08:04, 09/04/2012

V-League đã không còn là thiên đường của ngoại binh

V-League đã không còn là thiên đường, là chỗ kiếm thu nhập cao của ngoại binh nữa, muốn khẳng định được mình, ai cũng phải phấn đấu và có ý thức chuyên nghiệp.

V-League đã không còn là thiên đường, là chỗ kiếm thu nhập cao của ngoại binh nữa, muốn khẳng định được mình, ai cũng phải phấn đấu và có ý thức chuyên nghiệp.

Chơi V-League vẫn có cơ hội tham dự World Cup

Thông tin thủ thành Akpan công khai nguyện vọng muốn góp mặt ở World Cup trong màu áo đội tuyển Nigeria không phải là một thông tin kiểu dạng “tung bom” như vô số các vụ khác đầy rẫy ở bóng đá Việt Nam.

Nguyện vọng của thủ thành này rất đáng trân trọng, nó cho thấy một ý thức chuyên nghiệp cao và khát vọng vươn lên của một cầu thủ. Dù chỉ chơi ở V-League, một giải đấu chưa thể gọi là hàng đầu ở “vùng trũng” Đông Nam Á, nhưng Akpan vẫn có thể có cơ hội, nhất là qua những gì mà “người nhện đen” này đã thể hiện.

 

Thế giới ngày càng phẳng hơn và con người ta tiến đến gần nhau hơn, các ranh giới đã dần bị xóa bỏ. Ngay sau khi rời V-League, Lee Nguyễn đã tỏa sáng trong màu áo đội bóng mới tại giải bóng đá nhà nghề Mĩ, chơi vượt mặt cả ngôi sao Beckham.

Đẳng cấp vượt trội, tuy vậy Lee Nguyễn dường như đã không có duyên ở giải đấu bóng đá nơi quê hương của cha mẹ anh, và chỉ khi đi khỏi đây mới tìm lại được chính mình.

Hai câu chuyện của thủ thành Akpan và tiền vệ Lee Nguyễn là hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng đều cùng nói lên một vấn đề: sự thành công của cầu thủ ngoại ở môi trường bóng đá Việt Nam.

V-League trước kia đã từng được mệnh danh là “thiên đường của ngoại binh”. Đã từng có rất nhiều ông Tây trình độ phủi, những cầu thủ đến từ châu Phi với trình độ cá nhân ở mức tồi, chỉ giỏi khoản chạy khỏe sút bừa vẫn cứ thành những ngôi sao được cưng chiều và nhận những khoản tiền lớn khi đá bóng ở V-League.

Một số cầu thủ khá khẩm hơn, đá tốt, khi đã bắt đầu có chỗ đứng thì trở chứng, giờ đủ trò ở câu lạc bộ (CLB). Tiêu biểu cho kiểu cầu thủ này là Timothy ở CLB Hà Nội bây giờ. Do đội bóng không dám mạnh tay, vẫn được cưng chiều, Timothy vẫn nổ súng đều, nhưng bên cạnh đó là đủ thứ trò, trong đó có cả tẩn nhau với đồng đội.

V-League đã không còn là thiên đường của ngoại binh

Trường hợp của Timothy chỉ là cá biệt, bởi nếu không sống ở CLB Hà Nội mà ở đội khác thì một cầu thủ thiếu ý thức chuyên nghiệp như thế này đã bị tống đi từ lâu. Bình Dương từng thanh lí hợp đồng sớm với Leandro và sút nữa thì cả thủ thành nhập tịch Hoàng La cũng bị tống đi nốt.

Ở V Ninh Bình, Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Văn Sĩ sau nhiều lần “trảm” rồi lại tha, dùng lại, giờ đây nhất quyết đuổi cổ Ngựa chứng Gustavo, cho dù anh này đã chơi vài trận lượt đi cực tốt. Dù có là ngôi sao, có là công thần, các đội bóng ở V-League giờ đây đã dám mạnh tay để thiết lập kỉ cương đội bóng.

Cầu thủ ngoại giờ cũng chả thiếu, cần một cái là cò mang đến cả đám để thử việc. Tất nhiên kiếm hàng xịn chẳng phải dễ, phải chọn lọc nhiều. Quá trình tuyển ngoại binh giờ cũng gắt gao hơn, kĩ lưỡng hơn trước. Những HLV giỏi như ông Phan Thanh Hùng và Lê Thụy Hải thậm chí còn chỉ xem vài phút là lắc đầu “thôi, khỏi thử, đỡ mất thời gian của nhau”.

Nhiều đội bóng cũng đổi cách làm, tự tìm nguồn hàng, tự tuyển, như cách mà Sông Lam Nghệ An đã làm, tạo điều kiện để Hữu Thắng sang tận nước ngoài tìm kiếm cầu thủ. Với cách tuyển chọn như thế này, cò giờ khó kiếm tiền hơn còn những cầu thủ ngoại muốn có việc, muốn được kí thì phải chứng minh được năng lực thực sự.

Những tấm gương như Gaston Merlo, Philani, Huỳnh Kesley, Antonio, Cristiano cho thấy, để thành công được với bóng đá Việt Nam, một cầu thủ ngoại ngoài năng lực thì còn phải nỗ lực, thi đấu với một sự chuyên nghiệp cao trong suốt một thời gian dài. V-League không còn là chỗ đá bóng để “cày tiền” nữa, mà chỉ những cầu thủ thực sự có ý chí phấn đấu mới có thể thành công, có chỗ đứng và được tôn trọng.

Lee Nguyễn thừa đủ năng lực, nhưng đã không đủ sự kiên trì và nhẫn nại để thành công. Với Akpan, nếu vẫn cứ chơi với một phong độ xuất sắc và có nhiều những pha cứu thua ấn tượng như vậy, cơ hội cũng sẽ đến.

Việc V-League đã không còn là thiên đường của ngoại binh là một điều tích cực, cho thấy cách làm bóng đá của các ông chủ, ban lãnh đạo đội bóng đã có phần tiến bộ hơn, sơ với thời kì ban đầu bị cò, bị cầu thủ ngoại dắt mũi, tốn cục tiền to mà đôi khi vẫn rước phải toàn những cục nợ mang danh cầu thủ chuyên nghiệp.

Theo Vnmedia