07:10, 30/10/2011

Góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm giai đoạn 2008 - 2011 do Cục mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm tổ chức ở TP. Nha Trang,.....

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý mỹ thuật, nhiếp ảnh (MT-NA) và triển lãm giai đoạn 2008 - 2011 do Cục MT-NA và triển lãm tổ chức ở TP. Nha Trang, một vấn đề được nhiều người làm công tác quản lý cũng như giới văn nghệ sĩ quan tâm chính là việc xây dựng, hình thành nên một thị trường tiêu thụ các tác phẩm MT-NA. Làm được điều này chính là đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức tôn vinh các sản phẩm văn hóa dân tộc, thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

MT-NA là những hoạt động nghệ thuật mang tính đặc thù sáng tạo của cá nhân các nghệ sĩ. Tuy nhiên, sản phẩm của họ là những tác phẩm nghệ thuật có khả năng phục vụ rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân. Chính vì thế, việc nhìn nhận, quan tâm đúng mức đến những sáng tạo trong lĩnh vực này là việc làm cần thiết, trong đó nên có sự chú trọng đến “đầu ra” cho sản phẩm. Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục MT-NA và triển lãm cho rằng “việc sử dụng và tiêu thụ tác phẩm MT-NA hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị, khu du lịch còn sử dụng tranh, ảnh của nước ngoài để trang trí trụ sở, phòng làm việc, hội trường… Để xây dựng ngành MT-NA phát triển bền vững, cần tạo ra thị trường trong nước để tiêu thụ, sử dụng tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam. Muốn làm được điều đó cần có sự thay đổi trong nhận thức của mỗi người, cùng với đó là việc xây dựng hệ thống chính sách đồng bộ”. Để giải quyết vấn đề trên, ông Thành kiến nghị “trước mắt, các bảo tàng, thư viện, cơ quan Nhà nước, khu du lịch, khách sạn… cần mua các tác phẩm MT-NA của các nghệ sĩ trong nước. Việc làm này nên sớm trở thành một chủ trương chung từ Trung ương đến địa phương. Nhà nước cũng cần có cơ chế đặc thù cho các bảo tàng để có thể lưu giữ được nhiều tác phẩm tốt, có giá trị nghệ thuật cao truyền lại cho thế hệ sau”.

 Xây dựng một thị trường nghệ thuật phát triển đúng hướng sẽ có tác động tích cực đến hoạt động sáng tạo nghệ thuật.

Cùng chung quan điểm với ông Vi Kiến Thành, ông Lưu Nguyên - công tác ở Phòng Quản lý xuất nhập văn hóa phẩm (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) nêu dẫn chứng về hoạt động xuất khẩu sản phẩm văn hóa ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã trở thành một ngành công nghiệp mang nhiều lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị, xã hội. Trong toàn quốc, hiện có hơn 1.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tranh, tượng, ảnh; có hàng trăm gallery đang hoạt động cùng nhiều triển lãm diễn ra liên tục. Các doanh nghiệp, các gallery, phòng triển lãm cũng có sự hợp tác quốc tế và đang bước đầu làm quen với môi trường chuyên nghiệp. Tuy nhiên, số lượng xuất khẩu các sản phẩm MT-NA vẫn chiếm tỷ lệ cực thấp trong kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nguyên nhân chính vẫn là do sản phẩm MT-NA của Việt Nam chưa được quảng bá đúng mức nên chưa có những tác phẩm có giá trị cao trên thị trường MT-NA quốc tế. Theo ông Nguyên, “cần nâng cao chất lượng sản phẩm văn hóa, bảo hộ và bảo vệ các sản phẩm văn hóa có giá trị nhằm phát triển thị trường trong nước một cách lành mạnh, từ đó cạnh tranh với các sản phẩm văn hóa nước ngoài, mở rộng thị trường xuất khẩu”.

Đứng từ góc độ của người nghệ sĩ, ông Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội MT Việt Nam nhìn nhận: “Trong cơ chế thị trường hiện nay, nhiều nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ đã có thể sống được với nghề. Tuy nhiên, bên cạnh những tác giả tập trung cho sáng tác và có những tác phẩm chất lượng, vẫn còn nhiều nghệ sĩ chạy theo thị hiếu thị trường nên cho ra đời những sản phẩm giá trị nghệ thuật thấp”. Trong khi đó, nhà điêu khắc Phan Văn Tiến - Giám đốc Bảo tàng MT Việt Nam băn khoăn: “Trong vài chục năm nay, các sản phẩm nghệ thuật ra đời một cách ồ ạt với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ, một thị trường MT-NA đang dần được hình thành đã mang lại những yếu tố tích cực. Bên cạnh đó cũng xuất hiện những vấn đề ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sưu tầm, bảo tồn di sản MT-NA cho nước nhà”.

Có thể thấy, thị trường tranh, ảnh có vai trò thúc giục sự sáng tạo, kích thích sự khám phá những ý tưởng mới của người nghệ sĩ, để từ đó gieo hy vọng vào việc phát triển sự nghiệp nghệ thuật và cho ra đời những tác phẩm có giá trị sâu sắc. Một thị trường nghệ thuật lành mạnh, đúng hướng là đôi cánh nâng đỡ cho những sản phẩm mang dấu ấn sáng tạo cá nhân của người nghệ sĩ, để từ đó công chúng có nhiều điều kiện được nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của bản thân. Sự phát triển của thị trường nghệ thuật phải đi đôi với sự phát triển của nền nghệ thuật nước nhà và nó phải đóng vai trò là nơi tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc. Cơ chế thị trường trong nghệ thuật phải làm sao dung hòa được yếu tố hàng hóa với giá trị tinh thần; lao động và sáng tạo… Giải quyết tốt những hạn chế của thị trường MT-NA chính là chúng ta đang góp phần nâng cao mặt bằng thẩm mỹ của nền MT-NA nước nhà trong xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

NHÂN TÂM