10:03, 11/03/2012

Viết văn để thành thật với chính mình

Đến với nghiệp văn chương từ niềm đam mê đọc sách, không thể đếm hết số lượng sách mà nhà văn nữ Vân Hạ đã đọc.Nhưng có một điều chắc chắn, những quyển sách chị đã đọc như một dòng nước mát lành thấm dần vào tâm hồn,.....

Đến với nghiệp văn chương từ niềm đam mê đọc sách, không thể đếm hết số lượng sách mà nhà văn nữ Vân Hạ đã đọc. Nhưng có một điều chắc chắn, những quyển sách chị đã đọc như một dòng nước mát lành thấm dần vào tâm hồn, để từ đó qua lăng kính của người nghệ sĩ, những tác phẩm văn chương được ra đời. Và đó cũng là cách để chị thành thật với chính bản thân mình.

Mới đây, tình cờ đọc bút ký Bụi đời hay nghiệp lang thang vừa được giải B cuộc thi bút ký trên Tạp chí Nha Trang năm 2011 của nhà văn Vân Hạ (Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh), chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi lối hành văn chân thực, trắc trở và đậm chất xã hội của chị. Một bút ký gói gọn trong 8 trang giấy A4 chứa đựng cả một thế giới nhiều người biết, nhưng lại ít người quan tâm - thế giới của những người bụi đời ở phố biển Nha Trang. Một lát cắt sắc sảo đã làm bật lên những mảnh đời phiêu dạt trong xã hội cũng như thái độ, quan điểm của người đời về những số phận ấy. Không lên án, cũng không tỏ vẻ thương hại, những nhân vật, câu chuyện trong bút ký của chị mang đến cho người đọc một cái nhìn nhân ái, bao dung hơn đối với những người rơi vào cảnh bụi đời. Trong thế giới ấy có kẻ xấu, người tốt và cũng chứa đựng tình người. Viết về một đề tài xã hội, bằng một thể loại vừa đòi hỏi chất văn lẫn chất báo chí là một điều khó, và càng khó hơn đối với một nhà văn nữ…

Nhà văn Vân Hạ (bìa phải) nhận giải B cuộc thi bút ký trên Tạp chí Nha Trang 2011.
Nhà văn Vân Hạ (bìa phải) nhận giải B cuộc thi bút ký trên Tạp chí Nha Trang 2011.

Ở độ tuổi “ngũ tuần”, nhà văn Vân Hạ đang tìm cho mình một lối sống chậm, sống tự do, tự tại. Chị tâm sự: “Hiện tại, tôi đang là một người sống tự do và tự túc. Điều đó giúp tôi có nhiều thời gian hơn cho văn chương”. Chị đến với văn chương từ niềm say mê đọc sách, để đến một lúc, tất cả những gì chị lĩnh hội như muốn bay lên và chị thấy muốn viết, thấy cần phải viết. Lúc đầu chỉ nghĩ viết cho vui, nhưng càng đi sâu, chị mới cảm nhận hết nỗi vất vả, gian truân của nghiệp văn chương khi đã “vận” vào mình. Viết văn là một nhu cầu tự thân, nên cũng dễ hiểu khi chị tâm niệm: được thành thật với chính mình trong từng con chữ. “Tôi thuộc phái những người cho rằng hư cấu khác với bịa đặt, cũng như trung thực không hoàn toàn giống với thật thà. Văn học vốn đã bị hạn chế bởi rào chắn ngôn ngữ. Nó không có được lợi thế như âm nhạc hay hội họa. Vì vậy, tôi cố gắng chọn cách diễn đạt trực tiếp nhất, tránh làm rắc rối sự đơn giản. Làm thế nào tìm được từ và cách diễn đạt chính xác nhất mà không lặp lại người khác hay lặp lại chính mình vẫn luôn là một khó khăn với tôi, và không phải lúc nào cũng được hài lòng”.

Với những tác phẩm đã trình làng như các tập truyện ngắn: Bên kia núi, Chồng cùn, Hoàng hôn rực rỡ…, độc giả nhận thấy một khối lượng lớn tác phẩm mang đề tài xã hội được chị đề cập tới. Nhiều người cho đó là thế mạnh của chị, nhưng với Vân Hạ, đó đơn giản là sự quan tâm của mình đến số phận con người. Bởi với chị, số phận một con người sẽ ít nhiều liên quan đến một giai đoạn, một thời kỳ nào đó của dân tộc, và đó là điều nhà văn cần phải nắm bắt. Có lẽ vì thế nên văn chương đối với chị là một công việc vừa yêu thích vừa cảm thấy… “khó chơi”. Thậm chí, đã từng có lúc chị cảm thấy bất lực trước những con chữ và hoang mang về những gì mình đang theo đuổi. Thế nhưng, vượt lên trên tất cả là niềm hạnh phúc khi những “đứa con tinh thần” của mình có đóng góp chút đỉnh vào cuộc sống.

Nhiều giải thưởng do các báo, tạp chí, nhà xuất bản và các tổ chức hội trao tặng là những ghi nhận cho nỗ lực cống hiến của nhà văn Vân Hạ, nhưng đó không phải là đích đến của chị. Điều chị hướng tới hơn tất cả là phản ánh được hơi thở cuộc sống, số phận con người đi vào tác phẩm văn chương, để từ đó tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ.

NHÂN TÂM