ra đời của tập bút ký Cùng một phương tìm thấy mặt trời là tín hiệu vui, tiếp tục thể hiện sự đa dạng về bút pháp cũng như tiềm năng của những người cầm bút tại Khánh Hòa. Đây cũng là cuốn sách phản ánh được nhiều mặt của cuộc sống đang diễn ra trong tỉnh, góp phần quảng bá về vùng đất Khánh Hòa đến bạn bè gần xa.

HUY PHƯƠNG