01:04, 21/04/2012

Chếnh choáng với “Say trăng”

Chếnh choáng, đê mê là cảm giác của những ai có mặt trong đêm nhạc có tên gọi “Say trăng” diễn ra tối 17-4, tại Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912 - 2012).

Chếnh choáng, đê mê là cảm giác của những ai có mặt trong đêm nhạc có tên gọi “Say trăng” diễn ra tối 17-4, tại Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912 - 2012). Đêm nhạc do nghệ sĩ Camille Huyền và Walther Giger đến từ đất nước Thụy Sĩ biểu diễn, với 14 ca khúc được chính hai nghệ sĩ phổ nhạc từ những bài thơ để đời của thi nhân họ Hàn.

. Từ tình yêu với những vần thơ…

Tối 17-4, không gian sân vườn của Khách sạn Yasaka-Saigon-Nhatrang trở nên ấm áp, phiêu bồng đến kỳ lạ. Hàng trăm khán giả có mặt tại đêm nhạc “Say trăng” đã cùng mê đắm, thổn thức, cảm nhận về những giá trị nhân sinh qua hình tượng trăng hiện hữu trong thơ Hàn Mặc Tử. Đến với đêm nhạc, họ đã tìm được sự đồng điệu trong tâm hồn để cùng hoài niệm về nhà thơ quê Quảng Bình. Có được những điều đó là nhờ sợi dây kết nối giữa âm nhạc của Camille Huyền và Walther Giger với thơ Hàn Mặc Tử. Hai nghệ sĩ thuộc lớp hậu sinh, sống ở một phương trời xa, đã cùng nhau thực hiện một công việc đầy ý nghĩa để tri ân người thi sĩ tài hoa nhưng gặp nhiều bất hạnh trong cuộc đời.

Nữ nghệ sĩ Camille Huyền - một người con xứ Huế, xa quê hương đã hơn 30 năm nhưng vẫn giữ nguyên trong mình tâm hồn, phong thái của người phụ nữ Việt. Walther Giger là nghệ sĩ guitar danh tiếng trong ban nhạc thính phòng cổ điển Orches Trio Zurich (Thụy Sĩ), đồng thời là thầy dạy đàn guitar của Camille Huyền. Sau 3 năm lao động nghệ thuật bằng tất cả tình cảm, nhiệt huyết và tài năng của mình, hai nghệ sĩ đã viết nên những nốt nhạc chuẩn xác để mỗi con chữ, mỗi từ trong thơ Hàn Mặc Tử được diễn đạt, hòa âm, phối khí một cách hoàn hảo nhất. Nghệ sĩ Camille Huyền tâm sự: “Chúng tôi không phải là những người thông hiểu nhất về thơ Hàn Mặc Tử, nhưng chúng tôi có niềm đam mê, có tình yêu đối với mỗi vần thơ của ông. Bằng tất cả những gì mình có, chúng tôi đã thực hiện việc phổ nhạc 14 bài thơ của Hàn Mặc Tử mà chúng tôi thấy hay nhất”.

Nghệ sĩ Camille Huyền (trái) và nghệ sĩ Walther Giger biểu diễn trong đêm nhạc “Say trăng”.

Nghệ sĩ Camille Huyền (trái) và nghệ sĩ Walther Giger biểu diễn trong đêm nhạc “Say trăng”.

. Kết nối sợi dây thơ - nhạc

Mở đầu đêm nhạc, sau khi lôi cuốn người nghe vào bầu không khí riêng bằng làn điệu ru con xứ Huế thân thuộc: “À ơi! Trước bến Văn Lâu ai ngồi ai câu, ai sầu ai thảm…”, hai nghệ sĩ Camille Huyền, Walther Giger lần lượt giới thiệu đến khán giả các ca khúc phổ thơ Hàn Mặc Tử như: Sáng trăng, Rượt trăng, Say trăng, Vầng trăng, Uống trăng, Sao vàng sao, Trăng vàng trăng ngọc, Đà Lạt trăng mờ, Những giọt lệ, Anh điên em điên, Đây thôn Vĩ Dạ. Khán giả còn được thưởng thức tiết mục độc tấu guitar của nghệ sĩ Walther Giger có tên gọi Tưởng nhớ Hàn Mặc Tử dựa trên giai điệu của một bài thánh ca cổ.

Dù nhịp điệu có thể là reggae cổ điển trong Sáng trăng, có thể là bossa nova trong Đà Lạt trăng mờ, hay atonal hoàn toàn ngẫu hứng trong Say máu ngà, hoặc phong thái có từ barock trong Những giọt lệ đến avant-garde trong Anh điên, em điên…, tất cả những bài thơ trên đều được các nghệ sĩ Camille Huyền và Walther Giger phổ thành ca khúc lẫn hòa âm phối khí ở âm sắc ngũ cung độc đáo của âm nhạc Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng. Mang tinh thần cách tân của phương Tây vào đánh thức âm nhạc truyền thống phương Đông không chỉ là nét độc đáo của hai nghệ sĩ mà còn là biện pháp hữu hiệu để không một câu thơ nào của Hàn Mặc Tử phải biến dạng vì âm nhạc. Thơ và nhạc hòa quyện cùng dẫn dắt nhau đi đến tận cùng của cảm xúc. Đây thực sự là những bài ca nghệ thuật, bởi lời ca là những bài thơ bất tử, có giá trị văn học và có thể cảm nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Âm nhạc có cấu trúc, chủ đích và điển tích. Sức sống của những ca khúc phổ thơ Hàn Mặc Tử càng trở nên mãnh liệt qua giọng hát trầm bổng, khi mượt mà sâu lắng, lúc dồn nén, dữ dội của nghệ sĩ Camille Huyền. Tất cả mang đến cho khán giả cảm giác chếnh choáng bởi màu sắc âm nhạc, phong cách trình diễn, cảm xúc chân thật. Có lẽ vì thế, khi chương trình kết thúc, hai nghệ sĩ đã lui vào hậu đài nhưng tiếng vỗ tay tán dương của khán giả vẫn không dứt. Đáp lại thịnh tình đó, hai nghệ sĩ đã trở lại và cùng mời mọi người hòa nhịp bài Trăng vàng trăng ngọc.

Chuyến lưu diễn của hai nghệ sĩ Camille Huyền và Walther Giger trên đất Nha Trang chỉ diễn ra trong một buổi tối, nhưng đã thực sự tạo được ấn tượng mạnh mẽ với nhiều người.

NHÂN TÂM

Nghệ sĩ Camille Huyền: “Thơ của Hàn Mặc Tử đối với người Việt Nam đôi khi còn khó hiểu, với một người nước ngoài như Walther Giger càng khó khăn gấp bội. Rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa là những thử thách cần vượt qua, nhưng với tinh thần biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau, chúng tôi đã hoàn thành được ước nguyện của mình”.