11:03, 16/03/2012

Tháp bà Ponagar được nhìn nhận và đánh giá xác đáng

Nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần lễ văn hóa và phát triển” do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa”.

Nằm trong chuỗi sự kiện “Tuần lễ văn hóa và phát triển” do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam, mới đây, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa (DSVH) trong quá trình hiện đại hóa”. Tại hội thảo này, Tháp Bà Ponagar cùng với các DSVH khác như tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (Phú Thọ), hội Gióng (Hà Nội), văn hóa cồng chiêng của người Lạch (Lâm Đồng) là đối tượng nghiên cứu. Với những chuyến đi thực tế, tiếp xúc phỏng vấn của các nhà khoa học thực hiện dự án, Tháp Bà Ponagar đã được nhìn nhận và đánh giá một cách xác đáng trong quá trình bảo tồn và phát huy di sản.

Tham dự Hội thảo “Bảo tồn và phát huy DSVH trong quá trình hiện đại hóa” có đông đảo các nhà khoa học đến từ Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Bảo tồn di tích cùng các nhà quản lý di tích ở một số địa phương. Để có cái nhìn cụ thể về các DSVH, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận và phân tích ý kiến của các nhóm đối tượng như: cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý văn hóa và di tích các cấp; cán bộ ở một số cơ quan, ban ngành có liên quan, cán bộ nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân dân gian…; nhóm đối tượng là những người dân trực tiếp tham gia và thực hành lễ hội. Qua những cuộc tiếp xúc này, các nhà khoa học đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến sự hợp lý và bất hợp lý về nội dung, phương thức thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản của cộng đồng và Nhà nước; đồng thời đề xuất quan điểm, nguyện vọng của các đối tượng được phỏng vấn. Kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã nhận thấy các vấn đề lớn ảnh hưởng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong quá trình hiện đại hóa là: phương pháp bảo tồn DSVH, sự thay đổi kinh tế - xã hội - văn hóa, sự phát triển của kinh tế du lịch.

Việc tổ chức thành công lễ hội Tháp Bà hàng năm có ý nghĩa tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Việc tổ chức thành công lễ hội Tháp Bà hàng năm có ý nghĩa tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Đến với hội thảo, Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh đã có báo cáo tham luận nêu bật các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý di tích Tháp Bà Ponagar. Trong đó bao gồm các giải pháp chung như: tăng cường sự quản lý của Trung tâm; việc định hướng hoạt động tín ngưỡng phù hợp với phong tục tập quán truyền thống; bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu ở di tích Tháp Bà; tổ chức tốt lễ hội Tháp Bà hàng năm; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí xã hội hóa; tổ chức các hoạt động dịch vụ, du lịch, văn hóa, nghệ thuật… Ngoài ra, Trung tâm còn nêu rõ các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước tại di tích Tháp Bà cũng như các đề xuất, kiến nghị đối với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, với lãnh đạo tỉnh.

Một điểm đáng lưu ý tại hội thảo chính là việc các nhà khoa học đã nhìn nhận việc người Chăm về biểu diễn nghệ thuật và bán hàng thủ công mỹ nghệ ở Khu di tích Tháp Bà đã đóng góp tích cực vào hoạt động du lịch; đồng thời tạo ra môi trường mới cho sự hồi sinh và phát triển trong việc thực hành văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, việc làm trên có thể làm thay đổi những giá trị văn hóa, xã hội và tâm linh của các DSVH phi vật thể. Nếu làm không khéo, du lịch đôi khi cũng biến một số loại hình văn hóa thành hàng hóa đơn thuần vì mục đích kinh tế. Trở về từ hội thảo, bà Ngô Mỵ Châu - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh tỉnh cho biết: Tại hội thảo, các đại biểu đã bày tỏ sự đánh giá xác đáng của mình đối với việc ngày càng có đông đồng bào người Chăm về với di tích Tháp Bà không chỉ trong các ngày lễ hội, ngày Tết mà cả ngày thường. Cùng với đó, việc thành lập Hội Bảo trợ Tháp Bà đại diện cho nhân dân tham gia các hoạt động của di tích là một hành động thiết thực và có ý nghĩa cộng đồng. Vào các ngày lễ, nhất là lễ hội Tháp Bà hàng năm, công tác tổ chức được thực hiện quy củ, với các ban bệ cụ thể cho từng phần việc đã góp phần vào việc gìn giữ và phát huy giá trị của di tích.

Có thể thấy, qua hội thảo lần này, những hoạt động trong việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH ở Tháp Bà Ponagar đã được các nhà khoa học trong nước và thế giới đánh giá một cách tích cực. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, nên chăng những người làm công tác quản lý nhà nước ở Khu di tích Tháp Bà cũng cần lưu ý đến những cảnh báo, khuyến nghị được các đại biểu đưa ra để làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

NHÂN TÂM