12:02, 13/02/2012

Thơ ca vì hòa bình, hữu nghị và phát triển

Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất được tổ chức ở Quảng Ninh và Hà Nội vào những ngày đầu tháng 2-2012 gồm 81 nhà thơ đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhà thơ Giang Nam là nhà thơ duy nhất ở Khánh Hòa vinh dự được mời tham gia.

Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất được tổ chức ở Quảng Ninh và Hà Nội vào những ngày đầu tháng 2-2012 gồm 81 nhà thơ đến từ 26 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhà thơ Giang Nam là nhà thơ duy nhất ở Khánh Hòa vinh dự được mời tham gia. Vừa trở về, nhà thơ Giang Nam đã dành cho Báo Khánh Hòa những cảm nhận của riêng ông về liên hoan này.

- P.V: Trở về từ Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ nhất, nhà thơ có thể chia sẻ những ấn tượng của riêng mình về liên hoan này?

- Nhà thơ Giang Nam: Điều cảm nhận đầu tiên của riêng tôi chính là sự hoành tráng trong quy mô tổ chức liên hoan. Với tiêu chí thơ ca vì hòa bình, hữu nghị và phát triển, liên hoan đã quy tụ được những con người giàu tâm huyết, lòng nhiệt thành trong ý thức đưa tiếng nói thơ ca chống lại chiến tranh, đi sâu vào những khía cạnh số phận con người. Việc tổ chức liên hoan này đã nhận được sự đánh giá rất cao của các nhà thơ quốc tế. Nói như nhà thơ Chúc Ngưỡng Tu (Trung Quốc): “Việt Nam đã làm được một việc mà đất nước chúng tôi chưa làm được”. Đến với liên hoan thơ, bạn bè quốc tế có dịp hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam cũng như tình yêu thơ ca của người dân Việt Nam. Một sự khâm phục đối với nền thơ ca Việt Nam, tình yêu thơ của người dân Việt Nam là cảm nhận chung của nhiều nhà thơ quốc tế. Trong các buổi hội thảo cũng như những đêm thơ, những chuyến đi tham quan vịnh Hạ Long, làng gốm Bát Tràng, xứ Đoài, dâng hương núi Bài Thơ… đã thực sự kéo gần bạn bè quốc tế đến với đất nước chúng ta hơn. Đặc biệt, tại liên hoan, các nhà thơ quốc tế đã được tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong một buổi gặp mặt thân tình, ấm áp vào ngày 5-2. Đồng chí Chủ tịch nước đã lắng nghe những ý kiến của các nhà thơ đến từ Trung Quốc, Lào, Campuchia… Một niềm vinh dự đối với cá nhân tôi chính là việc tôi được đại diện cho các nhà thơ Việt Nam tại liên hoan phát biểu ý kiến trước đồng chí Chủ tịch nước. Bài phát biểu của tôi với nội dung nêu bật vai trò tiên phong của nền thơ ca Việt Nam trong 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh để bảo vệ hòa bình, hữu nghị, đoàn kết và sự hiểu biết nhau của ngày hôm nay. Ý kiến của đồng chí Trương Tấn Sang trong buổi gặp mặt đó đã gây xúc động và nhận được sự tán thưởng nhiệt tình của đông đảo các nhà thơ quốc tế. Đồng chí nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam vốn là một dân tộc yêu thơ ca. Thơ ca với nhân dân Việt Nam vừa là sự an ủi riêng tư, thầm kín cho đời sống nội tâm trong từng niềm vui, nỗi buồn, đau khổ, hạnh phúc của mỗi một con người; lại vừa là một sức mạnh to lớn về mặt tinh thần, khích lệ cho toàn thể cộng đồng dân tộc trước mỗi thử thách khắc nghiệt của lịch sử. Chính vì ý thức sâu sắc ấy, nhân dân Việt Nam hết sức trân trọng các nhà thơ, hết sức yêu mến và luôn mong mỏi được hiểu biết thấu đáo, học tập tinh hoa của nền thơ ca các quốc gia thuộc những châu lục khác nhau trên thế giới…”.

