Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam ra đời và được sự đón nhận của lớp lớp thế hệ độc giả Việt Nam.
Bản nhạc ca khúc “Quê hương” - thơ Giang Nam, nhạc Nguyễn Văn Chính. |
Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam ra đời và được sự đón nhận của lớp lớp thế hệ độc giả Việt Nam. Vậy nhưng, sự kỳ vọng của nhà thơ về một bản nhạc phổ thơ ông mãi đến nay mới được toại nguyện. Người đã cảm, đã hiểu và có sự đồng điệu sâu sắc đó chính là nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính - Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam - khi ông đã phổ nhạc bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam.
. Đã trọn vẹn niềm ước mong
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi một ngày đầu tháng 5, nhà thơ Giang Nam tỏ ra tâm đắc với bản nhạc mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính phổ từ bài thơ Quê hương của ông. Vậy là, ở tuổi ngoại bát tuần, ước mong về việc một ngày đứa con tinh thần của mình được phổ nhạc ưng ý dường như đã trọn vẹn. “Bài Quê hương từ khi xuất hiện đến nay đã có nhiều người phổ nhạc, tuy nhiên trong số những bản phổ mà tôi biết, tôi vẫn chưa thấy thật sự tâm đắc. Đây là bài thơ rất khó để có thể phổ nhạc cho hay, bởi bên cạnh dung lượng hơi dài, điều quan trọng nhất là việc bản nhạc phải thể hiện được tâm trạng của tác giả thơ lại càng khó hơn”, nhà thơ Giang Nam tâm sự. Cho đến khi nhận được bản phổ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính, nhà thơ Giang Nam đã không giấu nổi sự xúc động của mình: “Qua mấy lần nghe bản phổ nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính, tôi thấy rất tâm đắc. Ở đây, người nhạc sĩ đã thực sự cảm, hiểu được với tác giả thơ. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính đã vận dụng âm hưởng dân ca để làm toát lên chất trữ tình của bài thơ, đồng thời tạo cảm giác gần gũi với người nghe”.
Vốn là người hát dân ca, nhất là chèo trong đội tuyên truyền văn nghệ thời quân ngũ, nên ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính thường mang nhiều chất liệu dân ca. Với bản nhạc Quê hương được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính phổ từ bài thơ cùng tên của nhà thơ Giang Nam, điều dễ dàng nhận thấy chính là âm hưởng của những làn điệu chèo. Ca khúc thuộc âm thể si giáng trưởng, có cấu trúc đơn giản, được nối kết bằng các đoạn đơn, với giai điệu trữ tình, giàu chất tự sự, hoài niệm. Câu chuyện cảm động về tình yêu đôi lứa trong bài thơ Quê hương đã được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc sâu lắng, da diết. Cao trào được dồn vào đoạn kết với ca từ và giai điệu hòa quyện vào nhau, không gay gắt, quyết liệt mà lắng mãi trong người nghe tình cảm xa xót đến nao lòng.
. Sự đồng điệu của hai tâm hồn thơ - nhạc
Chia sẻ với chúng tôi về duyên cớ cho việc phổ nhạc bài thơ Quê hương, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính cho biết: “Tôi thuộc thế hệ học trò mà những cảm nhận văn chương được bắt đầu từ những tác phẩm trong sách giáo khoa. Hồi ấy, tôi rất thích bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam. Còn nhớ, khi giảng bài thơ này và cả trong các buổi bình thơ ngoại khóa, thầy giáo dạy văn thường cho tôi ngâm bài thơ Quê hương để minh họa. Không ngờ sau này, tôi lại làm việc cùng cơ quan (Báo Văn Nghệ) với nhà thơ Giang Nam. Mấy chục năm qua, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều thế hệ học trò vẫn thuộc nằm lòng bài thơ này. Ngoài giá trị nghệ thuật, bài thơ có sức sống lâu bền còn bởi sự chân thực, bởi tình và cảnh trong thơ đều mộc mạc đời thường. Bài thơ nói về hy sinh, mất mát song không quá bi thương mà vẫn gây xúc động mạnh nơi người đọc”. Để phổ thành công bài thơ Quê hương và nhận được sự đánh giá “Có bản nhạc này của ông là tôi yên tâm rồi!” của nhà thơ Giang Nam, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính đã phải suy nghĩ rất nhiều về cách thể hiện tình cảm và tư tưởng của bài thơ bằng ngôn ngữ âm nhạc. Ông đã nương vào nhạc tính sẵn có của bài thơ để thực hiện bản phổ mang đậm âm hưởng dân ca.
Lâu nay, mối lương duyên giữa thơ và nhạc luôn sẵn có (thi trung hữu nhạc), thế nhưng để cái duyên đó được đơm hoa kết trái một cách trọn vẹn không phải là điều dễ dàng. Trường hợp ca khúc Quê hương (thơ Giang Nam, nhạc Nguyễn Văn Chính) đã tìm được cái duyên giữa hai tác giả. Tuy nhiên, do đây là tác phẩm mới nên vẫn cần thời gian để công chúng có dịp thưởng thức và thẩm định.
NHÂN TÂMNhạc sĩ Nguyễn Văn Chính: Chiến tranh là một tai họa khủng khiếp nhất đối với con người. Ở một khía cạnh nào đó, bài thơ “Quê hương” như một sự cảnh tỉnh, một thông điệp gửi đến các thế hệ mai sau. Bằng ngôn ngữ âm nhạc, tôi muốn góp phần để thông điệp về khát vọng được sống trong hòa bình của bài thơ “Quê hương” ngân vang mãi.
Các tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chính như: Ầm ầm sóng dậy Hoàng Sa - Trường Sa (phổ thơ Bùi Minh Quốc); Bài ca Hoàng Sa - Trường Sa; Bài ca Hải quân Việt Nam anh hùng…