04:04, 11/04/2012

Ảm đạm “chợ cầu thủ”

Chỉ còn lại 2 tuần để thực hiện việc chuyển nhượng của mùa giải nhưng thị trường cầu thủ 14 câu lạc bộ đang thi đấu ở V-League 2012 vẫn khá trầm lắng

Chỉ còn lại 2 tuần để thực hiện việc chuyển nhượng của mùa giải nhưng thị trường cầu thủ 14 câu lạc bộ đang thi đấu ở V-League 2012 vẫn khá trầm lắng

Bất chấp việc chỉ còn đúng hai tuần nữa thời hạn chuyển nhượng giai đoạn giữa mùa giải sẽ chính thức khép lại (hạn chót để các đội bóng bổ sung, thay đổi lực lượng là 26/4), thị trường cầu thủ (cả nội lẫn ngoại binh) phục vụ 14 câu lạc bộ (CLB) đang thi đấu ở V.League 2012 vẫn khá trầm lắng. Có vẻ như “chợ cầu thủ” V.League 2012 đang thiếu “nhiệt” đến mức ảm đạm.

Trước hết phải kể đến “đại gia đất Cảng”, dù Vicem Hải Phòng đang yên vị ở đáy bảng xếp hạng thì lãnh đạo CLB này cũng không ngần ngại bác bỏ thông tin: họ muốn chiêu mộ Carl Cort, cựu tiền đạo của CLB Newcastle United. Đây là thương vụ “ảo”, từng tốn rất nhiều giấy mực của truyền thông trong nước; thậm chí có người đã mạnh dạn dự đoán: nếu thành công trong việc ký hợp đồng với cầu thủ Carl Cort, bóng đá Hải Phòng sẽ xô đổ cột mốc lương, thưởng mà chính họ đã ký với “vũ công Samba” Denilson cách đây vài năm.

Quang Hải đang giữ kỷ lục chuyển nhượng tại V.League.
Quang Hải đang giữ kỷ lục chuyển nhượng tại V.League.

 

Chỉ ít ngày sau đó, một “thiếu gia phương Nam” khác là Navibank Sài Gòn cũng đăng đàn phủ nhận thông tin CLB nơi hòn ngọc viễn đông “bung két” chiêu mộ Nsi (đến từ Sài Gòn FC) với mức giá 7 tỉ đồng/nửa mùa giải. Chưa hết, một cái tên không kém phần “đình đám” khác, nhiều khả năng cũng chưa được đưa lên “sàn” là Emil Lê Giang. Cầu thủ mang trong mình hai dòng máu Việt Nam và Slovakia đang miệt mài tập trên sân Thống Nhất chờ cơ hội. Nhưng ngay cả khi Emil Lê Giang nhận được lời khen từ các nhà tuyển trạch, cơ hội ra sân cùng một đội bóng thi đấu ở V.League 2012 với tiền vệ này cũng không cao vì nơi Emil Lê Giang thử việc là Navibank Sài Gòn tỏ ra không mặn mà, còn Hà Nội T&T vẫn đang sở hữu chân sút “triệu đô” Samson. Chắc chắn, Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng không liều lĩnh đánh cược với Emil Lê Giang trong bối cảnh đội bóng của ông đang thi đấu tốt, thuộc nhóm dẫn đầu bảng xếp hạng giải chuyên nghiệp quốc gia.

Chuyển động nơi hậu trường các đội bóng thuộc diện “con nhà nghèo” (cả về thành tích hiện tại cũng như tiềm lực tài chính) cũng chưa cho thấy sự khởi sắc. Ngoài CLB Bóng đá Thanh Hóa khá may mắn có được sự phục vụ của “hàng hiệu thất sủng” Việt Thắng thì những K.Kiên Giang, TĐCS Đồng Tháp… vẫn chưa tìm được một vài gương mặt ưng ý để bổ sung cho giai đoạn lượt về. Đáng nói hơn, dù hai đại diện bóng đá Đồng bằng sông Cửu Long này đều chưa qua “cơn bĩ cực” song gần như chắc chắn sẽ không có thương vụ “bom tấn” nào được triển khai trên vùng đất chín rồng. Không khó để nhận ra thị hiếu của lãnh đạo các đội bóng này: họ nhắm đến những cầu thủ “hợp túi tiền” hơn là chấp nhận “đua tiền” để có được những chân sút đã thành danh.

Có thể nói, sự kiện thị trường chuyển nhượng cầu thủ đóng băng trước và trong giờ “mở cửa” tuy nhất thời dấy lên nỗi lo với nhiều CLB nhưng đã đem lại tín hiệu vui đối với người hâm mộ nước nhà. Dường như, sau vài ba mùa giải chạy đua thành tích bằng công thức: “mua nhiều + thưởng lớn”, các ông bầu đã nghĩ đến chuyện đầu tư nghiêm túc, ăn chắc mặc bền, không để nhà môi giới “thổi” giá cầu thủ vô tội vạ.

Khi những ông bầu thay đổi tư duy, sẽ không còn quá sớm để khẳng định cơn “bão giá” cầu thủ từng tăng với mức độ chóng mặt thời gian qua đã đến lúc chạm “trần”.

Theo VOV