06:03, 20/03/2012

“Bắt tay” để hiểu nhau hơn

Xuất phát từ ý tưởng của Phó Giáo sư, nữ Tiến sĩ Olga Zotova - nhà phê bình nghệ thuật, thành viên Hiệp hội Nghệ sĩ Nga - trong một lần đến Nha Trang và tình cờ nhìn thấy tranh của các họa sĩ nơi đây,.....

Xuất phát từ ý tưởng của Phó Giáo sư, nữ Tiến sĩ Olga Zotova - nhà phê bình nghệ thuật, thành viên Hiệp hội Nghệ sĩ Nga - trong một lần đến Nha Trang và tình cờ nhìn thấy tranh của các họa sĩ nơi đây, sau hơn nửa năm xúc tiến và nhận được sự hưởng ứng của các họa sĩ Việt Nam cũng như của Nga, triển lãm hội họa đương đại Việt - Nga với chủ đề “Bắt tay” đã được khai mạc vào tối 17-3. Từ triển lãm này, giới hoạt động nghệ thuật và công chúng ở Nha Trang đã có thêm dịp để tìm hiểu về nền hội họa Liên bang Nga. Đồng thời, các họa sĩ Nga cũng biết thêm nhiều điều mới mẻ về đất nước, con người và hội họa Việt Nam.

Những ngày này, công chúng yêu hội họa ở phố biển Nha Trang được tận mắt chứng kiến nhiều tác phẩm hội họa có chất lượng cao của các họa sĩ đến từ TP. Vladivostok (Liên bang Nga) tại triển lãm hội họa đương đại Việt - Nga (số 5 đường 2-4, TP. Nha Trang). 7 họa sĩ người Nga và 3 họa sĩ người Việt Nam đã lần đầu tiên cùng nhau thực hiện một triển lãm với 50 tác phẩm hội họa mang đậm dấu ấn phong cách, trường phái riêng. Nói về lý do để triển lãm này được diễn ra, bà Olga Zotova cho biết: “Các họa sĩ Nga tham gia triển lãm lần này đều đã từng có tranh triển lãm ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng vẫn chưa lần nào triển lãm ở Việt Nam. Vì vậy, mọi người đều muốn thực hiện một triển lãm ở Việt Nam để qua đó có điều kiện hiểu biết thêm về Việt Nam cũng như nền hội họa của các bạn. Chính vì vậy chúng tôi đã quyết tâm thực hiện triển lãm này”. Các họa sĩ tham gia triển lãm lần này đều từng tốt nghiệp các trường mỹ thuật có uy tín ở mỗi nước, đồng thời từng có tranh triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều họa sĩ có tranh được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và bộ sưu tập cá nhân.

