10:05, 30/05/2012

Đường đến kỷ lục châu Á của cậu bé khiếm thị

Bùi Ngọc Thịnh, 12 tuổi, trú phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ bị mù bẩm sinh, mà còn sống trong một gia đình có cả cha lẫn mẹ cùng bị mù. Dù vậy, nghị lực và tình yêu với âm nhạc vẫn giúp cậu tỏa sáng và được công nhận đạt kỷ lục châu Á…

Bùi Ngọc Thịnh, 12 tuổi, trú phường Ninh Hiệp (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) không chỉ bị mù bẩm sinh, mà còn sống trong một gia đình có cả cha lẫn mẹ cùng bị mù. Dù vậy, nghị lực và tình yêu với âm nhạc vẫn giúp cậu tỏa sáng và được công nhận đạt kỷ lục châu Á…

. Số phận nghiệt ngã

Trong gia đình Thịnh, chỉ có anh Lộc (Cha của Thịnh) là từng nhìn thấy ánh sáng. Năm học lớp 11, anh Lộc bị những cơn đau đầu dữ dội hành hạ. Qua nhiều lần đi lại giữa các bệnh viện, anh Lộc chỉ nhận được cái lắc đầu của bác sĩ: anh bị mắc bệnh thiên đầu thống, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh thị giác. 5 năm sau, anh không còn nhìn thấy gì nữa. Anh Lộc gặp chị Lê Thị Thủy khi chị vào Hội Người mù Ninh Hòa, nơi anh đang được giao nhiệm vụ quản lý, để tham gia làm chổi và tăm tre. Chị Thủy bị mù bẩm sinh. Tình yêu của họ nảy nở từ những lần chị được nghe anh Lộc mô tả về những hình ảnh cuộc đời còn lưu lại trong tâm trí anh. Đôi uyên ương khiếm thị đến với nhau và chung sống trong một căn phòng ở cơ sở sản xuất chổi, tăm tre của Hội Người mù Ninh Hòa.

1
Bùi Ngọc Thịnh trình diễn đàn cò trong lần xác lập kỷ lục Việt Nam.

Trước khi sinh Thịnh, nhiều đêm, vợ chồng anh Lộc thầm mong có đứa con ngoan hiền với đôi mắt sáng, để khi lớn lên, con họ sẽ kể cho họ nghe những gì nhìn thấy từ cuộc đời. Nhưng niềm vui của đôi vợ chồng đón con trai chào đời giữa tháng 4-2000 lớn bao nhiêu, thì chẳng bao lâu, nỗi buồn của vợ chồng anh Lộc cũng tê tái bấy nhiêu. 10 tháng sau ngày chào đời, đôi mắt Thịnh trở nên đờ đẫn lạ thường. Đưa con vào Nha Trang khám, anh Lộc như sụp đổ khi bác sĩ nhãn khoa cho biết Thịnh phải đối mặt với nguy cơ mù lòa.

Vợ chồng anh Lộc đã đưa con đến Hộp thư nhân đạo Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa theo lời mách bảo của nhiều người và được nhiều nhà hảo tâm ủng hộ hơn 64 triệu đồng. Cầm số tiền góp nhặt từ những tấm lòng nhân ái, vợ chồng anh Lộc tiếp tục hành trình đi tìm ánh sáng cho con trai. Nhưng câu trả lời của nhiều bác sĩ giỏi tại các bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh và Viện Mắt Trung ương tại Hà Nội đã không đem lại tia hy vọng nào: Thịnh bị mù bẩm sinh!

. Tỏa sáng

Từ khi biết đi, biết nói, suốt ngày, Thịnh chỉ quanh quẩn bên cha mẹ, chẳng có đứa trẻ nào làm bạn. Khi Thịnh hơn 3 tuổi, lần đầu tiên được cha mẹ đưa đi nghe chương trình văn nghệ do Hội Người mù Ninh Hòa biễu diễn, cậu bé đã biết dùng tay gõ lên bàn theo nhịp trống. Vài ngày sau, Thịnh bỗng dưng độc diễn “đàn” bằng mồm, gõ trống bằng bát đũa theo tiếng hát của người mẹ. Rồi Thịnh mày mò bộ trống lỗi thời của Hội Người mù Ninh Hòa, tìm lại những âm điệu đã nghe từ sân khấu ca nhạc và những chiếc đĩa CD…

