10:05, 12/05/2012

Cần có sự định hướng, đầu tư hiệu quả

Hiện nay, có một thực tế đáng buồn là các nghệ nhân dân gian sau khi được công nhận danh hiệu thường bị rơi vào quên lãng. Các nghệ nhân luôn mong muốn được tiếp tục đóng góp, cống hiến, nhưng họ không thể tự làm điều đó mà rất cần sự định hướng, ....

Hiện nay, có một thực tế đáng buồn là các nghệ nhân dân gian (NNDG) sau khi được công nhận danh hiệu thường bị rơi vào quên lãng. Các nghệ nhân luôn mong muốn được tiếp tục đóng góp, cống hiến, nhưng họ không thể tự làm điều đó mà rất cần sự định hướng, hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức liên quan. Sẽ là quá muộn nếu ngay từ bây giờ chúng ta không có biện pháp để bảo vệ và phát huy giá trị của những người được UNESCO mệnh danh là “báu vật nhân văn sống” này.

. Vai trò của nghệ nhân dân gian: Vẫn còn bỏ ngỏ

Sau bao nhiêu năm mong đợi, Khánh Hòa đã có 6 người được Hội Văn nghệ dân gian (VNDG) Việt Nam công nhận là NNDG. Đây thực sự là niềm tự hào của người dân xứ Trầm Hương nói chung và các nghệ nhân nói riêng. Tuy nhiên, thực tế sau khi được công nhận NNDG, vai trò của các nghệ nhân được thể hiện như thế nào thì vẫn còn bỏ ngỏ, trong khi trước đó chúng ta lại có nhiều hoạt động. Cụ thể, năm 2010, để lập hồ sơ gửi Hội VNDG Việt Nam xét tặng danh hiệu cho 3 nghệ nhân sử thi Raglai ở huyện Khánh Sơn, chính quyền cùng ngành Văn hóa huyện, Chi hội VNDG Việt Nam ở Khánh Hòa đã mở lớp học sử thi và mời các nghệ nhân đến truyền dạy để chứng minh vai trò của họ trong cuộc sống cộng đồng. Hay như đối với trường hợp 3 nghệ nhân Mấu Quốc Tiến, Trần Thị Tâm, Huỳnh Ngọc Ẩn, chúng ta cũng đã làm khá đầy đủ các thủ tục để thuyết phục Hội VNDG Việt Nam trao bằng công nhận cho các nghệ nhân.

 Để có được những lớp truyền dạy sử thi như thế này rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền.
  Để có được những lớp truyền dạy sử thi như thế này rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền.

Điểm qua trường hợp các nghệ nhân có thể thấy, với vợ chồng nghệ nhân Trần Thị Tâm và Huỳnh Ngọc Ẩn, họ vẫn tiếp tục hát chầu văn, chơi nhạc cụ dân tộc vì dù sao đây cũng là nghề mưu sinh. Nghệ nhân Mấu Quốc Tiến vẫn tiếp tục sưu tầm sử thi và các loại hình văn hóa Raglai, bởi đây chính là một phần công việc của ông trong vai trò hội viên Hội VNDG Việt Nam. Còn trường hợp 3 nghệ nhân ở huyện Khánh Sơn là Cao Thị Thanh, Cao Thị Quang và Mấu Thị Giêng gần như không hoạt động vì cả 3 nghệ nhân đều đã cao tuổi, không thể tự mình đứng ra truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ngay cả những nghệ nhân đang hoạt động thì đó cũng chỉ thuần túy mang tính chất tự thân vận động chứ không nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức liên quan. Chẳng hạn, hai nghệ nhân Trần Thị Tâm - Huỳnh Ngọc Ẩn mong muốn được thành lập một câu lạc bộ hát chầu văn để danh chính ngôn thuận cho các hoạt động của mình, nhưng tập hồ sơ trình lên đã bị trả về và đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Hay như nghệ nhân Mấu Quốc Tiến, tuy rất muốn công bố, truyền dạy các công trình, những hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ nhưng cũng đành bất lực vì không đủ điều kiện.

. Cần có sự đầu tư hiêu quả

Đến thời điểm này, huyện Khánh Sơn vẫn là địa phương có nhiều NNDG được công nhận (4/6 người), nhưng gần 2 năm qua, huyện không có sự đầu tư nào để các nghệ nhân có thể tiếp tục phát huy vai trò của mình trong cộng đồng. Ông Phạm Văn Hợp - Quyền Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Khánh Sơn cho biết: “Hàng năm, huyện giao chỉ tiêu cho các xã phải mở các lớp học sử thi, mã la, nhưng đến nay vẫn chưa có xã nào thực hiện được. Lý do chủ yếu là thiếu kinh phí và người tổ chức”.

Trong khi đó, Hội VNDG là tổ chức đứng ra công nhận danh hiệu cho các NNDG, nhưng ngoài khoản kinh phí trao tặng cho mỗi nghệ nhân, hầu như Hội không có thêm nguồn đầu tư nào. Mỗi lần cần sự tham gia của các nghệ nhân, tổ chức Hội mới yêu cầu chứ hoàn toàn không có một chương trình, kế hoạch nào được đưa ra một cách bài bản. Ông Ngô Văn Ban - Chi hội trưởng Chi hội VNDG Khánh Hòa chia sẻ: “Hội chỉ có vai trò phát hiện, tôn vinh các nghệ nhân, từ đó giúp các cấp chính quyền thấy được tầm quan trọng của nghệ nhân để có biện pháp phát huy vốn hiểu biết đó vào cuộc sống. Hội không có nguồn kinh phí nào để đầu tư cho các nghệ nhân, vì vậy việc gìn giữ và phát huy vai trò của các nghệ nhân chủ yếu vẫn phụ thuộc vào chính quyền địa phương”.

Các NNDG có khả năng nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hóa, VNDG. Họ có khả năng truyền dạy những hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ và luôn sẵn sàng cung cấp, thực hành, trình diễn những vốn hiểu biết của mình. Tuy nhiên, để các nghệ nhân có thể phát huy hết vai trò, rất cần có sự đầu tư hiệu quả, sâu rộng của các cấp, ngành liên quan.

NHÂN TÂM

Ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa: Các nghệ nhân, kể cả những người đã được công nhận và nhiều người chưa được công nhận, rất cần sự quan tâm tích cực của các đơn vị, tổ chức liên quan. Hầu hết các nghệ nhân đều đã lớn tuổi, nếu chúng ta không có những hành động thiết thực ngay bây giờ thì e sẽ là quá muộn. Và rồi những vốn quý của văn hóa truyền thống không biết còn ai để gìn giữ.