11:05, 24/05/2012

Đa dạng sắc màu, giàu sức lan tỏa

Bằng các làn điệu dân ca, dân vũ, tiểu phẩm tuyên truyền, tiết mục ca múa nhạc…, những đội viên tuyên truyền đến từ 19 đội tuyên truyền thuộc các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên,....

Bằng các làn điệu dân ca, dân vũ, tiểu phẩm tuyên truyền, tiết mục ca múa nhạc…, những đội viên tuyên truyền đến từ 19 đội tuyên truyền thuộc các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ đã mang đến Hội thi Tuyên truyền lưu động (TTLĐ) năm 2012 những nội dung đặc sắc nhất. Phần thi diễn của các đội đã khơi dậy trong lòng công chúng tình yêu, trách nhiệm và nghĩa vụ cùng chung sức, chung lòng hướng về vùng biên giới, hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

. Đa dạng màu sắc văn hóa vùng miền

Đã thành thông lệ, cứ 2 năm một lần, Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch) lại phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch các địa phương tổ chức hội thi TTLĐ. Năm nay, hội thi được tổ chức ở 3 địa điểm. Khánh Hòa vinh dự là địa điểm đăng cai tổ chức hội thi dành cho các tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ. Diễn ra từ ngày 19 đến 21-5, hơn 500 đội viên tuyên truyền đến từ 19 đội thi đã mang đến những phần thi, đồng thời cũng là những màn tuyên truyền cổ động đầy ý nghĩa về chủ đề “Biên giới và biển đảo Việt Nam”.

 Phần thi của đội tuyên truyền lưu động tỉnh Tây Ninh.
Phần thi của đội tuyên truyền lưu động tỉnh Khánh Hòa.

Dưới hình thức sân khấu hóa, các đội thi đã mang đến những tiết mục đặc sắc nhất để cùng làm bật nổi chủ đề hội thi. Các đội thi đến từ các tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận đã thể hiện rõ nét màu sắc biển, đảo và cùng nhau khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Những hoạt cảnh, tiết mục hát múa thấm đậm màu sắc văn hóa của cư dân biển với cuộc sống, sinh hoạt gắn liền với biển đảo đã hiện hữu bao đời nay trên dải đất duyên hải miền Trung đầy nắng gió. Trong khi đó, các đội thi đến từ cao nguyên đất đỏ: Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum lại thể hiện thế mạnh của mình trong những phần thi gắn liền với biên giới lãnh thổ quốc gia. Đan xen vào đó là những tiết mục hướng về vùng biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Phong phú, đa dạng và mang tính thời sự hơn cả là phần thi của các đội đến từ khu vực miền Đông Nam bộ. Đội Bình Dương ngọt ngào trong những câu ca cải lương qua phần thi mang tên “Ngày hội tòng quân”, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của lớp trẻ hôm nay đối với biển đảo; đồng thời lồng ghép với phong trào “Góp đá xây Trường Sa”. Đội Bình Phước lại thể hiện đậm nét hình ảnh những chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm tuần tra bảo vệ biên giới, giúp đỡ nhân dân vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế - xã hội. Đội TP. Hồ Chí Minh gắn chủ đề biển đảo với hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Bác Hồ. Đội Tây Ninh làm rung động khán giả với phần thi “Miền Đông hát về biển, đảo yêu thương”. Trong khi đó, đội Đồng Nai lại mang đến hình ảnh của những người ngư dân kiên cường bám biển. Đội Bà Rịa - Vũng Tàu thể hiện thế mạnh kinh tế biển với những giàn khoan dầu khí, những làng nghề truyền thống và ân tình với những chiến sĩ công tác trên các nhà dàn DK1. Điểm đặc biệt tại điểm thi Khánh Hòa, đó chính là sự tham gia của 3 đội thi đến từ khu vực Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ là Lạng Sơn, Tuyên Quang và Thừa Thiên - Huế. Mỗi đội đã mang đến hội thi những “đặc sản” của mình với tiếng đàn tính cùng lời hát then tha thiết; những di tích lịch sử gắn liền với cách mạng Việt Nam; hay những câu hò vang vọng trên dòng Hương Giang. Sự góp mặt của các đội thi này đã thực sự làm tăng thêm màu sắc vùng miền cho hội thi.

. Tạo hiệu quả tuyên truyền lan tỏa

Theo đánh giá của Ban tổ chức (BTC), hội thi năm nay, hầu hết các đội đã có sự đầu tư công phu cho các tiết mục ca, múa, nhạc trong cách dàn dựng, bố cục chương trình, phục trang, đạo cụ, hóa trang và thể hiện nội dung tác phẩm khi trình diễn. Những tiết mục có chất lượng tốt đã tôn được chủ đề tuyên truyền của hội thi. Nhiều tiết mục sử dụng chất liệu dân ca, tạo được hiệu quả thẩm mỹ tốt đối với công chúng. Các tiểu phẩm tuyên truyền được các đội tập trung xây dựng là những câu chuyện trong thực tế. Các tuyên truyền viên dẫn dắt các tiết mục bám sát chủ đề và có sức lôi cuốn khán giả…

Để tạo nên hiệu quả tuyên truyền sâu rộng, BTC đã bố trí các đội tham gia thi diễn tại 6 điểm trong tỉnh gồm: TP.Nha Trang, TP. Cam Ranh, thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, huyện Khánh Vĩnh và Vùng 4 Hải quân. Theo ông Vương Duy Bảo - Phó Cục Trưởng Cục Văn hóa cơ sở: “Hội thi TTLĐ khu vực miền Trung - Tây Nguyên, miền Đông Nam bộ được tổ chức ở Khánh Hòa đã tạo ra hiệu quả tuyên truyền lan tỏa, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương. Đồng thời, khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở”.

Có thể nói, hội thi kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng mãi trong lòng nhiều người. Bởi thêm một lần nữa, chủ quyền biên giới, biển, đảo lại được khẳng định, thể hiện cho sự đồng tâm của lớp lớp người dân Việt Nam về cương vực lãnh thổ quốc gia.

NHÂN TÂM

Kết thúc hội thi, BTC đã trao tặng 19 Huy chương Vàng, 38 Huy chương Bạc, 19 giấy khen cho các đơn vị, tiết mục xuất sắc và trang trí xe diễu hành cổ động ý nghĩa. Ngoài ra, UBND tỉnh Khánh Hòa trao 19 bằng khen cho các đội có thành tích về tham dự hội thi.