
Chồng đàn, vợ hát; chồng dạy nhạc cụ dân tộc, vợ truyền dạy những làn điệu hát chầu văn… Hàng chục năm nay, đôi vợ chồng ấy đã rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để cùng biểu diễn phục vụ người dân vào các dịp lễ hội.
Chồng đàn, vợ hát; chồng dạy nhạc cụ dân tộc, vợ truyền dạy những làn điệu hát chầu văn… Hàng chục năm nay, đôi vợ chồng ấy đã rong ruổi khắp trong Nam ngoài Bắc để cùng biểu diễn phục vụ người dân vào các dịp lễ hội. Câu chuyện về hai vợ chồng Nghệ nhân dân gian (NNDG) Trần Thị Tâm và Huỳnh Ngọc Ẩn tưởng chỉ có trong những chuyện tình lãng mạn, vậy mà lại đang hiện hữu ngay trong lòng phố biển Nha Trang.
. Mến nhau từ cung đàn, điệu hát
Đến căn nhà số 30/13 Hà Thanh, khóm Vạn An, phường Vạn Thắng (TP. Nha Trang) những ngày này, có thể thấy luôn đầy ắp tiếng nói cười rộn rã. Hàng xóm láng giềng, sau khi biết tin vui hai vợ chồng bà Trần Thị Tâm và ông Huỳnh Ngọc Ẩn vừa đón nhận Bằng công nhận NNDG ở các lĩnh vực hát chầu văn, sử dụng nhạc cụ dân tộc do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, đã liên tục đến chúc mừng. Không giấu được xúc động, nghệ nhân Trần Thị Tâm chia sẻ: “Bao năm làm nghề, tôi không bao giờ dám nghĩ sẽ có một ngày vui như thế này! Nghề truyền thống của cha ông truyền lại, mình chỉ biết giữ gìn và mang đi biểu diễn phục vụ bà con; không ngờ, những việc làm đó lại được mọi người ghi nhận và được phong tặng danh hiệu nghệ nhân!”.
![]() |
Vợ chồng nghệ nhân Trần Thị Tâm và Huỳnh Ngọc Aån biểu diễn tại lễ trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. |
Nhắc đến hai vợ chồng nghệ nhân Trần Thị Tâm - Huỳnh Ngọc Ẩn, điều khiến nhiều người khâm phục nhất chính là việc họ đã cùng nhau vượt qua biết bao khó khăn, thử thách của cuộc sống. Hai ông bà đến với nhau bắt đầu từ tình yêu đối với cung đàn, điệu hát. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn, lúc đó đang ở Phan Rang (Ninh Thuận), trong một lần ra Nha Trang biểu diễn thì tình cờ gặp bà Trần Thị Tâm. Mê chất giọng hát chầu văn đặc biệt của bà, ông đã rời Đoàn Nghệ thuật Ninh Thuận để theo nhóm hát chầu văn của bà. Cũng thời điểm này, nhóm của bà đang thiếu tay đàn nên đã đồng ý nhận ông và tiếng đàn của ông đã hỗ trợ rất nhiều cho bà trong những buổi diễn. Bà mến ông không chỉ ở ngón đàn điêu luyện mà còn ở cái tính chịu khó, ham học hỏi. Tuy là người khuyết tật nhưng ông không nề hà khó khăn. Mỗi lần nhóm đi hát, dù ở đâu, hát lâu thế nào, ông cũng theo được. Sau mỗi buổi diễn, ông đều có những hành động quan tâm đến bà. Chính từ những tình cảm chân thành đó, họ đã tìm được tiếng nói chung. Nghệ nhân Trần Thị Tâm chia sẻ: “Ổng thương tôi lắm. Thấy tôi phải hát nhiều, đôi khi không đủ sức hát cho tròn canh mà không có người hát thay nên ông đã cố gắng tập hát. Đến giờ, dù giọng hát của ông chưa được chuẩn, cách ém hơi chưa tốt nhưng đã có thể hát phụ giúp tôi”.
. Đôi nghệ nhân có nhiều đóng góp
Việc cùng một lúc hai vợ chồng được phong danh hiệu NNDG là việc rất hy hữu. Càng đặc biệt hơn, nếu biết rằng, đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 6 người được công nhận danh hiệu này.
Bà Trần Thị Tâm, năm nay 58 tuổi, được công nhận NNDG vì có tài năng chuyên hát chầu văn phục vụ các buổi lễ tế Mẫu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh, thành phố khác. Bà cũng có công truyền dạy cho thế hệ trẻ hát chầu văn. Đến nay, đã có 5 người được bà truyền dạy các kỹ năng của nghệ thuật hát chầu văn. Ngoài ra, bà cũng đã có công sưu tầm, sáng tác nhiều bài hát chầu văn để phục vụ lễ hội và truyền dạy. Bà Trần Thị Tâm từng đoạt giải A tại Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam 2011 do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; giải Xuất sắc tại Liên hoan Làng biển Việt Nam 2011 được tổ chức ở Ninh Thuận.
Ông Huỳnh Ngọc Ẩn năm nay 56 tuổi, đã hơn 40 năm chuyên về nghề đàn. Ông có thể sử dụng được nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Ông có công biên soạn một số giáo án để truyền dạy các ngón đàn cho thế hệ trẻ ở trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, đã có 10 người được ông dạy đàn và đều trở thành những tay đàn giỏi ở các đoàn nghệ thuật truyền thống, các gánh hát bội.
Đánh giá về những đóng góp của hai nghệ nhân Trần Thị Tâm và Huỳnh Ngọc Ẩn, ông Nguyễn Tứ Hải - Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh cho biết: “Thật may mắn cho Khánh Hòa khi vẫn còn những người có thể sử dụng thành thạo, trình diễn một cách bài bản các nhạc cụ dân tộc cũng như nghệ thuật hát chầu văn. Như chúng ta đã biết, nghệ thuật hát chầu văn múa bóng gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu của nhân dân. Ở Khánh Hòa, tín ngưỡng thờ Mẫu càng được trọng vọng. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội đã dẫn đến những hoạt động biến tướng trong tục thờ Mẫu. Chính những nghệ nhân như thế này đã giúp cho nghệ thuật chầu văn được diễn ra theo đúng vẻ đẹp vốn có của nó”.
NHÂN TÂM
Tiêu chí công nhận Nghệ Nhân Dân Gian:
1. Nắm giữ và thực hành ở trình độ cao những giá trị, kỹ năng, bí quyết văn hóa, văn nghệ dân gian.
2. Sẵn sàng và có khả năng truyền dạy toàn bộ hiểu biết của mình cho thế hệ trẻ.
3. Khi được Hội Văn nghệ dân gian yêu cầu, sẵn sàng cung cấp, thực hành, trình diễn những vốn hiểu biết của mình về văn hóa, văn nghệ dân gian để Hội tiến hành sưu tầm, lưu giữ.
. Việc cùng lúc cả hai vợ chồng ông bà Huỳnh Ngọc Ẩn và Trần Thị Tâm được phong tặng danh hiệu NNDG là chuyện chưa từng có tiền lệ ở Khánh Hòa và cũng thuộc diện hiếm trong cả nước.