Trong khuôn khổ Festival Biển 2011, hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” đã được tổ chức. Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng bàn thảo và đưa ra các giải pháp nhằm tiếp cận, .....
Trong khuôn khổ Festival Biển 2011, hội thảo khoa học toàn quốc “Văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa” đã được tổ chức. Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng bàn thảo và đưa ra các giải pháp nhằm tiếp cận, làm rõ những giá trị văn hóa đặc trưng về biển đảo Khánh Hòa trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tập hợp ý kiến của các đại biểu tham dự hội thảo, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho in tập sách “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa” để giới thiệu đến bạn đọc những tiềm năng, thế mạnh, thực trạng khai thác biển đảo ở xứ Trầm Hương.
Tập sách “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa” gồm 559 trang, chia làm 3 phần, gồm: Phần 1: Văn hóa biển đảo và văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa; phần 2: Văn hóa du lịch biển đảo ở Khánh Hòa; phần 3: Văn hóa biển đảo và quần đảo Trường Sa. Mở đầu tập sách, đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Khánh Hòa là một trong những tỉnh có đường bờ biển dài và đẹp của Việt Nam, có 6/9 huyện, thị, thành phố và 48/140 xã, phường, thị trấn ven biển và trên đảo. Đường bờ biển kéo dài từ xã Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh) đến cuối vịnh Cam Ranh (TP. Cam Ranh), độ dài 385km và tính theo mép nước có nhiều cửa lạch, đầm, vịnh. Khánh Hòa có 6 đầm và vịnh lớn cùng 200 đảo lớn, nhỏ ven bờ. Khánh Hòa có huyện đảo Trường Sa nằm ở phía Nam biển Đông, cách Cam Ranh 250 hải lý, với khoảng 100 đảo san hô, bãi cạn, bãi ngầm rải rác trên một diện tích từ 160 đến 180 ngàn km2… Tỉnh Khánh Hòa là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển về du lịch biển đảo gắn với việc phát huy những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong xu thế phát triển và hội nhập”.
Bìa sách “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa”. |
Trong phần 1 của tập sách, các nhà khoa học đã cùng làm rõ những vấn đề liên quan đến khái niệm văn hóa biển đảo và văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa. Qua ý kiến của các tác giả Trần Ngọc Thêm, Phan An, Trần Đức Anh Sơn, Nguyễn Hữu Bài, Lê Văn Hoa, Nguyễn Ngọc Quý, Trần Quý Thịnh, Nguyễn Tâm, Trần Vũ, Shine Toshihiko, Mấu Quốc Tiến, Ngô Văn Ban, Nguyễn Viết Trung, Hình Phước Long, Nguyễn Tứ Hải… tập sách đã đi sâu vào các vấn đề liên quan đến văn hóa biển đảo Việt Nam; văn hóa biển đảo Khánh Hòa; các loại hình văn học, nghệ thuật, lễ hội dân gian, nghề truyền thống của cư dân vùng biển đảo Khánh Hòa. Trả lời câu hỏi: “Việt Nam có hay không một nền văn hóa biển?”, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm cho rằng: “Việt Nam chỉ có văn hóa sông nước và những yếu tố của văn hóa biển, chứ không có văn hóa biển như một bộ phận hữu cơ không thể thiếu trong đời sống văn hóa của dân tộc. Trong toàn cõi Việt Nam, duy nhất chỉ có một khu vực từ Đà Nẵng đến Bà Rịa - Vũng Tàu là thực sự có văn hóa biển, chủ yếu cũng chỉ là văn hóa biển cận duyên”. Giáo sư Trần Ngọc Thêm cũng khẳng định: “Trên nền những cơ sở lý luận và thực tiễn về văn hóa biển đảo, có thể thấy tính chất chính của văn hóa biển đảo ở Khánh Hòa là văn hóa biển cận duyên. Khánh Hòa có thể xem là nơi đi đầu về văn hóa biển đảo…”.
Phần 2 của tập sách, các tác giả tập trung nêu bật vấn đề văn hóa du lịch biển đảo ở Khánh Hòa. Đó là những tiềm năng của di sản văn hóa trong bối cảnh phát triển du lịch ở Khánh Hòa (Trương Đăng Tuyến); nghệ thuật đương đại với việc xây dựng thương hiệu du lịch biển của Nha Trang (Bùi Quang Thắng); tài nguyên du lịch nhân văn tỉnh Khánh Hòa (Nguyễn Thế Trung); văn hóa sinh thái biển trong phát triển du lịch bền vững ở Nha Trang - Khánh Hòa (Nguyễn Thị Hải Lê)… Những vấn đề được các nhà khoa học, nhà quản lý nêu lên trong phần này đã cho thấy một cái nhìn có chiều sâu về việc khai thác các tiềm năng, thế mạnh biển đảo và văn hóa biển đảo gắn với phát triển du lịch bền vững. Hiểu rõ về biển đảo để có những hành động thiết thực phát huy thế mạnh biển đảo trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội chính là yêu cầu và cũng là đích đến của chúng ta.
Nói đến biển đảo ở Khánh Hòa, không thể không nhắc đến quần đảo Trường Sa. Phần 3 của tập sách chính là nơi các tác giả thể hiện phần nào những nghiên cứu của mình về quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Từ những nghiên cứu đó, thêm một lần khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa. Những tài liệu, hiện vật, sự kiện diễn ra trong lịch sử liên quan đến việc khẳng định chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Trường Sa đã được các nhà khoa học dày công sưu tầm, nghiên cứu. Đó là quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa trong lịch sử (Trần Nam Tiến); cơ sở pháp lý về chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Trường Sa (Mai Thanh Thanh Thảo); hoạt động văn hóa tâm linh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa (Nguyễn Ngọc Sơn)….
Từ những ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý trong khuôn khổ một hội thảo khoa học, tập sách “Văn hóa biển đảo Khánh Hòa” ra đời và được giới thiệu đến mọi người. Đây thực sự là kho tư liệu quý khi nó giải mã được nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa biển đảo ở xứ Trầm Hương.
NHÂN TÂM