10:11, 03/11/2011

2 cách nghĩ, 2 kết cục

Thành công của một đội bóng bao giờ cũng gắn với sự tỏa sáng của một vài hoặc có khi chỉ là một cá nhân. Nhưng đôi khi, những ý nghĩ, quyết định khó mà hiểu nổi của nhà cầm quân đối với một cá nhân vô tình làm cho kết quả của cả đội rẽ theo chiều hướng khác.

Thành công của một đội bóng bao giờ cũng gắn với sự tỏa sáng của một vài hoặc có khi chỉ là một cá nhân. Nhưng đôi khi, những ý nghĩ, quyết định khó mà hiểu nổi của nhà cầm quân đối với một cá nhân vô tình làm cho kết quả của cả đội rẽ theo chiều hướng khác. Trường hợp của Arsene Wenger với Van Persie và Pep Guardiola với Messi đã cho thấy sự khác biệt trong cách nghĩ của 2 huấn luyện viên ở lượt trận thứ tư vòng bảng Champions League diễn ra rạng sáng 2-11, mà kết quả cuối cùng của nó là khác nhau…

1. Báo giới vừa ca tụng hết lời chiến thắng của Arsenal trước Chelsea cũng như dấu ấn cá nhân của Van Persie với cú hat-trick trong trận đấu này. Thế nhưng, ông Wenger ngay lập tức đã dập tắt niềm cảm hứng của các học trò khi bước ra sân chơi châu Âu bằng cách cất linh hồn mới của đội - Van Persie hơn 1 giờ đồng hồ trên băng ghế dự bị. Không có Persie (trong hơn 60 phút), các “pháo thủ” chơi bóng như không có cảm giác, không mục tiêu, không bàn thắng và dĩ nhiên là cũng không có chiếc vé sớm vào vòng knock-out trong một trận đấu thiếu “lửa”, thiếu độ sắc nét. Đó là cái kết cục mà ông Wenger có được sau những quyết định của mình, mà ông thừa nhận đó là một canh bạc khi để cầu thủ ghi đến 33 bàn trong 37 trận trong năm 2011 ngồi ngoài, trong bối cảnh “Giáo sư” biết rõ không ai có thế lấp đầy khoảng trống của Persie để lại. E ngại Persie sẽ bị chấn thương, đó là lý do giải thích cho việc ông để anh ở ghế dự bị. “Anh ấy quá mệt mỏi, nhất là sau trận đấu với Chelsea vừa rồi, đó là lý do tại sao tôi để anh ngồi ngoài. Bạn nên biết rằng chúng tôi thi đấu 50 trận mỗi năm, và anh ấy không thể chơi 50 trận đấu trong 1 năm. Đó là một canh bạc. Chúng ta phải chấp nhận nó” - ông nói.

Chẳng biết rồi ông Wenger sẽ còn có thêm “canh bạc” nào không? Sự hồi sinh của Arsenal có thể tiếp tục mà không có Van Persie trong đội hình? Câu hỏi ấy vẫn còn treo lơ lửng đối với Arsenal sau trận hòa không bàn thắng với Marseille. Cho dù ông thầy người Pháp phủ nhận việc Arsenal phụ thuộc nhiều vào Persie khi lên tiếng rằng “không thể nói một cầu thủ có thể làm nên tất cả điều khác biệt”, nhưng kết quả này chỉ cho thấy rõ hơn sự phụ thuộc của đội bóng vào tiền đạo người Hà Lan.