Nhà thơ Giang Nam và nhà thơ nữ Sue Wootton trong phần trình bày bài thơ “Quê hương” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. (ảnh do nhân vật cung cấp)
Nhà thơ Giang Nam và nhà thơ nữ Sue Wootton trong phần trình bày bài thơ “Quê hương” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. (ảnh do nhân vật cung cấp)

- P.V: Qua liên hoan thơ lần này, có thể xác định được dòng chảy của thơ ca các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang đi theo hướng nào, khoảng cách giữa thơ ca Việt Nam với các nước trong khu vực có quá xa không, thưa nhà thơ?

- Nhà thơ Giang Nam: Từ tham luận của những nhà thơ quốc tế trong các buổi hội thảo cũng như qua các đêm thơ với nhiều tác phẩm các bạn đã thể hiện, tôi thấy rằng, thơ ca các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có chung dòng chảy đó là ít nói về những điều to lớn, vĩ đại, cao siêu mà thường đề cập đến những vấn đề mang tính cá nhân, những hoàn cảnh bình thường và đi sâu vào số phận con người một cách chân thật, cụ thể. Về khoảng cách giữa thơ ca Việt Nam với thơ ca quốc tế, có thể khẳng định, chúng ta hoàn toàn không thua kém. Các nhà thơ quốc tế đã đánh giá rất cao các nhà thơ Việt Nam cũng như những “đứa con tinh thần” của họ. Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại đối với thơ ca nước nhà chính là việc hiện nay có một số nhà thơ trẻ đang cho ra đời những tác phẩm có nội dung xa rời cuộc sống, hình thức có sự tìm tòi nhưng đó là sự tìm tòi theo lối kỹ thuật chơi chữ.

- P.V: Trong liên hoan thơ lần này, bài thơ “Quê hương” của nhà thơ đã vang lên trong các đêm thơ và ở sân Thái miếu (Văn Miếu Quốc Tử Giám) trong Ngày Thơ Việt Nam đã khiến nhiều người xúc động. Nhà thơ có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Nhà thơ Giang Nam: Liên hoan thơ lần này, Ban tổ chức đã làm một việc rất hay đó là không sử dụng phiên dịch trong những tiết mục đọc thơ của các nhà thơ. Thay vào đó, mỗi bài thơ tiếng Việt được dịch ra tiếng Anh và để một nhà thơ quốc tế biết tiếng Anh đọc, sau phần trình bày của tác giả. Bài thơ “Quê hương” của tôi được nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai chuyển ngữ. Trong đêm thơ ở Hạ Long, bài thơ của tôi được chọn để mở đầu đêm thơ. Sau khi tôi đọc xong, nhà thơ nữ Sue Wootton đến từ đất nước New Zealand đọc lại bằng tiếng Anh và nó đã nhận được sự tán dương của các nhà thơ có mặt tại đêm thơ. Khi ở Hà Nội, trong Ngày Thơ Việt Nam, sau bài diễn văn khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh và phần ngâm thơ bài “Nguyên Tiêu” của Bác Hồ, bài thơ “Quê hương” lại một lần nữa vang lên. Giới thiệu về bài thơ này, nhà thơ Phạm Vũ Luận đã nói: “Ở Việt Nam, đất nước là Cha, còn quê hương là những gì thân thuộc nhất như người Mẹ. Để hiểu thêm về điều này, mời các bạn lắng nghe bài thơ “Quê hương” của nhà thơ Giang Nam”. Sau khi tôi và nhà thơ Sue Wootton trình bày xong bài thơ của mình, nhà thơ người Israel đã đến và tâm sự với tôi rằng: “Tôi đã nghe bài thơ này hai lần, và lần nào tôi cũng rơi nước mắt. Sao mà giống như dân tộc của chúng tôi, đất nước của chúng tôi đến vậy. Chúng tôi mong muốn sẽ được đọc thêm nhiều bài thơ hay nói về số phận con người, số phận đất nước như thế”.

- P.V: Xin cảm ơn nhà thơ!

Nhân Tâm (Thực hiện)