09:04, 07/04/2012

Vĩnh biệt người thắp nên “Ngọn nến Hoàng cung”

Cuối năm 1972, cuộc chiến với Mỹ - Ngụy ở miền Nam diễn ra cam go, quyết liệt. Thời điểm đó, tôi đang sống, chiến đấu ở chiến trường Bắc tỉnh Bình Định. Vào một buổi tối thứ bảy, tôi cùng đồng đội đóng quân ở một cánh rừng của xã Ân Tín, huyện Hoài Ân - một huyện vừa được giải phóng.

Cuối năm 1972, cuộc chiến với Mỹ - Ngụy ở miền Nam diễn ra cam go, quyết liệt. Thời điểm đó, tôi đang sống, chiến đấu ở chiến trường Bắc tỉnh Bình Định. Vào một buổi tối thứ bảy, tôi cùng đồng đội đóng quân ở một cánh rừng của xã Ân Tín, huyện Hoài Ân - một huyện vừa được giải phóng. Sau bữa cơm chiều, chúng tôi nằm võng, mở radio đón nghe chương trình Sân khấu truyền thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam. Chương trình tối hôm đó phát vở kịch nói “Người giám khảo cuối cùng” của tác giả Lê Nhị Hà do Đoàn kịch nói Hà Nội diễn. Vở kịch khá ấn tượng, phản ánh tình thầy trò dạy và học dưới mái trường miền Bắc thân yêu. Chúng tôi chăm chú lắng nghe cho đến phút chót. Cũng từ đó, tôi có ấn tượng với cái tên Lê Nhị Hà.

Đầu năm 1980, tôi là phóng viên Văn xã của Báo Phú Khánh (nay là Báo Khánh Hòa). Một buổi sáng đầu đông, tôi đang làm việc ở Tòa soạn (81 Yersin Nha Trang) thì có một người đàn ông tuổi khoảng ngoài 40 tuổi, dáng gầy guộc vào phòng, giới thiệu mình là Lê Nhị Hà, mới từ Hà Sơn Bình chuyển vào công tác ở Phòng Văn nghệ, Sở Văn hóa - Thông tin Phú Khánh. Nghe anh giới thiệu tên, tôi giật mình. Qua thăm hỏi, tôi mới biết anh chính là tác giả của vở kịch “Người giám khảo cuối cùng” mà tôi từng ngưỡng mộ. Lúc chia tay, anh đưa cho tôi bài thơ có tên “Có một trung thu trăng không tròn”, nói: “Tôi gửi Tòa soạn bài thơ này để có chút tiền nhuận bút mua gạo cho các con ăn. Cả tháng nay, gia đình tôi toàn ăn cơm độn, chín phần mì mới có một phần gạo...”. Nghe anh tâm sự, tôi rất cảm động và hứa sẽ cố gắng trình lên Ban Biên tập để sử dụng vào số báo cuối tuần.

Thứ bảy báo ra, bài thơ của Lê Nhị Hà được đăng ở trang Văn hóa - thể thao. Tôi vội mang tờ báo và ứng trước tiền nhuận bút mang đến Phòng Văn nghệ đưa cho anh. Nhận được báo biếu và 30 đồng nhuận bút (tương đương với ba trăm ngàn đồng ngày nay), anh mừng lắm, ôm chầm lấy tôi: “Cảm ơn nhà báo. Trưa nay, cả nhà tôi được ăn bữa cơm không độn mì rồi!”. Kể từ buổi đầu gặp gỡ ấy, tôi và Lê Nhị Hà trở nên thân quen.

Lê Nhị Hà (tên khai sinh là Hoàng Văn Nhị) sinh ngày 20-11-1932, quê xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Sơn Tây (nay là TP. Hà Nội). Năm 1955, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, anh trúng tuyển trường Trung cấp Sư phạm Sơn Tây, học khoa Văn - Sử. Ra trường, anh về dạy học ở thị xã Sơn Tây và viết văn, làm thơ. Năm 1975, anh ra mắt tập truyện ký đầu tay mang tên “Ngã ba sông” do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Sau thành công với tập truyện ký đầu tay cùng một số tác phẩm in rải rác trên các báo ở địa phương và Trung ương, Lê Nhị Hà chuyển sang thử sức ở lĩnh vực kịch bản. Anh yêu sân khấu từ thuở thiếu thời, đặc biệt là kịch nói. Kịch bản đầu tay của anh - “Người giám khảo cuối cùng” - được các tác giả gạo cội như: Đào Hồng Cẩm, Tào Mạc, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi góp ý chỉnh sửa và được Đoàn kịch nói Hà Nội dựng, công diễn, gây được tiếng vang. Thành công bước đầu này đã khích lệ anh vững tin bước vào nghề biên kịch. Năm 1973, Lê Nhị Hà nghỉ dạy học, chuyển sang công tác ở ngành Văn hóa Sơn Tây và chuyên viết kịch bản văn học. Cuối năm 1977, anh chuyển vào sinh sống ở Nha Trang. Chính nơi đây là mảnh đất màu mỡ để anh phát triển tài năng trong lĩnh vực biên kịch. Chỉ từ năm 1981 đến 1986, anh đã liên tiếp cho ra đời 4 kịch bản. Đó là các vở: “Tiếng đàn thuở xa xưa” (được Đoàn cải lương Hoa Biển Phú Khánh dựng); “Những đôi mắt biên cương” (Đoàn dân ca kịch Đà Nẵng và Dân ca Thuận Hải dựng năm 1982); “Rô Ti Xen và 12 con mắt” và “Người bị xiềng vách đá”. Kịch của anh thường xoáy sâu vào số phận con người, đầy tính nhân văn sâu sắc.

Không dừng lại ở lĩnh vực kịch bản sân khấu, Lê Nhị Hà chuyển sang viết kịch bản phim. Ở tuổi 70, anh vẫn hăng hái viết kịch bản phim tài liệu. Anh đã tham gia cùng với nhiều đài truyền hình trong cả nước làm hàng chục phim tài liệu về đề tài lịch sử như: “Huế tháng tám”, “Cố đô Huế khúc dạo đầu”, “Cựu Hoàng đế Duy Tân”... và kịch bản phim truyện 45 tập mang tựa đề: “Ngọn nến Hoàng cung”, do Hãng phim truyền hình TP. Hồ Chí Minh sản xuất năm 2004. Bộ phim gây được tiếng vang trong và ngoài nước, được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều Vàng tại Liên hoan phim năm 2004. Sau thành công rực rỡ của “Ngọn nến Hoàng cung”, Lê Nhị Hà tiếp tục làm một bộ phim truyện nhiều tập mang tên “Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh”, nhưng do tuổi cao, sức yếu, lại mắc bệnh đau tim nên anh đành bỏ dở công việc...

Nhà biên kịch Lê Nhị Hà mất là một tổn thất lớn cho Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam. Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa mất đi một tấm gương tận tụy với nghề, một cây bút tài hoa. Với tôi, tôi đã vĩnh viễn mất đi một người anh, một đồng nghiệp đáng kính.

Xin nghiêng mình vĩnh biệt anh - người đã thắp nên “Ngọn nến Hoàng cung”.

XUÂN TUYNH