03:04, 18/04/2012

Tiếng hát từ trái tim

Những động tác múa nhịp nhàng, uyển chuyển; những bước chân duyên dáng, mềm mại hay những điệu nhảy vô tư, hồn nhiên của các em học sinh khuyết tật đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh Khánh Hòa...

Những động tác múa nhịp nhàng, uyển chuyển; những bước chân duyên dáng, mềm mại hay những điệu nhảy vô tư, hồn nhiên của các em học sinh khuyết tật đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật (TTPHCN-GDTEKT) tỉnh Khánh Hòa đã thật sự gây ấn tượng, xúc động cho mọi người trong buổi lễ kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4). Tuy không thể nghe, không cảm nhận được âm thanh, giai điệu của bài hát, nhưng các em lại lắng nghe âm nhạc bằng chính trái tim mình.

Tiết mục “Nghiêng soi bóng tháp” của các em khiếm thính đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh.
Tiết mục “Nghiêng soi bóng tháp” của các em khiếm thính đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh.

Buổi lễ kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4) do Sở Y tế phối hợp với TTPHCN-GDTEKT và Tổ chức Handicap International (Tổ chức Quốc tế hỗ trợ người khuyết tật) tổ chức ngày 17-4 tại khách sạn Viễn Đông, Nha Trang. Với những nụ cười rạng rỡ, ánh mắt hồn nhiên, trong những bộ trang phục biểu diễn đầy màu sắc, các em bước lên sân khấu không chút ngại ngùng, lúng túng. Đội văn nghệ nhí đủ mọi thành phần, vừa có trẻ khiếm thính, trẻ khó khăn về ngôn ngữ, trẻ chậm phát triển… nhưng các em đã làm nên một chương trình văn nghệ ấn tượng và gây xúc động với nhiều người. Theo dõi những động tác múa mềm mại của các em khiếm thính trong các tiết mục: Múa Ấn Độ, Bông sen trong vườn Bác hay Nghiêng soi bóng tháp… nhiều người xem phải trầm trồ khen ngợi. Không chỉ múa đều, đẹp mà cả khuôn mặt, ánh mắt và động tác của các em đều tạo nên ấn tượng sâu sắc. Ít ai biết được, để có những động tác uyển chuyển đó, các em học sinh khiếm thính và giáo viên TTPHCN-GDTEKT tỉnh đã phải tập luyện ròng rã hơn 2 tháng qua. Không nghe được nhạc, không cảm nhận được giai điệu của bài hát, các em chỉ tiếp thu bằng ngôn ngữ của người khiếm thính. Đếm nhịp và lặp lại nhiều lần là cách duy nhất để các em có thể hoàn thành một điệu múa. Vậy nhưng, trong suốt buổi biểu diễn, các em không chỉ múa một điệu, một bài mà rất nhiều bài, thậm chí là những bài đòi hỏi động tác phức tạp như trong điệu múa Ấn Độ. Đặc biệt, các em đã làm người xem thật sự xúc động khi biểu diễn bài hát Ba ngọn nến lung linh qua ca từ bằng ký hiệu ngôn ngữ. Với những động tác tay đều đặn, nhịp nhàng, các em đã thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình đối với gia đình, với xã hội. Chưa một lần nói được tiếng “ba”, “mẹ”, chưa được gọi hai tiếng “gia đình” thiêng liêng, nhưng ánh mắt và nụ cười của các em đã biểu hiện được tình cảm ấm áp đó. “Đây không phải lần đầu tiên tôi được xem các em khuyết tật biểu diễn, nhưng các tiết mục văn nghệ của các em khiếm thính luôn làm tôi cảm động. Múa đẹp, múa đều và rất nhịp nhàng… Người ngoài nhìn vào khó có thể biết đó là trẻ khuyết tật” - đó là lời chia sẻ của bà Cao Thị Thịnh (đường Trương Định, Nha Trang) và có lẽ cũng là của nhiều người khi xem các em khiếm thính biểu diễn.

Tiết mục “Ba ngọn nến lung linh” bằng ký tự ngôn ngữ của các em khiếm thính đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh.
Tiết mục “Ba ngọn nến lung linh” bằng ký tự ngôn ngữ của các em khiếm thính đến từ Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh.

Các tiết mục của trẻ chậm phát triển trí tuệ cũng tạo được nhiều cảm xúc cho người xem. Tuy các điệu múa không đồng đều, có những lúc không ăn nhập với nhạc nhưng sự háo hức, rộn ràng trong các tiết mục Đội kèn tí hon, Bức họa đồng quê hay trong bài thể dục nhịp điệu Vườn cây của ba… đã mang lại không khí vui tươi, niềm lạc quan yêu đời với mọi người. Tuy các em khiếm khuyết về thể xác nhưng tinh thần, trái tim vẫn lành lặn và tràn đầy tình yêu cuộc sống.

Trong buổi biểu diễn, nhiều người đã rất xúc động khi nghe chị Võ Thị Hoàng Yến - Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD (TP. Hồ Chí Minh), một người khuyết tật chia sẻ về cuộc đời và sự nỗ lực vươn lên của bản thân. Không chấp nhận số phận, chị Yến đã vượt qua sự tự ti của bản thân để học và tốt nghiệp thạc sĩ về Phát triển con người tại Đại học Kansas - Hoa Kỳ. Chị thành lập Trung tâm DRD để tự giúp mình và giúp những người có hoàn cảnh như chị phát huy khả năng và hòa nhập cộng đồng. Sau lời chia sẻ chân thành, chị Yến ôm đàn ghi ta và hát bài “Để gió cuốn đi” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…” là thông điệp mà chị muốn nhắn gửi mọi người hãy tạo nhịp cầu để người khuyết tật vượt qua rào cản, hòa nhập cộng đồng.

“Hãy yêu nhau đi cho ngày quên tháng... Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu. Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau…” - đó là lời của bài hát kết thúc buổi lễ cũng là lời gửi gắm của các em khuyết tật, rằng các em cần sự yêu thương, đồng hành của toàn xã hội trong hành trình vượt khó của mình.

MAI HOÀNG

Buổi lễ kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam (18-4) diễn ra ngày 17-4, do Sở Y tế phối hợp với TTPHCN-GDTEKT và Tổ chức Handicap International (Tổ chức Quốc tế hỗ trợ người khuyết tật) tổ chức.

Tuy không thể nói được bằng lời, bằng ánh mắt nhưng các em khuyết tật nói riêng và những người khuyết tật nói chung luôn hát vang khúc hát yêu đời từ sâu thẳm trái tim.