12:04, 26/04/2012

Đừng để quá trễ!

Đạt được khá nhiều thành tích tại các giải quốc gia, quốc tế, song vận động viên khuyết tật duy nhất còn lại của đội tuyển vận động viên khuyết tật tỉnh Khánh Hòa Châu Hoàng Tuyết Loan vừa tập luyện vừa phải lo lắng cho cuộc sống của mình.

Đạt được khá nhiều thành tích tại các giải quốc gia, quốc tế, song vận động viên (VĐV) khuyết tật duy nhất còn lại của đội tuyển VĐV khuyết tật tỉnh Khánh Hòa Châu Hoàng Tuyết Loan vừa tập luyện vừa phải lo lắng cho cuộc sống của mình. Nếu các cấp, ngành không sớm quan tâm giải quyết thỏa đáng chế độ chính sách cho VĐV này, nhiều khả năng thể thao Khánh Hòa sẽ mất đi một VĐV tài năng.

Năm 2008, đội tuyển thể thao khuyết tật Khánh Hòa có khoảng 5 - 6 VĐV tham gia tập luyện và thi đấu ở môn cử tạ. Trong đó có một số VĐV đạt được thành tích cao tại các giải quốc gia, quốc tế như Châu Hoàng Tuyết Loan, Nguyễn Văn Hùng, Định Thị Ngà… Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn đội chỉ còn lại VĐV Tuyết Loan trụ vững. Trong đơn xin được nghỉ tập luyện và thi đấu cho đội tuyển VĐV khuyết tật Khánh Hòa của các VĐV này gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hầu hết nguyên nhân mà các VĐV nêu ra là do chế độ đãi ngộ thấp nên không thể đảm bảo các nhu cầu đời sống, sinh hoạt, tập luyện. Chính vì vậy, “họ đồng loạt ra đi tìm bến đỗ mới tốt hơn”, VĐV Tuyết Loan nói.

 Vận động viên Châu Hoàng Tuyết Loan trong một buổi tập chuẩn bị cho Olympic London 2012.

 Vận động viên Châu Hoàng Tuyết Loan trong một buổi tập chuẩn bị cho Olympic London 2012.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, ngành Thể thao Khánh Hòa luôn “nóng hổi” bởi vấn đề giải quyết chế độ cho các huấn luyện viên (HLV), VĐV. Trong hầu hết các cuộc họp, gặp mặt giữa lãnh đạo tỉnh, Sở, cơ quan, ban ngành và các HLV, VĐV thể thao thường là những câu chuyện xung quanh “miếng cơm manh áo”. Chỉ đến đầu năm 2012, vấn đề “nóng” ấy mới dần được hạ nhiệt khi mọi chế độ dành cho HLV, VĐV nói chung đều được các cấp lãnh đạo tỉnh quan tâm thỏa đáng. Điều đó thực sự tạo động lực cho các HLV, VĐV trẻ phấn đấu, cống hiến hết mình vì sự nghiệp phát triển ngành Thể thao tỉnh. Tuy vậy, chỉ riêng trường hợp của VĐV Châu Hoàng Tuyết Loan, cho đến giờ câu chuyện chế độ đãi ngộ vẫn luôn đeo đuổi tâm trí chị trong mỗi buổi tập. Cho dù, ở thời điểm này, Tuyết Loan được coi là VĐV duy nhất có đủ khả năng mang lại huy chương quốc tế cho thể thao Khánh Hòa. Chia sẻ với chúng tôi trong buổi tập chuẩn bị lên đường sang London (Anh) tham dự Olympic 2012, Tuyết Loan nói: “Đây là lần thứ 3 tôi được tham dự kỳ thế vận hội. Tôi rất vui vì một lần nữa được cống hiến cho thành tích của thể thao tỉnh nhà, nhưng với chế độ được hưởng như hiện nay, tôi có chút chạnh lòng”.   

Chúng tôi được biết, tuy đã đạt khá nhiều thành tích (Huy chương Vàng tại các giải quốc gia, quốc tế), song Châu Hoàng Tuyết Loan vẫn chưa được hưởng chế độ, chính sách của một VĐV chuyên nghiệp. Hàng tháng, chị chỉ được hưởng tiền công hỗ trợ tập luyện cho VĐV nghiệp dư với hơn 400 nghìn đồng, và chỉ được hưởng mức hỗ trợ 90 nghìn đồng/ngày khi được lệnh tập trung tập luyện, thi đấu trong thành phần đội tuyển tỉnh hay quốc gia. Do vậy, phần lớn thời gian còn lại trong năm, để duy trì thành tích cá nhân, Tuyết Loan phải tự bỏ thêm kinh phí cho việc đi lại, ăn uống, tập luyện của mình. “Nhiều lần tôi cũng muốn xin được nghỉ thi đấu, bởi với chế độ như hiện nay, tôi rất khó duy trì được thành tích”, Tuyết Loan chia sẻ.

Có thể thấy, với việc lần thứ 3 liên tiếp được vinh dự đại diện cho thể thao khuyết tật Việt Nam tham dự thế vận hội, VĐV cử tạ Châu Hoàng Tuyết Loan sẽ rất phấn khởi tập luyện để mong đạt thành tích cao. Song, bên cạnh niềm hứng khởi ấy, Tuyết Loan vẫn có chút băn khoăn về cuộc sống của mình sẽ như thế nào khi phút vinh quang ấy vụt qua. Nếu không có sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành của tỉnh, thì sớm hay muộn Tuyết Loan cũng sẽ tìm đường ra đi như các VĐV trong đội tuyển VĐV khuyết tật của tỉnh trước đây. Đó chắc chắn sẽ là thiệt thòi lớn cho thành tích chung của ngành Thể thao tỉnh Khánh Hòa.

AN NHIÊN