10:11, 03/11/2011

Lý tưởng của tuổi trẻ một thời đạn lửa

“Đêm qua, B52 lại quật gần đâu đây, rung chuyển cả lán trại. Đêm nằm yên lặng nghe mưa xối xả dội xuống rừng. Trên đài đang kể lại câu chuyện cua chữ A năm xưa.

 Bìa sách “Nhật ký Thanh niên xung phong Trường Sơn 1965 - 1969”.
“Đêm qua, B52 lại quật gần đâu đây, rung chuyển cả lán trại. Đêm nằm yên lặng nghe mưa xối xả dội xuống rừng. Trên đài đang kể lại câu chuyện cua chữ A năm xưa. Lòng lại dặn lòng, trằn trọc. Cả khu cột sống nhức nhối, người yếu quá rồi. Mình hoàn toàn không muốn cuộc đời sẽ hư đốn đi. Dù có còn một tàn lực mình cũng nguyện cống hiến cho sự nghiệp có ích của cuộc đời. Đừng để bản thân rỗi rãi, đừng sống ích kỷ quá, đừng để năm tháng qua đi một cách vô vị…”. Đó là những dòng tâm sự của cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trần Văn Thùy viết vào ngày 26-7-1969 trong cuốn “Nhật ký TNXP Trường Sơn 1965 - 1969” - một quyển sách chứa đựng suy nghĩ, lý tưởng của tuổi trẻ một thời đạn lửa.

Vào những ngày đầu tháng 10-2011, trên kệ của rất nhiều nhà sách xuất hiện cuốn Nhật ký TNXP Trường Sơn 1965 - 1969 của Trần Văn Thùy. Sách dày hơn 400 trang, do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành. Cầm quyển sách trên tay, tôi đã hình dung đến những hình ảnh về các chiến sĩ TNXP năm xưa mà mình bắt gặp đâu đó trong các câu chuyện hoặc những thước phim tư liệu. Những địa danh như: Truông Bồn, Ngã ba Đồng Lộc, U Bò… bất chợt xuất hiện. Tôi hiểu rằng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng TNXP với những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chung của toàn dân tộc. Họ có mặt ở những nơi xung yếu nhất, nơi kẻ thù đánh phá ác liệt nhất để giữ vững mạch máu giao thông suốt từ Bắc vào Nam. Họ cũng phải đối mặt với những trận sốt rét rừng, hy sinh vì bom đạn kẻ thù… Vậy nhưng, khi đọc hết cuốn nhật ký này, tôi mới thấy những gì mình biết về lực lượng TNXP năm xưa là quá ít và còn nhiều khiếm khuyết.

Từ cuốn Nhật ký TNXP Trường Sơn 1965 - 1969, độc giả không chỉ được tiếp cận với những vất vả, hy sinh, chiến công của lực lượng TNXP trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, mà đó còn là một kho tư liệu quý. Trong lời giới thiệu cuốn nhật ký, nhà nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân bày tỏ: “Với tư cách là ghi chép của người trong cuộc, các trang nhật ký của anh đã ghi lại được một phần đáng kể diện mạo cuộc sống ngày thường của những TNXP tại tuyến lửa như: làm đường, sửa đường, duy trì cuộc sống của mình và đồng đội giữa nơi rừng già nhiều thiếu thốn, nhiều hiểm họa, trước hết là hiểm họa từ máy bay địch bắn phá con đường… Những con người lao động hết mình đảm bảo sự thông suốt của con đường ra trận vẫn đồng thời là những con người có lý tưởng luôn luôn hướng về tương lai của mình ở cuộc sống sau chiến tranh, luôn hy vọng về cuộc sống ấy với những sắc màu tươi sáng hơn, đáng mong ước hơn…”. Với nhiều người trong chúng ta hôm nay, cuộc sống, làm việc, chiến đấu của lực lượng TNXP vẫn ít được biết đến. Những suy nghĩ về cuộc sống, lý tưởng cho tương lai của họ lại càng ít biết hơn. Cuốn nhật ký của cựu TNXP Trần Văn Thùy như một cơ hội cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về những vấn đề sâu kín trong lòng người TNXP.

Tác giả cuốn nhật ký sinh năm 1946, quê ở tỉnh Hà Nam. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông đã tình nguyện xin gia nhập lực lượng TNXP vào tuyến lửa đường Trường Sơn ở Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, biên giới Việt - Lào. Trong khoảng thời gian 4 năm tham gia lực lượng TNXP, bản thân ông đã có những trải nghiệm sâu sắc mà trong ký ức và tâm hồn mãi không thể nào quên được. Cái cách người cựu TNXP lăn xả vào đời với lòng quả cảm, kiên cường, vượt qua những nỗi riêng tư để xả thân làm nên lịch sử, ghi dấu thế hệ mình vào lịch sử hiện đại đầy máu lửa của dân tộc. Cuốn nhật ký được bắt đầu từ ngày 11-6-1965 và kết thúc vào ngày 2-9-1969. Đọc cuốn nhật ký, chúng ta không chỉ thấy được những công việc thường ngày đầy gian lao, vất vả của lực lượng TNXP như phá núi, mở đường, bắc cầu, san hố bom… mà còn thấy được cả những hy sinh, những trận sốt rét ác tính giữa chốn rừng thiêng nước độc. Bên cạnh đó là những dòng tự sự của một trái tim chân thành trong tình đồng chí, đồng đội, tình bạn bè, gia đình và cả tình yêu. Trong suốt cuốn nhật ký của mình, tác giả đã có nhiều đoạn văn sâu sắc về khung cảnh thiên nhiên, tình cảm, nội tâm con người. Cùng với đó, rất nhiều câu danh ngôn của các triết gia, các nhà văn nổi tiếng được tác giả trích dẫn như một cách để tự răn bản thân và tạo chỗ dựa tinh thần trong những thời điểm khó khăn nhất. Điều thu hút hơn cả trong cuốn nhật ký chính là những suy nghĩ, tình cảm thể hiện khát vọng cống hiến, lý tưởng xây dựng một đất nước, một xã hội tươi đẹp. Những vướng bận riêng tư không làm cho tác giả chùn lòng, nản chí mà tác giả đã có cách hành xử cao thượng, thể hiện cho tính cách, tâm hồn của một người có tri thức và có chiều sâu văn hóa. Quá khứ qua đi cho mình nhiều điều phong phú… Hãy sống sao cho đúng bản sắc con người. Trầm tĩnh nhưng sâu sắc, cẩn trọng nhưng không khôn ngoan, khéo léo nhưng không gian giảo, tinh vi nhưng không tính toán hẹp hòi… Đấy! Cuộc sống quanh mình sống sao cho ý vị. Năm tháng qua đi đừng để cuộc sống mang nhiều luyến tiếc, hối hận… (Ngày 21-7-1966, trang 92). Lý tưởng tối thượng trong trái tim, khối óc của người TNXP chính là ước mong đóng góp sức lực của mình vào sự nghiệp chung của toàn dân tộc. Sẽ thật sai lầm nếu đưa ra sự so sánh giữa cuốn nhật ký này với những cuốn nhật ký đã được xuất bản khác, bởi dù sao, đây cũng là những tư liệu cá nhân và các tác giả viết ra nó không theo cung cách làm ra một tác phẩm với ngôn từ nghệ thuật. Tuy nhiên, với những gì được thể hiện, đây là cuốn sách đáng được các bạn trẻ tìm đọc.

NHÂN TÂM