2. Trong khi đó, dù thi đấu với đội bóng nhỏ bé Viktoria Plezn, ông Pep Guardiola vẫn tung ra đội hình mạnh để quyết tâm giành vé sớm và họ đã đạt điều đó với 4 bàn thắng ghi được, trong đó có dấu ấn hat-trick của Messi. Sau trận đấu, Messi nói rằng anh hạnh phúc với thành tích ghi bàn của cá nhân mình, nhưng mục tiêu chính của anh không phải là ghi bàn hay xô đổ những kỷ lục mà là “tiếp tục giữ được phong độ theo cách này, để tiếp tục giúp đội bóng giành chiến thắng”. Messi đã ghi 202 bàn thắng cho Barca trong 6 năm, riêng từ đầu mùa đến nay anh ghi tổng cộng 23 bàn, mà xét cho cũng, những bàn thắng của anh đã mang lại vinh quang chung cho câu lạc bộ - trở thành đội bóng xuất sắc nhất ở đấu trường trong nước cũng như châu Âu.

Vấn đề khác biệt ở đây chính là cái cách ông Guardiola sử dụng Messi. Khi trong đội hình không còn ai tỏa sáng thì Barca sẽ thi đấu với niềm cảm hứng mang tên Messi. Cũng có đôi khi Barca gặp bế tắc khi Messi tịt ngòi nhưng ông Guardiola không có cảm giác Barca phụ thuộc vào anh, bởi anh chỉ cố gắng để giúp đội bóng giành chiến thắng và ghi bàn. Chứng kiến anh ghi liền 2 cú hat-trick trong vòng 4 ngày cho Barca, ông Guardiola đã ca ngợi và gọi anh là “một cầu thủ phi thường”. “Chúng tôi chúc mừng Leo (Messi - PV) một lần nữa lại ghi bàn thắng. Cậu ấy đã ghi bàn thắng thứ 202 cho Barca ở cái tuổi 24. Tôi tin cậu ấy sẽ xô đổ các kỷ lục của câu lạc bộ nhưng tôi không biết cậu ấy có thể thực hiện điều này trong mùa này, bởi nó phụ thuộc vào cách chúng tôi thể hiện trong phần còn lại của mùa giải, nhưng cũng không thể loại trừ điều đó. Là huấn luyện viên, chúng tôi ở đây để giúp đỡ những cầu thủ như anh ấy và những người khác. Tôi cố gắng đưa cậu ấy đến gần hơn cái tầm của mình khi tôi đến câu lạc bộ, và tôi biết tôi phải đặt anh ấy ở vị trí trung tâm. Messi cũng ý thức được rằng nếu không có đồng đội và những người quanh anh ấy thì không ai có thể làm được điều đó” - ông bày tỏ.

3. Đó cũng là 2 ý nghĩ trái ngược của ông Wenger và ông Guardiola. Trong khi ông Guardiola luôn tạo cơ hội cho Messi tỏa sáng và đem lại chiến thắng cho đội bóng thì ông Wenger lại làm ngược lại. Có vẻ như ông vẫn cố chứng minh rằng Arsenal không phụ thuộc hoàn toàn vào Van Persie như người ta vẫn nghĩ, cho dù điều đó không đem lại lợi ích cho đội bóng. Đáng nói hơn, lẽ ra trong bối cảnh các cuộc đua ngày càng trở nên quyết liệt như hiện nay thì việc Arsenal kết thúc vòng đấu bảng Champions League càng sớm càng tốt để tập trung cho những mặt trận còn lại, thì ông Wenger lại tự làm khó cho mình, cho đội bóng, nhất là trong lúc Arsenal vẫn chưa hoàn toàn lấy lại mình trong thời gian gần đây. Một vấn đề nữa, đó là Barca có nhiều cá nhân có thể tỏa sáng, nhưng ở Arsenal thời điểm này không có nhiều sự lựa chọn nào hơn Van Persie. Anh không chỉ là nhạc trưởng, là vũ khí ghi bàn cho Arsenal, mà quan trọng hơn là trong lúc đội bóng mới tạm vượt qua những khó khăn và chưa thực sự ổn định, họ cần một niềm cảm hứng và điều đó lại hội tụ ở người nhạc trưởng này sau khi Fabregas ra đi. Có lẽ ông Wenger cần nghĩ xa hơn vì lợi ích cuối cùng của đội bóng.

B.T