Một lần tình cờ đến chơi, ông Lê Hồng Thiên - một tay đờn ca tài tử ở xã Ninh Phụng (nghệ danh Xuân Hoài) đã phát hiện năng khiếu âm nhạc của Thịnh và gợi ý vợ chồng anh Lộc cho cháu đến với bộ môn nghệ thuật này. Thương con, anh Lộc cũng cất công dò hỏi nhiều nơi, nhưng tới đâu cũng bị từ chối vì cậu bé bị khiếm thị. Kiên trì mãi, cuối cùng mới có một nghệ sĩ ở phường Ninh Hiệp nhận dạy trống cho Thịnh. Thật bất ngờ, chỉ trong 1 ngày, Thịnh đã biểu diễn thành thạo 3 điệu trống, khiến thầy Tâm phải thốt lên: “Không ngờ cậu bé này thông minh lạ thường”. Khi thầy Tâm “hết giáo án”, Thịnh tiếp tục bám xe ôm, đến xã Ninh Phú, Ninh Đông lần lượt học những điệu trống khác ở nhà thầy Vân, thầy Quang, và cậu bé luôn rút ngắn thời gian học bằng tài năng âm nhạc đặc biệt.

Chính vào thời gian này, chuyên mục đờn ca tài tử của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa đã cuốn hút Thịnh nghĩ tới chuyện thử sức ở những loại nhạc cụ khác. Mỗi ngày, Thịnh bám xe của người hàng xóm, đến nhà ông Lê Hồng Thiên học ghi-ta cổ. Anh Lộc nhớ lại: “Do bị mù, phải dò dẫm từng dây đàn nên những ngày đầu đi học, các ngón tay tứa máu, nhưng cháu vẫn bảo, phải vượt qua khó nhọc mới đến cái đích của đam mê”. Đầy nghị lực và đam mê, Thịnh như con ong cần mẫn, ngoài thời gian ở lớp học, đêm nào về nhà cũng ôm đàn tập. Sau một thời gian ngắn, Thịnh không chỉ chơi thành thạo ghi-ta cổ, mà còn thuyết phục nhiều người bằng kỹ năng chơi đàn sến, đàn cò, đàn tranh, đàn kìm, đàn organ và trống.

Thịnh bày tỏ với tôi: “Ngoài những gì đã học được, cháu không biết còn có những điệu trống, điệu đàn nào khác để cháu có thể tìm tòi, khám phá và sẻ chia những niềm vui, nỗi buồn của mình với mọi người”. Với ý thức học hỏi đó, cậu bé khiếm thị đã trở thành thần đồng âm nhạc nhỏ tuổi. Thịnh không chỉ biễu diễn thành thạo 7 loại nhạc cụ, mà còn sáng tác được 3 nhạc phẩm. Những ca từ trong nhạc phẩm “Cho ta” của Thịnh thấm đẫm chất nhân văn: Cha mẹ sinh ra ta, cho ta cả cuộc đời/Bầu trời xanh bao la, không phủ kín tình cha/Biển rộng xanh mênh mông, không đong đầy tình mẹ… Công ơn cha với mẹ, suốt đời ta không quên.

Nhà văn Đan Mạch - Chiristan Andersen từng nói: “Mỗi đời người là một câu chuyện thần tiên được viết nên bởi bàn tay của tạo hóa”. Tuy tạo hóa không mang lại ánh sáng cho đôi mắt của Thịnh, nhưng vẫn giúp cậu bé viết nên câu chuyện thần tiên về cuộc đời mình.

PHAN THẾ HỮU TOÀN

Năm 2005, Bùi Ngọc Thịnh đoạt giải thưởng Giọng hát hay của Đài Phát thanh - Truyền hình Khánh Hòa. Tại liên hoan “Tiếng hát từ trái tim” của Hội Người mù Việt Nam năm 2006, Thịnh đoạt 2 Huy chương Vàng và Bạc.

Năm 2011, Bùi Ngọc Thịnh được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập và trao bằng kỷ lục Việt Nam.

Năm nay, Bùi Ngọc Thịnh được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập kỷ lục và trao bằng chứng nhận vào ngày 26-5-2012 tại khách sạn Rex, TP. Hồ Chí Minh.