04:04, 12/04/2012

Giấc mơ vì màu cờ sắc áo

Đó là giấc mơ Huy chương Vàng Olympic London 2012 của tay vợt người Anh Andy Murray. Mục tiêu này còn lớn hơn cả việc đạt được danh hiệu vô địch bất kỳ một giải nào trong hệ thống Grand Slam mà Murray vẫn đang miệt mài tìm kiếm… Nó cho thấy tình yêu vì Tổ quốc, vì màu cờ sắc áo của tay vợt trẻ.

Đó là giấc mơ Huy chương Vàng Olympic London 2012 của tay vợt người Anh Andy Murray. Mục tiêu này còn lớn hơn cả việc đạt được danh hiệu vô địch bất kỳ một giải nào trong hệ thống Grand Slam mà Murray vẫn đang miệt mài tìm kiếm… Nó cho thấy tình yêu vì Tổ quốc, vì màu cờ sắc áo của tay vợt trẻ.

Andy Murray sẽ phải chuẩn bị cho một mùa Hè bận rộn mà xen kẽ với Olympic London 2012 sẽ là 2 giải Grand Slam, Wimbledon (khởi tranh từ ngày 8-7) và Mỹ mở rộng (từ ngày 27-8). Ngoài ra, anh còn tham gia giải Pháp mở rộng, All England Club (Toàn Anh, từ 28-7 đến 5-8). Tuy nhiên, tay vợt 24 tuổi người Anh đặc biệt coi việc giành Huy chương Vàng Olympic và vô địch Wimbledon là ưu tiên số 1 của mình, trên cả Pháp mở rộng và Mỹ mở rộng. Lý giải của anh cũng thật đơn giản nhưng lại đầy sự thiêng liêng, đó là 2 giải đấu không chỉ mang tính cá nhân mà còn của cả quốc gia. Thêm một ý nghĩa nữa là bởi anh đại diện cho nước chủ nhà (cả Olympic lần này và giải Wimbledon hàng năm). Điều đó có lẽ đến từ sự thôi thúc, sự kỳ vọng của cả làng quần vợt Anh đối với Murray, khi mà hơn 70 năm qua, các tay vợt của Anh bỗng chìm hẳn trên bản đồ quần vợt thế giới. Hơn hết, nó bắt nguồn từ tình yêu Tổ quốc, vì màu cờ sắc áo của tay vợt trẻ. Thế nên, cho dù từng 3 lần giành á quân ở các giải Grand Slam, nhưng với anh, việc đứng trên bục nhận giải ở London 2012 mới đem lại “khoảnh khắc sau cuối”, mới đem lại “thành tựu tối thượng”, bởi chiến thắng 1 trong 2 danh hiệu: Grand Slam hay Huy chương Vàng Olympic đều sẽ được Tổ quốc vinh danh, nhưng Huy chương Vàng Olympic là một điều gì đó thuộc về quốc gia, chứ chẳng phải còn của riêng anh!

Còn nhớ, tại Olympic Bắc Kinh 2008, Murray đã thi đấu không thực sự tốt. Anh đã bị loại ngay từ vòng đầu nội dung đánh đơn, và bị loại từ vòng 2 cùng với anh trai ở nội dung đánh đôi. Và tại Olympic London lần này, hẳn anh sẽ lại tiếp tục gặp khó bởi các tay vợt hàng đầu thế giới khác cũng góp mặt, sẽ lại chịu sức ép khi là đại diện của nước chủ nhà. Nhưng, như Murray nói, thậm chí chỉ cần giành Huy chương Đồng Olympic cũng có ý nghĩa rất nhiều đối với anh, bởi anh đã nhìn thấy và cảm nhận cảm xúc của những người chiến thắng (ý nói Djokovic đã giành được Huy chương Đồng ở Olympic Bắc Kinh 2008 và nó là một thành tựu rất lớn đối với tay vợt người Serbia). Và nữa, thi đấu ở Olympic mang lại cho anh một cảm giác rất khác, một bầu không khí khác biệt so với một giải đấu thường xuyên. Đó là, trong các giải đấu khác, anh thi đấu cho chính mình; còn tại Olympic, anh thi đấu cho Tổ quốc, cảm giác ấy hiện rõ khi anh đứng trước lá cờ Tổ quốc và là một phần của lễ khai mạc.

Vẫn biết đó vẫn chỉ là giấc mơ của Murray tại Olympic như anh vẫn mơ về các danh hiệu Grand Slam, nhưng những lời bày tỏ và quyết tâm của tay vợt trẻ người Anh khiến người ta phải suy ngẫm. Viết đến đây, tôi lại nhớ đến vụ việc xung quanh tay vợt bóng bàn Trần Tuấn Quỳnh mà báo chí thông tin những ngày gần đây về việc có hay không tham dự vòng tuyển chọn Olympic London 2012 khu vực châu Á, rồi trốn nhiệm vụ đội tuyển; hay trước đó là tay vợt Đoàn Kiến Quốc rút lui khỏi đội tuyển quốc gia để tập trung cho câu lạc bộ; hoặc giả trong bóng đá, khi mà không ít cầu thủ chơi rất hay trong màu áo câu lạc bộ nhưng lại mờ nhạt khi khoác lên mình sắc áo của đội tuyển quốc gia. Người ta có thể thông cảm với “lão tướng” Đoàn Kiến Quốc khi không đủ thể lực để chia sức trên các mặt trận, nhưng có khi nào anh cảm thấy mình đang chơi cho những người khác, chơi cho đất nước, chứ không phải chỉ riêng cho mình? Nếu nghĩ đến điều đó, chưa biết chừng anh sẽ còn có quyết định khác! Đây cũng là lời nhắn gửi đến những người khoác lên mình sắc áo của Tổ quốc.

B.T