Thời gian gần đây, dư luận trong nước đang đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, khu di tích lịch sử, văn hóa.
Thời gian gần đây, dư luận trong nước đang đặt ra nhiều câu hỏi về công tác quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức tại các cơ sở thờ tự, khu di tích (KDT) lịch sử, văn hóa. Thực trạng chung ở nhiều địa phương là sự lộn xộn trong việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn kinh phí này. Riêng tại Khánh Hòa, từ cuối tháng 10-2011, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định về việc ban hành quy chế tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu công đức tại KDT Tháp Bà Ponagar.
Các cơ quan quản lý nhà nước cấp Trung ương hiện vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức trong phạm vi toàn quốc bởi còn nhiều điều vướng mắc. Thực trạng chung đó chính là để các địa phương, tổ chức có trách nhiệm quản lý các cơ sở thờ tự, KDT lịch sử, văn hóa tự đề ra cách thức riêng quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức. Có nơi giao khoán việc đóng tiền công đức hàng năm vào ngân sách địa phương; có nơi giao cho các tổ chức xã hội như Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Ban quản lý các đền, chùa… Vì vậy, việc quản lý, sử dụng tiền công đức lâu nay vẫn rơi vào tình trạng lộn xộn với những mâu thuẫn nảy sinh từ lợi ích kinh tế.
Tiền công đức của khách hành hương ở di tích Tháp Bà đã có quy định quản lý, sử dụng rõ ràng. |
Để tránh những vấn đề phiền toái trong việc quản lý và sử dụng nguồn tiền công đức, tiền “giọt dầu” ở KDT Tháp Bà Ponagar, căn cứ vào Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước, ngày 26-10-2011, UBND tỉnh đã phê duyệt Quyết định số 2868/QĐ-UBND về việc ban hành Quy chế tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu công đức tại KDT Tháp Bà Ponagar. Bản quy chế chỉ rõ, nguồn thu công đức tại KDT Tháp Bà Ponagar là khoản tiền hoặc hiện vật do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp, và đây là khoản thu không phải chịu thuế. Việc tổ chức tiếp nhận, quản lý nguồn thu công đức được giao cho Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh (TT QLDT-DLTC) tỉnh. Đơn vị này có nhiệm vụ tổ chức tiếp nhận, quản lý nguồn thu công đức tại nơi đón tiếp khách hành hương và các thùng công đức đặt trong khuôn viên KDT Tháp Bà Ponagar. Các thùng công đức đều phải được khóa và dán niêm phong với đầy đủ chữ ký của các thành viên trong Hội đồng giám sát do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) quyết định thành lập. Mỗi tháng một lần, các thùng công đức được mở trước sự giám sát, chứng kiến của các thành viên Hội đồng giám sát. Trong trường hợp mở đột xuất, Giám đốc TT QLDT-DLTC tỉnh có quyền quyết định sau khi được sự đồng ý của Giám đốc Sở VH-TT-DL. Nguồn thu công đức phải được nộp đầy đủ, kịp thời vào tài khoản tiền gửi của TT QLDT-DLTC tỉnh; nếu có tiền lãi, phải bổ sung vào nguồn công đức để quản lý, sử dụng theo quy định.
Từ nguồn thu công đức, đơn vị quản lý được phép sử dụng vào các nội dung: chi phục vụ tại KDT Tháp Bà Ponagar như bảo quản, tu bổ, phục hồi, phục chế hiện vật, mua sắm tài sản cố định theo phê duyệt của Sở VH-TT-DL; trồng cây cảnh, mua dụng cụ, thuê nhân công bảo quản, chăm sóc; tổ chức lễ hội Tháp Bà và các hoạt động vào dịp Tết Nguyên đán, tổ chức các hoạt động nghệ thuật truyền thống; tổ chức phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân; mua bảo hiểm hiện vật, tài sản… Ngoài ra, nguồn thu công đức còn được sử dụng vào các hoạt động khác như bảo quản, tu bổ, phục hồi, phục chế hiện vật tại các di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh; hỗ trợ tổ chức lễ hội hàng năm tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh; xây dựng bia, biển các di tích, danh thắng; thanh toán tiền thuê nhân công bảo quản, chăm sóc tại các di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Nguồn thu này được quản lý, sử dụng như nguồn ngân sách Nhà nước, trong năm sử dụng không hết thì chuyển qua năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định. Là đơn vị trực tiếp quản lý, tiếp nhận, sử dụng nguồn thu công đức tại KDT Tháp Bà Ponagar, TT QLDT-DLTC tỉnh có nhiệm vụ thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu này theo quy định; định kỳ hàng năm, lập dự toán thu, báo cáo tình hình thu, chi cho cơ quan chủ quản, đồng thời thực hiện công khai nguồn thu công đức để nhân dân biết.
Việc ban hành Quy chế tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu công đức tại KDT Tháp Bà Ponagar là việc làm cần thiết trong bối cảnh chưa có các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ VH-TT-DL về vấn đề này. Quy chế này không chỉ đảm bảo cho việc quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức công khai, minh bạch, mà còn tạo sự an tâm cho người dân và khách hành hương trong việc cung tiến.
NHÂN TÂM