10:04, 08/04/2012

Đưa sách về nông thôn: Còn nhiều khó khăn

Gần 14 năm qua, hoạt động đưa sách về cơ sở được Thư viện tỉnh Khánh Hòa triển khai ở nhiều địa phương, qua đó góp phần bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin, thúc đẩy văn hóa đọc đối với người dân nông thôn.

Gần 14 năm qua, hoạt động đưa sách về cơ sở được Thư viện tỉnh Khánh Hòa triển khai ở nhiều địa phương, qua đó góp phần bổ sung kiến thức, cập nhật thông tin, thúc đẩy văn hóa đọc đối với người dân nông thôn. Tuy nhiên, việc duy trì công tác này còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có sự chung tay tháo gỡ từ nhiều phía mới hy vọng đạt hiệu quả như mong muốn.

Từ năm 1998, dưới sự tài trợ của Hội Liên hiệp Thư viện quốc tế, Thư viện tỉnh thành lập kho sách luân chuyển về nông thôn với 2.000 bản sách thuộc nhiều chủng loại khác nhau. Trong bước khởi đầu đó, đã có 10 trạm sách ở các địa phương được thành lập để phục vụ nhu cầu đọc sách và tìm kiếm thông tin của người dân nông thôn. Từ năm 2003 đến nay, chương trình đưa sách về cơ sở của Thư viện tỉnh được “tiếp sức” nhờ chương trình mục tiêu quốc gia đưa sách về cơ sở do Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chủ trì. Mỗi năm, Thư viện tỉnh tiếp nhận nguồn kinh phí từ chương trình này để mua sách bổ sung vào kho sách luân chuyển xuống cơ sở. Đến thời điểm hiện tại, kho sách này của Thư viện tỉnh đã lên đến con số hơn 55.500 bản. Thư viện tỉnh đã xây dựng 64 trạm sách ở các địa phương; cùng với đó là hệ thống thư viện cấp xã.

 Việc đưa sách về cơ sở phục vụ người dân nông thôn là điều rất ý nghĩa, nhưng đang gặp nhiều khó khăn.

 Việc đưa sách về cơ sở phục vụ người dân nông thôn là điều rất ý nghĩa, nhưng đang gặp nhiều khó khăn. 

Có thể thấy, việc mở cửa các trạm sách, thư viện cấp xã đã có tác động tích cực đối với người dân nông thôn trong việc thụ hưởng văn hóa, góp phần vào chiến lược xây dựng con người mới có tri thức, có kỹ thuật và năng lực cao. Người dân sinh sống ở nông thôn đã có thể tiếp cận với kiến thức khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, từ đó áp dụng vào sản xuất, hoặc tiếp thu các tri thức khác trong cuộc sống.

Những lợi ích thiết thực đối với nhân dân từ hoạt động đưa sách về nông thôn là điều đã được khẳng định. Tuy nhiên, hiện những người trực tiếp thực hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn. Thực tế, hoạt động của các thư viện tuyến xã trên địa bàn tỉnh vừa thiếu lại vừa yếu. Kinh phí hoạt động cho các thư viện cấp xã hầu như không có; nhân sự làm việc thường kiêm nhiệm, không ổn định; nguồn sách tự chủ không có, phải phụ thuộc nhiều vào nguồn sách luân chuyển từ Thư viện tỉnh. Phòng đọc sách cơ sở đặt ở các trụ sở thôn, trung tâm học tập cộng đồng, câu lạc bộ… cũng không có kinh phí mua sách, báo mà phụ thuộc nhiều vào lượng sách do thư viện cấp huyện luân chuyển xuống. Trong khi đó, ngay thư viện cấp huyện, kinh phí bổ sung sách, báo cũng rất ít nên chất lượng, số lượng sách, báo hạn chế. Trước đây, hệ thống trạm sách cơ sở thường được đặt ở các bưu điện văn hóa xã, đến nay chỉ còn lại 2/64 điểm, còn hầu hết đã được đặt ở những địa chỉ khác như: trường học, đồn biên phòng, phòng đọc sách của một số xã… Cách bố trí này có những lợi thế nhất định, nhưng chỉ có thể đáp ứng được một lượng độc giả nhất định, làm mất ý nghĩa ban đầu của các trạm sách (bất cứ đối tượng nào có nhu cầu đọc sách đều có thể thỏa mãn). Cùng với sự lấn át của các loại hình nghe nhìn, nhất là sự bùng nổ của mạng internet, văn hóa đọc bị đi xuống, việc duy trì các trạm sách là điều rất khó khăn. Đó là chưa kể đến việc người phụ trách các trạm sách đều kiêm nhiệm và không có phụ cấp. Bà Phan Thị Long Trà - Phó Giám đốc Thư viện tỉnh cho biết: “Đưa sách về cơ sở là hoạt động có ý nghĩa trong việc nâng cao kiến thức, hiểu biết về các lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, hiện nay công tác này đang gặp nhiều khó khăn. Theo nhận định của chúng tôi, đến nay, chỉ có khoảng 2/3 các trạm sách hoạt động có hiệu quả nhất định. Những khó khăn về kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất đã làm hạn chế rất nhiều tác dụng của các trạm sách. Đó là điều khiến những người trực tiếp thực hiện công việc này như chúng tôi thấy rất băn khoăn”.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, chỉ một mình Thư viện tỉnh sẽ khó có thể xoay chuyển được tình hình. Vì vậy, rất cần sự chung tay của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Có như vậy, việc đưa sách về cơ sở mới thực sự đạt hiệu quả, nhất là trong bối cảnh triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như hiện nay.

GIANG ĐÌNH