04:11, 02/11/2011

Thắm tình hữu nghị Việt - Nga

Tối 31-10-2011, trên 2 kênh VTV3, VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thực hiện chương trình cầu truyền hình trực tiếp giữa 2 điểm cầu Hà Nội - Matxcơva mang tên “Bài ca chiến thắng” nhân kỷ niệm 70 năm ngày diễn ra cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ.....

Tối 31-10-2011, trên 2 kênh VTV3, VTV4 - Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã thực hiện chương trình cầu truyền hình (CTH) trực tiếp giữa 2 điểm cầu Hà Nội - Matxcơva mang tên “Bài ca chiến thắng” nhân kỷ niệm 70 năm ngày diễn ra cuộc duyệt binh lịch sử trên Quảng trường Đỏ của lực lượng Hồng quân vào ngày 7-11-1941 và cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô Viết chống phát xít Đức. Gần 3 tiếng đồng hồ diễn ra CTH là khoảng thời gian khán giả được theo dõi chương trình biểu diễn nghệ thuật mang đậm màu sắc Nga và những câu chuyện cảm động về những mất mát, hy sinh cũng như tinh thần ngoan cường của người dân Liên Xô (cũ), từ đó toát lên thông điệp về tình cảm thủy chung của hai dân tộc Việt - Nga.

Được xem là một trong số những chương trình lớn nhất của VTV trong năm 2011, CTH Bài ca chiến thắng đã thực sự đáp ứng được kỳ vọng của đông đảo khán giả, nhất là với những người từng có thời gian sống và làm việc ở đất nước Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hôm nay. Khơi gợi lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của những chiến binh Hồng quân Liên Xô bằng một chương trình biểu diễn nghệ thuật với hầu hết các ca khúc nói lên tinh thần Nga, tâm hồn Nga là cách thể hiện ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Cùng với đó, những phóng sự về con người, sự kiện đã diễn ra trên đất nước Liên Xô; những cuộc giao lưu với các vị khách mời… đã tạo nên tính đa chiều, giúp người xem có cái nhìn toàn diện về những gì đã diễn ra ở xứ sở bạch dương 70 năm về trước.

 Cuộc duyệt binh ở Quảng trường Đỏ năm xưa (Ảnh Tư liệu)

Chương trình mở đầu bằng việc phát lại đoạn băng do phát thanh viên huyền thoại Levitan đọc lời hiệu triệu của chính quyền Xô Viết đến toàn thể nhân dân về cuộc chiến tranh chống phát xít Đức. Không khí sục sôi của cuộc chiến đấu năm xưa như được tái hiện với hợp xướng Cuộc chiến tranh thần thánh. Với chủ đích xây dựng một chương trình thiên về các yếu tố nghệ thuật, ê kíp thực hiện CTH đã lựa chọn rất nhiều ca khúc thấm đậm màu sắc của những giai điệu Nga, tâm hồn Nga, tinh thần Nga. Trong số 15 ca khúc được trình bày, có những ca khúc đã khá quen thuộc với nhiều khán giả Việt Nam như: Kachiusa, Thời thanh niên sôi nổi, Chiếc khăn xanh…, bên cạnh đó là những ca khúc mang giá trị nhân văn sâu sắc và được lớp lớp người dân Nga yêu thích, như: Giờ này anh ở đâu, Đêm đen, Em gái ơi đừng khóc, Chim họa mi đừng hót, Đàn sếu, Trận đánh cuối cùng… Chương trình chỉ trình bày duy nhất một ca khúc Việt Nam là bài Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho) do Trung tướng Nguyễn Sinh Hưởng cùng các đồng đội một thời chiến đấu với ông thể hiện. Những ca khúc Nga được Dàn nhạc Trung ương Quân đội Nga và các nghệ sĩ Việt Nam như Nghệ sĩ Nhân dân Trung Kiên, ca sĩ Trọng Tấn, Đăng Dương, Tuyết Hoa… biểu diễn đã để lại dấu ấn đối với khán giả. Cái hay của chương trình là việc sử dụng đậm nét các bài hát Nga trong một chương trình CTH có thời lượng khá dài nhưng khán giả theo dõi vẫn không thấy sự đơn điệu, nhàm chán. Điều này cho thấy sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng như lời chia sẻ của nhà báo Lại Văn Sâm - Tổng đạo diễn chương trình: “Những bài hát Nga thường có ca từ, giai điệu thật đẹp. Nó chứa đựng những tình cảm chân thành, những tình yêu trong sáng và những tâm hồn giàu sức sống”.

Không phải là một chương trình mang tính chính luận, nhưng những phóng sự tổng hợp điểm lại những mốc lịch sử quan trọng từ năm 1941 đến ngày chiến thắng phát xít Đức (9-5-1945) đã giúp khán giả ôn lại chặng đường đầy gian khổ mà vinh quang của nhân dân Xô Viết trong 1.418 ngày đêm của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Các địa danh như thủ đô Matxcơva, TP. Stalingrat, Leningrat… lần lượt được nhắc tới với những chiến thắng lừng lẫy. Những chiến công năm xưa như vẫn còn hiện hữu qua lời kể của những con người đã từng trực tiếp tham gia chiến đấu hoặc từng sống vào thời kỳ đó. Trong chiến thắng của nhân dân Liên Xô năm xưa, có một phần đóng góp của những người con đất Việt. Các chiến sĩ Việt Nam đã chung vai, sát cánh cùng chiến hào chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của nhân dân Xô Viết và họ đã hy sinh cho nền độc lập của dân tộc Nga. Trong sự phát triển của đất nước Việt Nam hôm nay cũng có sự giúp đỡ to lớn của những người bạn Nga. Đó không chỉ là sự giúp đỡ về vật chất trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, mà còn là sự giúp đỡ về tri thức, đào tạo con người. Biết bao cán bộ có trình độ của Việt Nam đã được đào tạo và trưởng thành ở Liên Xô, để rồi khi về lại quê hương, họ đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Tình cảm Nga - Việt đã được hun đúc từ lâu, để đến hôm nay, lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam vẫn tiếp tục bồi đắp thêm tinh thần đoàn kết giữa hai dân tộc ngày càng vững chắc. Như thông điệp của những người làm chương trình CTH Bài ca chiến thắng muốn gửi tới mọi người: “Cho dù thế giới có những biến cố nào đi chăng nữa, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nga mãi mãi sẽ là như vậy, mãi mãi sẽ không thay đổi”.

GIANG ĐÌNH