1
Công chúng xem tranh của các họa sĩ Nga tại triển lãm.

Đến với triển lãm, công chúng có dịp thưởng lãm 32 bức tranh của các họa sĩ Nga. Ở đó, mỗi bức tranh là một câu chuyện, một góc nhìn về phong cảnh thiên nhiên, tư duy, sinh hoạt nơi xứ sở bạch dương. Với nữ họa sĩ Masha Holmogorova, người xem cảm nhận được nguồn nội lực mạnh mẽ toát ra từ những bức tranh: Quê mẹ của những chú voi, Những con sò, Biển và những hòn đá, Sau cơn mưa, 98-99-100, Ikar. Với bút pháp vững, từng chi tiết trên mỗi bức tranh được thể hiện một cách tỉ mỉ, sắc sảo; cách thức sử dụng màu sắc tạo ấn tượng mạnh đối với người xem, những tác phẩm của họa sĩ Masha mang đến cho công chúng cảm nhận về những điều gần gũi, thân thương trong cuộc sống. Trong khi đó, các tác phẩm: Cây thông, Mùa Thu, Mây, Những đống rơm nhỏ, Mùa Xuân, Cây cầu, Những ngày màu xám của họa sĩ Evgenie Pihtovikov đã mở ra cho người xem khung cảnh thiên nhiên nước Nga xinh đẹp, đậm chất trữ tình. Họa sĩ Oleg Podskochin lại mang đến triển lãm những tác phẩm tạo nên ấn tượng mạnh đối với người xem qua chủ đề chống chiến tranh. 3 tác phẩm: Truy điệu, Trăng đen, Những cái bóng đèn đã phản ánh thái độ và cái nhìn của tác giả trước những cuộc chiến. Ở đó chiến tranh là chết chóc, là giết chết cuộc sống tươi đẹp và hoang tàn đổ nát. Sử dụng 2 màu sắc chủ đạo đen - trắng có tính đối lập cao cho mỗi bức vẽ của mình chính là một dụng ý của tác giả Oleg. Đến với những tác phẩm của họa sĩ Lidia Kozmina, người xem như được sống lại với những câu chuyện cổ tích Nga. Một thế giới huyền ảo đậm màu sắc dân gian Nga toát ra từ các tác phẩm: Căn nhà, Phía Nam, Cặp đôi, Mùa Đông, Cái tổ, Đàn ông và đàn bà. Seri 5 tác phẩm có tên gọi Adam và Eva của họa sĩ Evgeny Makeev mang đến cho công chúng những góc độ cảm nhận khác nhau về tình yêu, sự sống của con người. Mỗi bức tranh là một cung bậc khác nhau qua cách biểu đạt đầy sáng tạo từ hai nhân vật nam và nữ. Họa sĩ Marina Pihtovnikova chỉ mang đến triển lãm 1 bức tranh mang tên Những quả táo. Tác phẩm tĩnh vật nhưng với cách xử lý màu sắc tinh tế, tác giả đã tạo nên được cảm quan tương phản từ chính màu sắc của sự vật. Họa sĩ Olga Nickittchik - họa sĩ danh dự của Nga, là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Quốc tế phụ nữ sáng tạo mang đến triển lãm tác phẩm Mưa trong vườn gợi nhiều liên tưởng cho người xem.

Các họa sĩ phố biển Nha Trang cũng mang đến những tác phẩm theo đúng phong cách của riêng mình. Với họa sĩ Bùi Văn Quang, đó là những tác phẩm: Thôn nữ, Thôn quê, Hoa, Khúc tam tấu, Cậu bé bán bong bóng, Thiếu nữ và con mèo với bút pháp mạnh bạo theo chủ nghĩa hồn nhiên. Với họa sĩ Lê Văn Duy là những tác phẩm mang đậm màu sắc lãng mạn với những ước mơ của tuổi thơ: Gió Xuân 1 - 2, Trăng Thu, Vườn cổ tích, Giấc mơ hoa 2, Bé chăn vịt. Theo đuổi trường phái trừu tượng, tranh của họa sĩ Lê Trí tiếp tục “thử thách” công chúng trong những tác phẩm Trăng xưa, Những ngôi nhà mới, Biểu tượng, Gió trên cao, Phố xưa, Chung cư.

Có thể thấy, những tác phẩm được triển lãm lần này đều có chất lượng rất tốt. Được thể hiện chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu vẽ trên vải, nhưng các họa sĩ đã thể hiện những nét vẽ chi tiết và sắc sảo. Từ triển lãm lần này, các họa sĩ Việt Nam cũng như công chúng không chỉ hiểu thêm về hội họa, về đất nước, con người Nga mà còn có thể học hỏi được nhiều điều từ chính thái độ làm việc của các họa sĩ Nga như lời họa sĩ Bùi Văn Quang nhận xét: “Qua những tác phẩm của các họa sĩ Nga, tôi nhận thấy ở đó một thái độ làm việc nghiêm túc, đầy say mê của tác giả. Đó là điều mỗi chúng ta cần học hỏi”. Với kinh nghiệm hoạt động nghệ thuật của mình, họa sĩ Evgeny Makeev nêu ý kiến để tranh của các họa sĩ Việt Nam được thế giới biết đến nhiều hơn: “Các họa sĩ Việt Nam nên tham gia nhiều triển lãm quốc tế để từ đó có điều kiện giới thiệu những nét đặc trưng của mình cho mọi người biết đến nhiều hơn”.

Từ thành công của triển lãm lần này, những người tổ chức đang mong muốn có thêm nhiều cuộc triển lãm chung như thế trong thời gian tới tại Nga và Việt Nam. Hội họa cũng là một dạng ngôn ngữ và từ triển lãm lần này, công chúng Việt Nam đã thêm một lần hiểu biết về văn hóa, nghệ thuật Nga.

NHÂN TÂM