10:04, 22/04/2012

Cùng đoàn kết dưới mái nhà chung

Hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thuộc các dân tộc Kinh, Raglai, Ê Đê, Tày, T’ring, Hoa, Kơ ho… sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tụ hội trong ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4), được tổ chức tại huyện Khánh Vĩnh từ ngày 18 đến 20-4.

Hàng trăm nghệ nhân, diễn viên, vận động viên thuộc các dân tộc Kinh, Raglai, Ê Đê, Tày, T’ring, Hoa, Kơ ho… sinh sống trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã tụ hội trong ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4), được tổ chức tại huyện Khánh Vĩnh từ ngày 18 đến 20-4. Đến với ngày hội, mỗi người không chỉ mong muốn giới thiệu nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, mà còn khẳng định tình đoàn kết giữa các dân tộc.

Thị trấn Khánh Vĩnh (huyện Khánh Vĩnh) trong dịp diễn ra ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam rộn ràng hơn với băng rôn, khẩu hiệu, cờ, hoa được giăng đầy trên các tuyến đường chính. Người dân từ những thôn, bản xa xôi đến khu vực thị trấn đều háo hức hòa mình vào các hoạt động của lễ hội. Chị H’Chem (dân tộc Ê Đê, ở xã Khánh Thượng) cho biết: “Từ khi có thông báo về ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, người dân trong thôn tôi rất vui mừng. Người già bảo ban người trẻ tập luyện chăm chỉ để điệu múa thêm đẹp, giọng hát thêm hay, tiếng chiêng ngân vang hơn. Những chàng trai giỏi bắn nỏ, có sức khỏe cũng tích cực luyện tập để phô diễn tài năng của mình với mọi người. Tối tối, không khí trong thôn rất náo nhiệt”.

Tiết mục “Mười ngón tay yêu” của người Hoa ở thị xã Ninh Hòa.
Tiết mục “Mười ngón tay yêu” của người Hoa ở thị xã Ninh Hòa.  

Đây không phải lần đầu huyện Khánh Vĩnh đăng cai tổ chức ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhưng mỗi lần tổ chức ở đây, lãnh đạo huyện đều có sự quan tâm thích đáng để ngày hội của đồng bào các dân tộc diễn ra thân tình, ấm áp và chu đáo nhất. Năm nay, ngày hội có sự tham gia của hơn 400 nghệ nhân, diễn viên, vận động viên đến từ các huyện: Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và TP. Nha Trang. Để ngày hội diễn ra theo đúng tinh thần, Ban tổ chức đã đưa ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao để mọi người cùng nhau đua tài. Những trò chơi dân gian truyền thống, các môn thể thao như: bắn nỏ, đẩy gậy, kéo co, chạy việt dã… đã mang đến bầu không khí tranh tài sôi nổi trên các sân đấu. Không quá chú trọng đến thành tích, mỗi người tham gia thi đấu đều cảm nhận được niềm vui riêng sau mỗi trận thi tài. Anh Y Thanh (dân tộc Ê Đê, xã Ninh Tây, thị xã Ninh Hòa) tâm sự: “Đại diện cho buôn làng đi thi đấu, tất nhiên tôi cũng muốn có giải thưởng, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc được giao lưu, quen biết thêm nhiều bạn mới. Qua đây, tôi đã hiểu hơn về tình cảm gắn bó giữa các dân tộc với nhau. Tôi mong muốn những năm sau sẽ tiếp tục được tham gia ngày hội này”.

Cùng với các môn thi đấu thể thao, người dân tham gia ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam còn được thưởng lãm 120 bức ảnh thời sự nghệ thuật với chủ đề “Nét đẹp xứ Trầm Hương”. Những thành tựu kinh tế - xã hội, lễ hội, phong cảnh thiên nhiên, vẻ đẹp con người Khánh Hòa và hình ảnh về Trường Sa thân yêu lần lượt hiện lên với những góc nhìn, ánh sáng và màu sắc độc đáo.

Hoạt động được nhiều người mong đợi nhất là phần biểu diễn văn nghệ của các đoàn. Mỗi đoàn đã mang đến ngày hội một nét độc đáo riêng. Đoàn TP. Nha Trang mang đến màu sắc văn hóa dân tộc Chăm qua tiết mục Nắng vàng tháp cổ; đoàn thị xã Ninh Hòa giới thiệu nét đẹp văn hóa nghệ thuật của đồng bào người Hoa sinh sống bên bờ sông Dinh thơ mộng với màn múa Hoa đất nước, Mười ngón tay yêu; đoàn TP. Cam Ranh lại kể cho mọi người nghe câu chuyện về một chàng dũng sĩ người dân tộc Raglai đã có công diệt trừ thú dữ, bảo vệ dân làng qua hoạt cảnh Ngày hội Raglai. Các đoàn Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm cũng mang đến ngày hội những tiết mục văn nghệ đậm màu sắc văn hóa Raglai. Những tiết mục như: hát dân ca Raglai Ma Diêng lời độc thoại, múa Âm vang của núi (Khánh Sơn); múa Vũ điệu Raglai, hòa tấu mã la Mừng được mùa, múa Đêm trăng bên cối gạo mới (Khánh Vĩnh), múa Bập bùng đêm hội Raglai (Cam Lâm)… đã cho người xem thấy được sự phong phú trong kho tàng văn hóa của tộc người Raglai ở Khánh Hòa. Những tiết mục văn nghệ của đồng bào Ê Đê, Tày như: hòa tấu đàn then, đàn tính của dân tộc Tày ở huyện Khánh Vĩnh, độc tấu đàn của dân tộc Ê Đê ở thị xã Ninh Hòa, hòa tấu cồng chiêng c’na của dân tộc Ê Đê ở huyện Khánh Vĩnh… thực sự thu hút mọi người bởi bản sắc độc đáo.

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 2012 khép lại với cảm giác lưu luyến của những người bạn, người anh em. Dường như, ai cũng muốn ngày vui được kéo dài hơn. Chia tay nhau và hẹn gặp lại trong ngày hội năm sau để sợi dây đoàn kết giữa các dân tộc sinh sống ở xứ Trầm Hương ngày càng được thắt chặt, cùng nhau xây dựng một tương lai tươi đẹp hơn.

NHÂN TÂM

Ngày 19-4-1946, trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…”. Ngày 17-11-2008, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 19-4 hàng năm làm ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam.