Hiện nay, nói đến sân khấu, nhiều người nghĩ ngay đến hài kịch. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hài kịch đang bất đắc dĩ đóng vai trò “giữ lửa” cho nền sân khấu trên con đường tìm lại chỗ đứng của mình.
Hiện nay, nói đến sân khấu, nhiều người nghĩ ngay đến hài kịch. Đây cũng là điều dễ hiểu khi hài kịch đang bất đắc dĩ đóng vai trò “giữ lửa” cho nền sân khấu trên con đường tìm lại chỗ đứng của mình. Vậy nhưng bản thân hài kịch cũng đang bộc lộ nhiều vấn đề, rất cần những người làm nghề có sự xem xét, định hướng đúng đắn.
Trong khuôn khổ trại sáng tác kịch bản sân khấu 2012 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức (từ ngày 2 đến 16-5, tại Nhà sáng tác Nha Trang), các đại biểu và tác giả tham dự trại viết đã cùng nhau trao đổi nhiều vấn đề về thực trạng sân khấu hài ở Việt Nam hiện nay. Bên cạnh cái được của hài kịch là giúp cho các sân khấu trong toàn quốc đỏ đèn, kéo khán giả đến rạp diễn, nghệ sĩ có đất diễn để phục vụ công chúng… thì sân khấu hài kịch cũng đang bộc lộ những hạn chế của mình. Đó là mâu thuẫn giữa thừa và thiếu của loại hình nghệ thuật này. Ông Lê Duy Hạnh - Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam thẳng thắn chỉ ra rằng: “Tình trạng sân khấu hài kịch nước ta hiện nay có cái cười mà không có hài và có cái hài mà không cười. Thực tế, sân khấu hài đang chọc cười khán giả nhiều hơn mà thiếu đi sự hài hước. Tiếng cười cũng có năm ba loại, không nhất thiết phải là tiếng cười ầm ĩ. Làm như vậy, chúng ta vô tình đang đồng hóa giữa hài kịch với náo kịch. Khán giả hiện nay thích giải trí, điều đó hoàn toàn chính đáng. Nhưng những người làm nghề không nên quá dễ dãi đi theo sở thích khán giả để cho ra đời những sản phẩm hạn chế về giá trị thẩm mỹ”. Cũng từ những băn khoăn này, ông Lê Duy Hạnh mong muốn: “Từ trại sáng tác này, chúng tôi kỳ vọng sẽ là bước thử nghiệm cho việc hình thành một tác phẩm sân khấu hài kịch thực sự, để hài kịch được hiểu và được nuôi dưỡng theo đúng nghĩa của nó”.
Nhóm hài Nhật Cường biểu diễn tại Festival Biển 2011. (Ảnh minh họa) |
Trong lịch sử sân khấu thế giới và Việt Nam, hài kịch vẫn được xem là một yếu tố song hành cùng chính kịch và bi kịch. Đây là yếu tố giúp làm “mềm” vở diễn. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền sân khấu nước ta không còn giữ được vị trí khi có sự lấn át của nhiều loại hình, phương tiện giải trí khác đã buộc những người làm sân khấu kéo khách bằng việc cho dàn dựng những tiểu phẩm hài, trích đoạn hài, vở hài. Hệ quả của việc làm này là lượng khán giả đến với các sân khấu ngày càng đông, nhiều sân khấu và các nghệ sĩ đã sống được bằng nghiệp diễn. Nhưng với sự phát triển mang tính mạnh ai nấy làm, thiếu định hướng, sân khấu hài đang tự làm khó mình khi tạo ra một loạt mâu thuẫn thừa và thiếu. Đó là thừa tiếng cười nhưng thiếu chất hài; thừa tiểu phẩm hài nhưng thiếu vở diễn hài; thừa người đóng hài kịch nhưng thiếu diễn viên hài… Chính từ những mâu thuẫn này đã có nhiều khán giả quay lưng lại với sân khấu hài, bởi tuy rất cần nhu cầu giải trí, nhu cầu xả stress nhưng họ không chấp nhận cách diễn dễ dãi của các nghệ sĩ. Trên nhiều diễn đàn sân khấu và cả báo chí, nhiều người đã thẳng thắn lên tiếng về vấn đề này. Việc đi tìm biện pháp giải quyết những mâu thuẫn này không phải là điều dễ dàng trong một sớm một chiều. Ông Sĩ Chức - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cho biết: “Trải suốt chiều dài của nghệ thuật tuồng, số lượng các vở tuồng hài cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay với Trương đồ nhục, Nghêu - Sò - Ốc - Hến…; còn dân ca cũng chỉ có một vài màn hài kịch trong các vở diễn. Bản thân tôi, nếu bảo tôi viết một vở tuồng hài cho nên đầu nên đũa cũng xin thua, cùng lắm chỉ viết được một vài lớp diễn đã quý lắm rồi. Chính vì vậy, tôi cho rằng, với 15 tác giả tham gia trại viết lần này, chỉ cần có được 4 hoặc 5 vở hài kịch, đó đã là một sự thành công mỹ mãn”.
Có thể thấy, trước thực trạng sân khấu hài kịch đang đi chệch hướng như hiện tại, những người có trách nhiệm với nghề đang cố gắng kéo nó đi đúng quỹ đạo. Làm được điều đó chính là góp phần tạo dựng nên sự phát triển bền vững của hài kịch. Từ đó làm tiền đề cho sự sống lại của chính kịch và bi kịch. Chuẩn bị cho Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc vào năm 2013 bằng một trại sáng tác kịch bản sân khấu hài có thể xem là việc làm thiết thực của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam trên hành trình định hướng đi cho sân khấu hài.
NHÂN TÂM
Từ góc độ của người trực tiếp làm nghề, ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa cho rằng: “Đầu tư cho vở diễn hài với kịch bản, đạo diễn đã khó, nhưng để tìm người diễn được như mong muốn lại càng khó gấp bội. Công tác đào tạo, tuyển chọn diễn viên hài cần được thực hiện một cách nghiêm túc mới hy vọng tìm được những diễn viên có tài năng và tâm huyết”.